BOT T2 trên quốc lộ 91 chưa “hạ nhiệt”

 
Chia sẻ

Cứ vài chục phút trạm BOT T2 (khu vực Thới Hòa, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) lại kẹt xe phải xả trạm. Không khí xung quanh thật ồn ào vì xe cộ đông đúc, tiếng còi xe inh ỏi. Mỗi lần xả trạm lại có người hiếu kì reo hò, vỗ tay. Thỉnh thoảng lại có người to tiếng cự cãi lẫn nhau vì kẹt xe, rồi lại xả trạm…

Có mặt tại trạm thu phí BOT T2 chiều 24/5. Theo ghi nhận của PV, Trạm thu phí T2 vẫn loay hoay với việc đóng – xả trạm vì phản ứng của những tài xế. Họ cho rằng chỉ đi qua quãng đường vài trăm mét trên Quốc lộ (QL) 91 thì không thể mua vé như giá đã niêm yết đóng phí toàn tuyến đường nâng cấp (gồm QL91 và QL91B, với tổng chiều dài khoảng 45km). Tài xế Ngô Ngọc Lâm (quê An Giang) nói: “Tôi chỉ đi có 300m mà thu tới 35.000 đồng cho nên tôi không chấp nhận, chỉ trả 2.000 đồng”. 

Theo biểu mức thu phí tại trạm có tổng cộng 5 mức tùy theo tải trọng của xe. Thấp nhất là 35.000 đồng đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 12 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng; mức cao nhất là xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40fit. Tuy nhiên, lấy lý do chỉ đi trên một đoạn đường ngắn mà nhiều tài xế chỉ đưa 2.000 đồng cho một lần qua trạm. Mặc cho nhân viên thu phí giải thích họ vẫn án binh bất động. Nhân viên thu phí không nhận tiền và tài xế cứ dừng xe ngang cabin, thế là các xe phía sau phải dừng theo. Cứ như thế chỉ vài phút sau thì 4 làn xe thu phí đều kẹt cứng nối thành hàng dài, gây ách tắc giao thông cục bộ. Chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng công an và cảnh sát giao thông để đảm bảo an ninh trật tự.

Anh Nguyễn Văn Chung (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) nhà gần trạm thu phí T2 nói: “Trước đây tình trạng tài xế trả tiền lẻ vài ngàn đồng đã diễn ra vài lần tại đây. Tuy nhiên, từ sau ngày khánh thành cầu Vàm Cống (ngày 19/5) thì việc phản ứng của cánh tài xế trở nên nhiều hơn, khiến mấy ngày qua trạm T2 phải xả trạm hoài. Nhà tôi ở gần đây nghe tiếng ồn thôi đã thấy mệt trong người”.

Được biết, để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) và Công an TP Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT T2. Tại cuộc họp, đại diện 4 tỉnh, thành phố (gồm TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) đã không thống nhất với phương án giảm phí 50% đang áp dụng, mà yêu cầu xử lý theo hướng “đi bao nhiêu mét đường, trả bấy nhiêu tiền”. Các tỉnh cũng yêu cầu trong vòng 15 ngày, Tổng cục Đường bộ cần hoàn chỉnh phương án xử lý trạm BOT T2, trình Bộ GTVT phê duyệt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. 

Còn ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang cho biết, công ty ủng hộ và thực hiện các giải pháp, tiêu chí được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt sau khi có đóng góp, đề xuất từ các địa phương, đơn vị liên quan.

Liên quan đến việc lái xe bức xúc vì phải trả phí toàn tuyến cho đoạn đường khoảng hơn 200m, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi nhà đầu tư về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Km50+050 Quốc lộ 91. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang (nhà đầu tư dự án) nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 đối với các khu vực lân cận mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nhà đầu tư tiếp tục cập nhật, xem xét giảm giá cho các phương tiện thuộc diện được giảm giá đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ như phương án đã được duyệt.

Tổng cục đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp căn cứ phạm vi bán kính tối đa 10km quanh trạm thu phí T2 theo hướng dẫn của Bộ GTVT (tại văn bản số 11519/BGTVT-ĐTCT ngày 11/10/2017), mức giảm giá đối với các phương tiện đã được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ chấp thuận và hướng dẫn tương tự như đối với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ; phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thời gian đề nghị gửi văn bản cho Tổng cục trước ngày 5/6 tới.

Sau khi có cầu Vàm Cống, nhiều phương tiện lưu thông theo hướng Châu Đốc - Tân Châu trước đây đổ về TP Long Xuyên để di chuyển lên TP Hồ Chí Minh qua cầu Vàm Cống. Các phương tiện ở những nơi khác cũng về An Giang theo tuyến đường này nên tài xế càng bức xúc với “nút thắt” trạm thu phí BOT T2.

Theo PhapluatVN

Tin liên quan