Việc làm của ông đã cứu sống hàng chục người thoát khỏi tử thần. Ngoài ra, ông còn là người đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Nghi Trung.
20 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
|
“Tôi nghĩ mình ở đầu tuyến đường mình không đi trước thì ai làm. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, mỗi nhà bỏ ra một ít đất, đổi lại sẽ có con đường sạch sẽ, rộng rãi, đi lại thuận tiện an toàn”, ông Vui chia sẻ. |
Về xã Nghi Trung hỏi ông Vui “khắc tinh với tử thần đường sắt”, ai cũng biết. Bởi suốt 20 năm qua, dù nắng hay mưa ông Vui vẫn lặng lẽ gác tàu, cứu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.
Trong căn nhà hai tầng khang trang nằm sát cung đường sắt Quán Hành thuộc Km 309 + 056, ông Vui cho biết, đã mở quán nước ở đây hơn 30 năm, từng chứng kiến nhiều vụ TNGT đường sắt thương tâm, có người bị tàu cán không còn nguyên thi thể. “Có những năm, trong vòng 1 tháng tôi phải chứng kiến 2-3 người bị tàu hỏa tông tử vong. Nhìn cảnh người thân khóc thương mà xót xa vô cùng”, ông Vui nói.
Ông Vui cho biết, ở điểm đường ngang này có rất nhiều người dân qua lại, trong khi trung bình một ngày có 14 chuyến tàu khách và 21 chuyến tàu hàng chạy qua, nguy cơ xảy ra TNGT khi không có người cảnh giới rất cao. Chính vì vậy, suốt 20 năm qua ông đã tình nguyện đứng gác chắn đường sắt để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu. Ông quan niệm, cứu một người bằng xây 10 tòa bảo tháp. Tuy nhiên, cũng có lần vì cứu người mà ông bị thương phải nằm viện điều trị 4 tháng ròng rã.
Ông kể, tháng 9/1998, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên một trường THPT gần đó, điều khiển xe mô tô chở con gái đi học về. Khi đi qua đường ngang thì bánh xe mắc kẹt không thể chuyển động. Đúng lúc này, tàu hú còi báo hiệu sắp tới. Tình huống cấp bách, ông vội kéo chiếc xe máy lại phía sau rồi đẩy mạnh hai mẹ con về bên kia đường. Vừa kịp nhìn thấy mẹ con cô Hà an toàn, thì tàu lao tới hất tung ông 15m xuống ruộng.
“Lúc tôi tỉnh dậy thấy mình đang nằm ở bệnh viện, người bê bết máu, đầu đau như búa bổ, tay chân không thể cử động được. Sau đó, tôi được người nhà kể lại chuyện mình bị tàu kéo lê và cho biết hiện sức khỏe rất yếu do vỡ hộp sọ, gãy xương vè, gãy xương cột sống 5-6. 4 tháng nằm viện điều trị là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với gia đình tôi”, ông Vui nhớ lại.
Sau lần đó, mọi người trong gia đình ai cũng khuyên ông lo giữ gìn sức khỏe, không nên đi lo ba chuyện bao đồng, “ôm rơm nặng bụng” nhưng với chất lính cụ Hồ, ông không thể đứng nhìn người khác gặp nạn mà không cứu. Thế là chưa bình phục hoàn toàn, ông lại chuẩn bị đồ nghề ra canh đường sắt để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu. Ông Vui bảo, vất vả ông không sợ, sợ nhất là lúc thấy người ta gặp nạn mà mình bất lực đứng nhìn. “Họ cứ hay đùa tôi là khắc tinh với tử thần đường sắt. Thật ra, nếu họ ở trong hoàn cảnh của tôi thì cũng sẽ làm như tôi thôi”, ông Vui cười giản dị
Ngoài cứu sống mẹ con cô Hà, ông còn cứu sống hàng chục người dân trong huyện và ngoài huyện thoát khỏi tử thần như ông Hoàn (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc), anh Toàn (huyện Diễn Châu)... may mắn những lần đó, ông không bị thương.
Cảm phục trước việc làm thiện nguyện, đầy ý nghĩa của ông, năm 2013, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tặng ông Vui bằng khen “Đã có thành tích trong công tác đảm bảo ATGT Đường sắt”.
Tình nguyện hiến đất làm đường nông thôn mới
|
Ông Vui và vợ |
Năm 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Vui (quê Thái Bình) viết đơn gia nhập quân ngũ. Sau những năm tháng chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Quảng Trị, ông bị sức ép của bom đạn nên được chuyển ra Bắc dưỡng thương rồi đi học. Năm 1973, ông chuyển công tác về Nhà máy Xi măng Anh Sơn. Đến năm 1993, ông nghỉ hưu về sống ở quê vợ Nghệ An và mở quán tạp hóa kinh doanh tại nhà. Cũng từ đây, ông bén duyên với nghề gác tàu không lương.
Năm 2017, UBND xã Nghi Trung kêu gọi người dân hiến đất mở rộng đường, ủng hộ chủ trương, gia đình ông tự nguyện phá dỡ các công trình trên đất gồm tường bao, cổng ngõ để hiến 15m2 đất. Tuy nhiên, việc làm của ông bị nhiều người phản đối. Bởi họ cho rằng ông dở hơi, phá ngang nhu cầu “đổi đất lấy tiền” của mọi người.
“Tôi nghĩ mình ở đầu tuyến đường mình không đi trước thì ai làm. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, mỗi nhà bỏ ra một ít đất, đổi lại sẽ có con đường sạch sẽ, rộng rãi, đi lại thuận tiện an toàn”, ông Vui chia sẻ.
“Nhờ hành động đi trước mở đường của ông Vui đã thức tỉnh được mọi người trong xóm. Giờ đây, đường vào làng không chỉ đẹp mà còn thoáng nữa người dân đi lại thuận tiện, bọn trẻ đi học dễ dàng”, bà Nguyễn Thị Quế (trú xóm 10, xã Nghi Trung) nói.
Ông Võ Trọng Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: Sau vụ cứu hai mẹ con thoát khỏi tử thần, sức khỏe của ông Vui yếu hơn. Tuy nhiên, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như chủ tịch hội người mù, cựu chiến binh. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ông luôn là người đi đầu kêu gọi người dân cùng hiến đất làm đường. Tuy hiện nay, đường ngang dân sinh đã có barie, nhưng ông vẫn thường xuyên ra đường nhắc nhở mọi người cùng tham gia giao thông an toàn.