Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Bước chạy thần tốc hướng đến tương lai

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Được thai nghén từ năm 2006, nhưng phải đến năm 2024, dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam mới bắt đầu đạt được những bước tiến thần tốc, mạnh mẽ. Đây không chỉ là dự án giao thông quy mô Quốc gia, nó còn là hạt nhân phát triển ngành công nghiệp đường sắt, thúc đẩy đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương trên cả nước.

Hành động quyết liệt

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về kế hoạch triển khai Nghị quyết 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam. Kế hoạch nhằm mục đích tổ chức thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 172/20214/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan tập trung, quyết liệt chuẩn bị để khởi công dự án vào cuối năm 2026. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Trong suốt 18 năm từ khi có ý tưởng, chưa khi nào chúng ta cảm nhận rõ quyết tâm chính trị của các cấp, ngành từ Chính phủ, T.Ư cho đến địa phương đối với dự án ĐSTĐC Bắc - Nam đến như vậy. Đặc biệt là sự quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ”.

Du an duong sat toc do cao Bac - Nam: Buoc chay than toc huong den tuong lai - Hinh anh 1

Ảnh minh họa.

Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) Vũ Hồng Phương cho biết, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là “siêu dự án” chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam với nguồn vốn đầu tư đặc biệt lớn, dự kiến hoàn thành năm 2035.

Chỉ trong khoảng nửa năm, dự án đã đạt được những bước tiến toàn diện, giải quyết khối lượng rất lớn mà 18 năm qua chưa hoàn thành. Dự án sẽ xây dựng tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đầu tư phương tiện, thiết bị để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng Quốc gia lĩnh vực đường sắt do chính Thủ tướng làm Trưởng ban, trực tiếp đôn đốc, giám sát. Các nhiệm vụ liên quan đến dự án, từ chính sách, định hướng cho đến chi tiết kỹ thuật đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lập báo cáo nghiên cứu khả thi làm cơ sở để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, với mục tiêu bảo đảm tiến độ, chất lượng, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Dự án cũng đã được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện.

Hiện khối lượng công việc chuẩn bị đầu tư dự án vẫn còn rất lớn. Về vốn, Thủ tướng chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của T.Ư, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và DN, hợp tác công tư… Về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5/5.

Với 4 nghị định của Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về thiết kế tổng thể kỹ thuật và các cơ chế đặc thù. Đặc biệt, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về tiêu chí lựa chọn DN đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa; Bộ KH&CN chủ trì xây dựng Nghị định về phát triển khoa học công nghệ đường sắt; Bộ NN&MT chủ trì xây dựng Nghị định về tạm sử dụng, hoàn trả rừng, hoàn thành trong tháng 5 tới.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt. Bộ Xây dựng và Bộ GD&ĐT có đề án, kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ở các trình độ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, tiến sĩ.

Động lực phát triển toàn diện

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định, dự án ĐSTĐC Bắc - Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học toàn diện cho cả nước. Đặc biệt những địa phương được hưởng lợi lớn nhất từ dự án là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Để phục vụ dự án, Hà Nội đã nghiên cứu lập quy hoạch tổ hợp Ga Ngọc Hồi, tích hợp ĐSTĐC, đường sắt đô thị, GTVT đường bộ… Đây là hạt nhân để phát triển thương mại, dịch vụ, logistic, đô thị khu vực phía Nam Thủ đô. Tương tự, với TP Hồ Chí Minh, ĐSTĐC cũng sẽ biến khu vực Thủ Thiêm thành một điểm nhấn đột phá kinh tế - xã hội” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Một trong những mục tiêu lớn nhất khi đầu tư xây dựng tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam là phát triển ngành công nghiệp đường sắt, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra hàng trăm nghìn công việc cho người dân. Theo tính toán cần khoảng 227.670 người để đáp ứng cho dự án ĐSTĐC Bắc - Nam từ khi nghiên cứu cho đến quá trình vận hành, khai thác về sau.

Dự án còn thu hút sự quan tâm, mong mỏi được tham gia của nhiều nhà thầu và DN giao thông, xây dựng trong nước. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Xây dựng đã đưa ra cơ chế chính sách để huy động tổng lực sức mạnh nội sinh, làm sao để DN trong nước tham gia được dự án này. “Bộ sẽ ràng buộc một số điều kiện tiên quyết với các Tổng thầu tham gia Dự án như: phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được; đưa ra chính sách trình Quốc hội giao nhiệm vụ cho các DN 100% vốn Nhà nước, hoặc đặt hàng các DN trong nước với các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được” - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Còn với những gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.

Có thể thấy, dự án ĐSTĐC Bắc - Nam mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển toàn diện GTVT, kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ… của cả nước. Và dự án đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến tương lai này cũng đã nhận được sự quan tâm tương xứng của T.Ư cũng như các địa phương. Các chuyên gia cho rằng, với quyết tâm chính trị rất lớn, lan tỏa sâu rộng như vậy, chắc chắn dự án sẽ về đích đúng hẹn và mang lại những hiệu quả vượt trên kỳ vọng.

Minh Tường

Tin liên quan