|
Bộ GTVT đề xuất xử phạt lên tới 30 triệu đồng, tước GPLX 16 tháng đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 - Ảnh minh họa |
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, các hành vi vi phạm nồng độ cao nhất (mức 3), không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn và ma túy, Bộ GTVT đề xuất xử phạt lên đến 30 triệu đồng và tước GPLX 14 - 16 tháng.
Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 26 - 30 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 14 - 16 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.
Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên mức như quy định tại Nghị định 46 (phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở). Đối với hành vi này, Bộ GTVT chỉ đề xuất tăng mức xử phạt bổ sung tước GPLX từ 1 - 3 tháng lên 10 - 12 tháng.
Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức phạt tương tự như trên. Riêng hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy cũng có cùng mức xử phạt nhưng sẽ bị tước GPLX 22 - 24 tháng.
Đối với người điều khiển xe máy, Bộ GTVT chỉ đề xuất tăng mức xử phạt ở mức cao nhất. Cụ thể: Xử phạt 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 14 - 16 tháng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe máy điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46 đang xử phạt hành vi này 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) - thành viên ban soạn thảo Nghị định cho biết, qua thực tiến 2 năm thực hiện Nghị định, những nhóm hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và nguy hiểm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
"Tổ soạn thảo lựa chọn một số hành vi vi phạm trong thời gian qua tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và nguyên nhân tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp như tình trạng vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Trước đây, Nghị định 46 đã quy định nhưng mức phạt còn thấp nên lần sửa đổi Nghị định lần này điều chỉnh mức phạt để đảm bảo tính răn đe", ông Tùng nói.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 46 sẽ được Bộ GTVT lấy ý kiến trong vòng 1 tháng trước khi trình Chính phủ phê duyệt.