Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin, từ năm 2016 đến nay, VNR đã hoàn thành đóng mới và đưa vào khai thác 150 toa xe khách chất lượng cao với tổng mức đầu tư hơn 1.552 tỷ đồng; 300 toa xe chuyên chở container với tổng mức đầu tư 347 tỷ đồng và nâng cấp 37 toa xe khách với tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng.
Lãnh đạo VNR cho biết, nếu như trước đây, ngành đường sắt phải nhập khẩu 100% phương tiện vận tải thì hiện tại, VNR đã có thể chủ động sản xuất, cung cấp tất cả các loại toa xe đáp ứng nhu cầu vận tải với tỷ lệ nội địa hóa từ 20-40%.
Giai đoạn 2021-2025, theo Nghị định 65/2018NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017, các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ phải thay thế các phương tiện hết niên hạn sử dụng.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2022, VNR và các công ty cổ phần vận tải đường sắt sẽ phải thanh lý khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách. Để thay thế hết số phương tiện này, dự kiến, VNR sẽ phải huy động khoảng 6.822 tỷ đồng.
Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu thực tiễn trong tổ chức khai thác vận tải, Tổng công ty dự kiến nhu cầu đóng mới đầu máy, toa xe giai đoạn này với tổng mức vốn đầu tư khoảng 3.769 tỷ đồng.
Trong đó, việc triển khai “Dự án đầu tư đầu máy giai đoạn 2016-2020” của Công ty mẹ cần 1.109 tỷ đồng; Các dự án đầu tư toa xe của công ty cổ phần vận tải đường sắt là 2.660 tỷ đồng.
Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, số lượng toa xe do công ty quản lý hết niên hạn sử dụng giai đoạn năm 2020-2025 là 1.092 toa xe. Trong đó 986 toa xe hàng và 106 toa xe khách.
Còn theo đề án đầu tư phương tiện thay thế của công ty, từ nay đến năm 2025 bình quân mỗi năm, công ty cần phải có khoảng 240 tỷ đồng để đóng mới toa xe, đảm bảo kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường vận tải.
Từ năm 2017, công ty đã phải sử dụng nguồn khấu hao tài sản cố định và vay các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, việc vay vốn thương mại khiến công ty chịu gánh nặng tài chính lớn.
Đến thời điểm này, số dư nợ của công ty đã vay các ngân hàng thương mại để đầu tư nâng cấp phương tiện vận tải đã tương đương với tổng vốn điều lệ của công ty.
Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin, giai đoạn từ nay đến hết 2023, công ty sẽ phải dừng vận dụng 98 toa xe khách và 347 toa xe hàng. Để đầu tư thay thế các toa xe này, công ty đã đề ra lộ trình đầu tư mới hàng năm trong giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, giai đoạn này dự kiến cần đầu tư 8 toa xe hành lý, 15 đến 30 toa xe khách và 150 đến 300 toa xe hàng. Cùng đó, công ty sẽ nghiên cứu đầu tư cải tạo 30 đến 60 toa xe khách.
Vốn đầu tư khó khăn, trong khi kinh doanh từ đầu năm 2020 liên tục thua lỗ, các công ty đường sắt đều tính đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Được biết, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đang xây dựng các đề án đầu tư toa xe để mời gọi nhà đầu tư theo nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, có hình thức mới là: Công ty thuê phương tiện vận tải là tài sản của nhà đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư cho công ty thuê số lượng, chủng loại toa xe đóng mới theo yêu cầu kinh doanh của công ty trong thời hạn từ 10 năm đến 15 năm. Sau thời hạn thuê, số toa xe đó sẽ thuộc sở hữu của công ty.