Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thông thoáng chiều 3/5 (Ảnh: Phùng Tuấn).
|
Cửa ngõ phía Nam Thủ đô thông thoáng
Tại Hà Nội, chiều 3/5 - ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày. Người dân từ các tỉnh, TP lân cận đổ về Hà Nội để chuẩn bị cho tuần làm việc mới. Các bến xe lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa khá đông xe khách từ khắp các tỉnh thành đổ về. Tình trạng lộn xộn tại khu vực cổng các bến xe tiếp tục tái diễn.
Trên tuyến đường Quốc lộ (QL)1A nối liền các tỉnh phía Nam Thủ đô như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... bắt đầu từ 15 giờ chiều đã ken đặc người và phương tiện. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người đã lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển. Tuyến QL1A trở thành cung đường huyết mạch được nhiều người đi xe máy lựa chọn để trở về Hà Nội.
Tình trạng ùn ứ cục bộ xuất hiện tại một số điểm trên QL1A như nút giao cầu Giẽ, đường Ngọc Hồi (khu vực thị trấn Văn Điển), nút giao Pháp Vân và khu vực cổng các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát. Tại những điểm này, lượng phương tiện dồn về quá đông, cộng với tình trạng xe dừng đỗ dọc đường, xe taxi “vợt” khách dọc đường đã khiến cho giao thông tương đối hỗn loạn. Dù vậy, nhìn chung ùn tắc nghiêm trọng không xảy ra, các phương tiện vẫn có thể di chuyển với tốc độ chậm.
Trái ngược với cảnh đông đúc trên tuyến QL1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ lại thông thoáng một cách bất ngờ trong chiều 3/5. Cảnh thông thoáng trải dài trên hầu hết trục cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cho đến các tuyến đường nối liền với cửa ngõ phía Nam Hà Nội, trong đó bao gồm cả tuyến được coi là “điểm nóng” về ùn tắc vào mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết là đường Vành đai 3 trên cao.
Cầu Rạch Miễu
|
“Điểm nóng” cầu Rạch Miễu bất ngờ “hạ nhiệt”
Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, đường phố khu vực cửa ngõ cũng rất thông thoáng trong chiều 3/5. Tại khu vực cửa ngõ phía Đông, nút giao An Phú và đường dẫn lên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, những nơi thường chịu sức ép gia thông rất lớn vào mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết thì chiều 3/5 lại khá thông thoáng. Tất cả phương tiện lưu thông qua các nút giao này tương đối dễ dàng.
Các tuyến huyết mạch khác như khu vực bến phà Cát Lái hay tuyến đường Mai Chí Thọ hướng về xa lộ Hà Nội, khu vực cầu Bình Triệu... giao thông cũng khá thuận lợi, các phương tiện đi lại dễ dàng, ùn tắc không xảy ra.
Xa hơn một chút, tại các tuyến đường huyết mạch nối liền khu vực miền Tây Nam bộ với TP Hồ Chí Minh trong chiều 3/5 cũng không còn tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như vài ngày trước đó. Khu vực cầu Rạch Miễu nối liền hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang rồi dẫn về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ thông thoáng không ngờ vào cuối giờ chiều 3/5 dù trên thực tế đây là khung giờ được dự đoán là cao điểm của ùn tắc.
Ngay cả khu vực qua trạm BOT cầu Rạch Miễu hướng từ Bến Tre đi Tiền Giang và cả chiều ngược lại, chiều 3/5 giao thông cũng khá thuận tiện, không còn tình trạng hàng dài phương tiện nối đuôi nhau nhích từ tí một như vài ngày trước. Tương tự, các tuyến quốc lộ ở tỉnh Tiền Giang và Long An nối liền với TP Hồ Chí Minh, cũng như cao tốc Trung Lương - TP Hồ Chí Minh đều thông thoáng, các phương tiện giao thông di chuyển bình thường.
(Ảnh: Lê Thanh).
|
Xu hướng thay đổi lịch trình để tránh ùn tắc
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế&Đô thị, sở dĩ các tuyến đường huyết mạch nối liền cửa ngõ hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở nên thông thoáng bất ngờ như vậy là do phần lớn những người sử dụng phương tiện cá nhân là ô tô đã thay đổi lịch trình, họ lên hai TP này từ tối 2/5 và sáng sớm 3/5 hoặc rời kế hoạch về Thủ đô sang đêm muộn 3/5 nhằm tránh tình trạng tắc đường. Đây cũng là một phương án không tồi để các tài xế sử dụng xe cá nhân lựa chọn trong các kỳ nghỉ lễ tiếp theo.
Các chuyên gia giao thông nhận định, trong những năm gần đây, xu hướng người dân sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển vào những kỳ nghỉ lễ, Tết ngày càng phổ biến. Điều này khiến cho sức ép lên hạ tầng giao thông có dấu hiệu tăng dần theo thời gian, ùn tắc giao thông vì thế cũng dễ xảy ra hơn.
Tuy nhiên, sau khi trực tiếp “kinh qua” cảm giác “chôn chân một chỗ” trong những đám đông phương tiện vào mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, nhiều người đã bắt đầu... biết sợ và họ đang tự tìm ra giải pháp cho riêng mình bằng cách thay đổi lịch trình di chuyển để tránh những giờ cao điểm ùn tắc.
Việc sử dụng phương tiện cá nhân có một lợi thế là chủ động về thời gian di chuyển vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Điều này đang được các chủ phương tiện tận dụng một cách tối đa và xu hướng thay đổi lịch trình di chuyển để tránh ùn tắc này được dự báo sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới.