Bamboo Airways giải trình nguồn lực đảm bảo an toàn nếu tăng tàu bay

 
Chia sẻ

Mặc dù đề xuất tăng số lượng tàu bay (từ 10 tàu bay lên 30 tàu bay) của Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã được Bộ GTVT thống nhất đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, hãng hàng không này phải giải trình rõ nguồn nhân lực khai thác tàu bay đảm bảo an ninh, an toàn trước khi chính thức trình lên Chính phủ xem xét.

Bamboo Airways giai trinh nguon luc dam bao an toan neu tang tau bay - Hinh anh 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Bamboo Airways phải giải trình rõ nguồn lực khai thác tàu bay đảm bảo an ninh, an toàn. Ảnh: VGP/Phan Trang

Nội dung trên được đưa ra tại buổi làm việc về đề xuất điều chỉnh Đề án thành lập Hãng hàng không Tre Việt diễn ra chiều 21/6 do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì.

Cụ thể, theo đại diện Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) kể từ thời điểm được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và cất cánh chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/01/2019, Bamboo Airways đã đưa vào khai thác 10 tàu bay (loại Airbus A319, A320 và A321 NEO) với tổng số chuyến bay là 6.606 chuyến.

Tổng số lượt khách vận chuyển là 800 ngàn hành khách; Khai thác 100% chuyến bay vận chuyển hàng không an toàn; Tỷ lệ khai thác chuyến bay đúng giờ luôn đạt trên 95,2%; Tổng số đường bay khai thác là 24, trong đó có 04 đường bay mở mới hoàn toàn; Khai thác tại 15 sân bay trong nước; Tỉ lệ hành khách trên mỗi chuyến bay luôn đạt trên 80%.

Đối chiếu với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 và nhu cầu phát triển thực tế, năng lực của hãng, tháng 4/2019, Bamboo Airways đã đề xuất điều chỉnh Dự án đầu tư vận tải hàng không Tre Việt.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, từ thực tiễn kinh doanh vận chuyển hàng không, bất kỳ hãng hàng không nào muốn khai thác ổn định, có hiệu quả thì quy mô đội tàu bay tối thiểu phải từ 25-30 tàu bay.

“Do đó, Bộ GTVT thống nhất chủ trương tăng số lượng tàu bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc đến năm 2023 cho Bamboo Airways”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá Đề án điều chỉnh Dự án đầu tư vận tải hàng không Tre Việt.

Đồng thời, cơ quan này cũng cần rà soát, đánh giá lại dự báo tăng trưởng thị trường hàng không theo từng mốc thời gian cho đến năm 2030; Khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của các cảng hàng không, sân bay; Đội ngũ giám sát an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay của Cục; nguồn nhân lực đối với việc vận hành, khai thác tàu bay (phi công, nhân viên kỹ thuật, nhân viên phục vụ...) trước mắt thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Bamboo Airways phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan đánh giá hồ sơ điều chỉnh Dự án nhằm điều chỉnh, bổ sung các nội dung để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và tính khả thi nếu được phê duyệt.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Bamboo Airways phải giải trình rõ nguồn lực khai thác tàu bay đảm bảo an ninh, an toàn và cung cấp các hợp đồng tuyển dụng lao động đã ký kết; Thực hiện đúng các quy trình, thủ tục về việc mua sắm các tàu bay phù hợp với các yếu tố liên quan và đảm bảo đủ điều kiện cho việc khai thác.

Căn cứ vào kết quả rà soát, đánh giá, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của Bamboo Airways.

Trước đó, hãng hàng không của Tập đoàn FLC đề nghị xin cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do thay đổi về người đại diện pháp luật; bổ sung thêm chi nhánh; tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng (vốn điều lệ theo Giấy phép hiện tại là 700 tỷ đồng); thay đổi phạm vi hoạt động thành kinh doanh vận chuyển quốc tế, nội địa và khai thác trên 30 tàu bay (hiện tại là kinh doanh vận chuyển quốc tế, nội địa đến 10 tàu bay).

Số lượng tàu bay đang thiếu so với nhu cầu 

 Căn cứ Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 (Quyết định 236) có mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2020-2030.

Với tốc độ tăng trưởng trên, tổng thị trường năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển đạt xấp xỉ 85 triệu khách.

Để vận chuyển 85 triệu khách, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam cần 340 chiếc vào năm 2023 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250 nghìn khách/tàu bay/năm).

Trong khi đó, theo kế hoạch phát triển của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2023: Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines dự kiến khai thác 155-160 tàu bay; Vietjet dự kiến khai thác 102-106 tàu bay (khai thác thêm trung bình 9-10 tàu bay/năm).

Như vậy, số lượng tàu bay còn lại của hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không khác (nếu có) phải là 74-83 tàu bay. 

Theo báo Chính phủ

Tin liên quan