Dự án mở rộng đường Âu Cơ đoạn Nghi Tàm - nút giao cầu Nhật Tân là nội dung thi công thuộc dự án xây dựng cầu vượt tại nút An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông, có mức tổng đầu tư là 815,8 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố. Chủ đầu tư thực hiện dự án là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội.
Công trình nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nút giao An Dương - đường Thanh Niên, tạo thuận lợi cho việc kết nối nhanh giữa quận Ba Đình với sân bay Nội Bài thông qua tuyến đường cầu Nhật Tân. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc kết nối khu vực ngoài đê vào nội đô qua cửa khẩu An Dương.
|
Công trình nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nút giao An Dương - đường Thanh Niên. |
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường An Dương và đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông.
Đồng thời, đảm bảo an toàn công tác phòng chống lũ, thiên tai; tránh việc rào chắn đường trong thời gian dài, ảnh hưởng tới ATGT gây bức xúc dân sinh như phản ánh của dư luận.
Trước đó, UBND TP Hà Nội vừa tiếp tục cho phép lùi thời gian hoàn thành cải tạo, mở rộng đường Âu Cơ đoạn Nghi Tàm - nút giao cầu Nhật Tân đến quý IV/2022 thay vì trong quý I/2022 như quyết định trước đó.
Lý do cho phép lùi thời hạn lần này, theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là do "điều chỉnh theo ý kiến của Bộ NN&PTNT được nêu ra tại các văn bản đã gửi UBND TP Hà Nội".
Đại diện Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết: Hạng mục thi công đường Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đến nút giao cầu Nhật Tân được chia làm 4 đoạn.
Tại đoạn 4 đã thi công xong lớp thảm bê tông nhựa hạt trung, đang chờ triển khai thảm lớp bê tông hạt mịn và trồng cây xanh đồng bộ toàn tuyến.
Với đoạn 1, 2: Sau khi được Sở GTVT Hà Nội cấp phép thi công, Ban quản lý dự án đã chỉ đạo đơn vị thi công huy động vật tư, thiết bị, nhân lực triển khai các hạng mục phục vụ phân luồng giao thông, như: tháo dỡ dải phân cách cứng, hàng rào tôn, lắp đặt biển báo theo giấy phép...
Tại đoạn 3 (đoạn phải trao đổi về thiết kế mặt đường một cốt 1 cốt hay 2 cốt giữa UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT), Ban Quản lý dự án cho biết, sau khi UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án, chủ đầu tư đã triển khai các thủ tục phê duyệt dự toán bổ sung, thương thảo, ký phụ lục hợp đồng bổ sung với các đơn vị tư vấn để lập hồ sơ thiết kế bản vẽ điều chỉnh theo phương án đã được Bộ NN&PTNT thống nhất với UBND thành phố là đường 1 (cốt) cao độ. Việc thống nhất này, là cơ sở để chủ đầu tư cùng Tư vấn hoàn thiện xong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hoàn thành dự án.
Hiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh đã được đơn vị lập xong và đang trình Sở Xây dựng thẩm định, cho ý kiến thống nhất. Sau khi có kết quả thẩm định của Sở Xây dựng, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh được phê duyệt, Ban Quản lý dự án sẽ báo cáo đại diện UBND thành phố, Bộ NN&PTNT chấp thuận, từ đó làm cơ sở để Ban Quản lý dự án trình cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép thi công, hoàn thành tuyến đường theo tiến độ thành phố yêu cầu.