Bộ Giao thông nêu lý do các dự án trọng điểm "rùa bò", đội vốn

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Một trong những nguyên nhân là năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến việc thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư...

Bo Giao thong neu ly do cac du an trong diem
 

Theo báo cáo mới nhất vừa được Bộ GTVT gửi tới Quốc hội, ngành giao thông đang có 48 công trình, dự án trọng điểm, song mới chỉ có 24 công trình đưa vào khai thác. Số còn lại chưa hoàn thành hoặc đang trong quá trình chuẩn bị triển khai. 

Điều đáng nói, không ít dự án trong số đó đang chậm tiến độ và tăng vốn. Trong các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư thì đường bộ có 1 dự án là cao tốc Bến Lức - Long Thành. Bên cạnh đó, có tới 5 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. 

Cụ thể, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sản lượng đạt khoảng 78,19% (chậm 17,20%). Tiến độ thực hiện chậm (các gói thầu đoạn sử dụng vốn ADB phía Tây và đoạn sử dụng vốn JICA yêu cầu hoàn thành trước quý II-2019; các gói thầu sử dụng vốn ADB đoạn phía Tây yêu cầu hoàn thành trước 31/12/2020).

Nguyên nhân các gói thầu vốn ADB chậm do bị dừng giải ngân vốn nước ngoài và vốn đối ứng (vốn nước ngoài bị dừng do các thủ tục đầu tư như Hiệp định vay và thời gian thực hiện dự án chưa được điều chỉnh do hiện nay chưa xác định được cơ quan chủ quản/cấp quyết định đầu tư…

Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương (UBND TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư) sản lượng mới đạt 73%.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội Cát Linh - Hà Đông (Bộ GTVT làm chủ đầu tư) đang được hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý; vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống; khắc phục một số tồn tại để đảm bảo yêu cầu so với thiết kế làm cơ sở để tiến hành nghiệm thu Dự án;

Đồng thời, Bộ GTVT đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch bàn giao đưa Dự án vào khai thác trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện (hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận).

Hiện tại, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để báo cáo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án, đảm bảo tuyệt đối an toàn, tránh lây lan dịch bệnh, sớm hoàn thành đưa dự án vào vận hành khai thác.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho chủ trương triển khai dự án giai đoạn I và thực hiện công tác điều chỉnh giai đoạn IIA.

Về nguyên nhân chậm trễ, Bộ GTVT cho rằng, hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (các dự án đường sắt đô thị) trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.

Cùng đó, năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp… dẫn đến các khó khăn, vướng mắc không được xử lý triệt để, nhiều nội dung phải điều chỉnh, dẫn đến việc thời gian thực hiện bị kéo dài, điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư...

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khách quan như: biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, tỷ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư của dự án; điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi…

Về cơ bản, Bộ GTVT cho rằng, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tuy nhiên các yếu tố chủ quan khác cũng là nguyên nhân chính gây ra việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Bảo Nam

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h