|
Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hàng không trong dịp Tết. |
Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hành khách và người thân đón, tiễn tại cảng hàng không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông hàng không.
Tuân thủ các yêu cầu và hướng dẫn của lực lượng chức năng hàng không trong quá trình khách di chuyển hoặc đón, tiễn người thân tại cảng hàng không.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng HKQT Vân Đồn có trách nhiệm bố trí nguồn nhân lực đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện nhằm duy trì chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại cảng hàng không, phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bổ sung nhân viên an ninh hàng không, phương tiện, trang thiết bị trong khu vực cảng hàng không để thực hiện nhanh nhất việc soi chiếu an ninh, trả hành lý, công tác thông tin để hành khách biết và lấy hành lý đúng khu vực quy định. Tuyệt đối tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách, chú trọng với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng HKQT Nội Bài.
Các đơn vị cũng phải rà soát và bố trí hợp lý khu vực các phương tiện ra vào đón, trả hành khách, khu vực vị trí đỗ xe chờ đón hành khách nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng hành khách tăng dịp cao điểm.
Tăng cường nhân viên hướng dẫn cho các phương tiện ra/vào nhà ga hành khách để đón/trả khách, ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ hoạt động điều phối, tạo thuận lợi trong giao thông, tránh xung đột, ùn tắc giao thông trong khu vực cảng hàng không.
Cục Hàng không VN cũng yêu cầu các cảng bố trí tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát nội bộ về an toàn khai thác và kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ của các hãng taxi, xe công nghệ được quyền khai thác tại các sân bay.
Các đơn vị phải có hình thức xử lý nghiêm với các trường hợp nhân viên của hãng có hiện tượng chèo kéo khách, ép giá khách.
Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu xây dựng kế hoạch tăng chuyến, nhất là trong giai đoạn cao điểm và bố trí các chuyến bay khai thác buổi đêm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên cơ sở phù hợp với hạ tầng hàng không và công tác bảo đảm an ninh, an toàn.
Các hãng bố trí phương tiện và nhân lực (phi công, tiếp viên...) phục vụ các chuyến bay trong dịp cao điểm; Xây dựng kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất việc chậm, huỷ chuyến bay và không để hành khách đi tàu bay về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện vận chuyển.
Với các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không, Cục Hàng không yêu cầu xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể đảm bảo khả năng cungcấp dịch vụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024, đảm bảo bố trí đủ nguồn lực, trang thiết bị để phục vụ các chuyến bay theo kế hoạch khai thác tăng chuyến của các hãng hàng không.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đảm bảo an ninh, an toàn khi phục vụ chuyến bay, hành khách, tham gia giao thông tại khu vực cảng hàng không, sân bay. Đặc biệt, kiểm soát và kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo dây chuyền và quy trình phục vụ hành khách, hàng hóa, cung cấp dịch vụ liên tục tại cảng hàng không.
Các cảng vụ hàng không cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn khai thác, chất lượng dịch vụ của các hoạt động của các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không.
Ngoài ra, các cảng vụ phải tăng cường kiểm tra, giám sát các chuyến bay chậm chuyến, huỷ chuyến, cùng việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không Việt Nam với hành khách trong trường hợp chậm, huỷ chuyến.
Đồng thời, phối hợp tổ chức phân luồng giao thông, giảm ùn tắc tại các tuyến đường xung quanh khu vực cảng hàng không, nhất là tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới tình trạng xe dù, bến cóc, hành vi tăng giá vé trái quy định.