Giá vé máy bay đã minh bạch?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, lượng khách nội địa đến, đi tại các sân bay giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới kích cầu du lịch. Giá vé tăng cao trong khi các hãng hàng không công bố lãi khủng khiến cho khách hàng càng thêm bức xúc.

Người dân than trời

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hàng năm, các sân bay thường đông nghịt khách đến, đi. Nhưng năm nay, bất ngờ là tổng lượng hành khách đến, đi ở cả hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều giảm.

Sân bay Nội Bài dịp lễ vừa qua phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440.000 lượt hành khách đi, đến. Sản lượng hành khách tăng nhẹ so với ngày thường tuy nhiên vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước (giảm 18%).

Tại Sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 26/4 - 1/5 khai thác khoảng 4.280 chuyến bay nội địa và quốc tế. Trong đó, ngày 29/4, sân bay chỉ phục vụ 594 chuyến bay với xấp xỉ 90.000 lượt hành khách, thấp hơn cả ngày 25/4 với 657 chuyến bay và khoảng 98.000 lượt hành khách.

Gia ve may bay da minh bach? - Hinh anh 1
Hành khách tại Sân bay Quốc tế Tân Sân Nhất. Ảnh: Việt Dũng

Việc tăng giá vé bay nội địa đã khiến nhiều người tiêu dùng gặp khó. Chị Phạm Đoan Trang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Mức lương của tôi chỉ 13 triệu đồng. Bay đi Đà Nẵng mất khoảng 4 triệu đồng/vé, tương đương 1/3 tháng lương, chưa kể chi phí khác cho kỳ nghỉ nên tôi cân nhắc không đi du lịch xa".

Còn đối với những người muốn đi du lịch cả gia đình 5 người như nhà anh Nguyễn Minh Quân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) thì tính ra, vé máy bay khứ hồi (khoảng 4 triệu đồng/vé đi Đà Nẵng) đã tiêu tốn 20 triệu đồng cho riêng việc di chuyển.

“Tôi đã hứa kết thúc năm học sẽ cho con đi chơi. Nhưng với tình hình này, không biết vé máy bay dịp Hè có hạ nhiệt hay không?” - anh Nguyễn Minh Quân băn khoăn.

Anh Nguyễn Thế Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Giá vé neo cao liên tục từ Tết đến gần Hè khiến tôi phải cân nhắc rất nhiều. Đặc biệt là năm nay, các vé giá rẻ như 0 đồng, 9.000 đồng, 99.000 đồng để kích cầu du lịch rất hiếm”.

Theo Cục Hàng không, tính đến cuối tháng 3/2024, Việt Nam chỉ còn 213 chiếc tàu bay, giảm 18 chiếc so với năm 2023. Trong đó, lượng máy bay khai thác thực tế khoảng 165 - 170 chiếc, giảm 40 - 50 chiếc so với bình quân năm ngoái do đợt triệu hồi sửa động cơ Pratt & Whitney đã ảnh hưởng đến hơn 40 máy bay của một số hãng.

Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng đang thu hẹp quy mô, giảm mạnh đội bay, thậm chí không còn máy bay nào.

Trao đổi với báo chí về việc giá vé máy bay nội địa tăng cao, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung cho biết, giá vé máy bay không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình hình thiếu hụt tàu bay mà còn bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào như giá nhiên liệu bay, giá thuê máy bay, giá dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đều tăng.

Bên cạnh đó, việc tăng trần giá vé từ ngày 1/3/2024 với mức 50.000 – 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ và các hãng hàng không cần tăng trưởng để bù đắp nguồn thu giai đoạn sau đại dịch Covid - 19 cũng là nguyên nhân khiến giá vé máy bay neo cao liên tục.

Đã tính đúng, tính đủ chi phí?

Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, tình hình thiếu hụt tàu bay chưa được cải thiện, các hãng hàng không Việt Nam lại liên tục báo lãi khủng. Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024, trong đó, doanh thu hợp nhất đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ.

Đây là mức lãi lớn nhất của hãng trong một quý, cũng đồng thời chấm dứt 16 quý liên tiếp thua lỗ kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến (31.700 tỷ đồng trong quý I/2024 so với 25.500 tỷ đồng trong quý I/2019).

Lý giải về các nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng, theo Vietnam Airlines là nhờ vào mảng khai thác bay quốc tế cùng với yếu tố mùa vụ cao điểm. Doanh thu mảng vận tải hàng không quốc tế của Vietnam Airlines đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so cùng kỳ năm 2023; đóng góp 65% vào doanh thu vận tải hàng không, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Bên cạnh đó, các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng. Việc Pacific Airlines trả lại toàn bộ tàu bay đang thuê cũng giúp Vietnam Airline xử lý được khoản nợ lên tới 220 triệu USD (tương đương 5.600 tỷ đồng).

Cũng trong quý I/2024, Vietjet Air dù không ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục song theo báo cáo tài chính, doanh thu vận chuyển đạt 17,765 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023 giúp VietJet Air quay về thời kỳ lợi nhuận trước đại dịch Covid-19.

Trước đó, Vietravel Airlines cũng báo lãi trong quý I/2024 hơn 10 tỷ đồng. Doanh đạt trên 491 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2023. Việc áp trần giá vé nội địa, du lịch dần hồi phục, các hãng mở các đường bay mới và tái cơ cấu để tăng trưởng bù đắp nguồn thu giai đoạn sau đại dịch Covid-19 đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho ngành hàng không.

Dự báo về giá vé máy bay thời gian tới, theo thạc sĩ kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, nếu vé máy bay không hạ nhiệt, giá vé nội địa xấp xỉ giá vé chặng bay quốc tế sẽ tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng, kéo theo đó là sự sụt giảm của du lịch nội địa.

Để kích cầu du lịch, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc đã tung ra nhiều khuyến mại hấp dẫn như giảm giá vé kết hợp mua sắm, nới thời gian lưu trú. Thái Lan, Singapore và Malaysia, thậm chí còn cho phép các hãng hàng không thực hiện cạnh tranh tự do. Dịp lễ té nước Songkran giá vé máy bay Thái Lan chỉ 3 - 5 triệu đồng/vé, rẻ hơn so với thông thường (khoảng 6 - 8 triệu đồng/vé).

Điều này trái ngược với Việt Nam, giá vé luôn cao mỗi dịp Lễ, Tết. “Trong khi Việt Nam đang nỗ lực thu hút khách quốc tế thì giá vé máy bay nội địa lại dần đẩy khách ra nước ngoài du lịch, đây là điều cần phải xem lại” - thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương bày tỏ.

Theo thống kê, các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Liên quan đến vấn đề thuế phí trong giá vé máy bay, đại diện Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành mà ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ GTVT. Đây cũng không phải khoản phí thuộc ngân sách Nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, các chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) với mức phí 165.000 đồng/lượt dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, và 335.000 đồng/lượt dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) cho rằng không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu.

“Câu chuyện đặt ra là cần giải được bài toán này, xác định được đầu vào, đầu ra, các chi phí. Hiện nay chi phí của Vietnam Airlines đang cao quá. Chúng ta đã tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch hay chưa?” - đại biểu Trịnh Xuân An đặt vấn đề.

Trong văn bản gửi Cục Hàng không mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp nhu cầu đi lại của người dân, nhất là dịp cao điểm như nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.

Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Huyền Sâm

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h