Báo cáo kế hoạch năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp này dự kiến đẩy mạnh khai thác hàng hoá liên vận quốc tế như vận chuyển hoa quả, thuỷ sản bằng container đông lạnh từ phía Nam sang thẳng Trung Quốc.
Ngoài ra, công ty khẳng định sẽ tìm các biện pháp gỡ nút thắt cơ chế để cải thiện sản lượng hàng hoá liên vận tuyến Hà Nội – Đồng Đăng – Bằng Tường – Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc, thậm chí đi các nước thứ ba và tiến tới đưa hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu...
Kế hoạch này được đặt ra trong bối cảnh sản lượng vận chuyển hàng khách năm nay dự kiến sụt giảm mạnh, cộng thêm việc phong tỏa không gian chạy tàu để triển khai gói đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt có thể ảnh hưởng lớn đến doanh thu.
Tổng công ty dự kiến cắt giảm tàu khu đoạn khi lượng khách đi xuống vì dịch bệnh, nhưng bù lại sẽ tăng trạm dừng cho tàu khách đường dài và thêm tàu hàng tuyến Bắc – Nam.
Tổng công ty Đường sắt dự kiến năm nay lỗ sau thuế 1.394 tỷ đồng, trong đó hơn phân nửa đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Phần còn lại đến từ việc xử lý tồn tại tài chính của những năm trước chuyển sang, trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi...
Ước tính công ty mẹ đóng góp lỗ khoảng 170 tỷ đồng. Hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn lỗ khoảng 620 tỷ đồng với giả định cuối tháng này sẽ công bố hết dịch bệnh.
Tổng công ty Đường sắt cho rằng có 5 yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2016-2019, trong đó có việc cạnh tranh quyết liệt về giá cước, chất lượng dịch vụ với hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc.
Sức cạnh tranh của ngành đường sắt còn yếu so với các lĩnh vực vận tải khác, dẫn đến khó có cơ hội tăng trưởng sản lượng. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, dịch vụ điện nước tăng cũng làm ảnh hưởng lớn đến giá thành vận tải.
Ban lãnh đạo Tổng công ty còn cho rằng việc không có nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng cũng khiến hoạt động chạy tàu bị ảnh hưởng, tác động đến hiệu quả kinh doanh.