Các sự cố tàu hỏa trật bánh liên tiếp trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân và phía cơ quan chức năng đã có các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những vụ việc này.
Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, trong sáu tháng của năm nay, trên các tuyến đường sắt quốc gia đã xảy ra 11 vụ trật bánh tàu hỏa, trong đó 7 vụ do nguyên nhân chủ quan; 4 vụ do nguyên nhân khách quan.
Thừa nhận các vụ trật bánh trong thời gian qua đã gây thiệt hại về người, tài sản, ách tắc giao thông đường sắt, làm giảm uy tín của ngành giao thông đối với dư luận xã hội, lãnh đạo Cục Đường sắt cũng chỉ ra những nguyên nhân chính là do chất lượng phương tiện và kết cấu hạ tầng đường sắt.
Cụ thể, về nguyên nhân chất lượng phương tiện là do van (tác dụng điều tiết cho đệm không khí của toa xe) bị hư hỏng hoặc hoạt động không ổn định gây trật bánh toa xe. Toa xe có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên khi vận hành qua đường cong dẫn đến bánh xe bị thoát tải leo lên mặt ray gây trật bánh.
Ngoài ra, tàu trật bánh còn do gẫy ray; chất lượng đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (cự ly, thủy bình biến đổi, phương hướng đường cong) thay đổi quá quy định.
Một nguyên nhân khác khiến xảy ra các vụ trật bánh là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường sắt không chú ý tín hiệu, quan sát hai phía gây tai nạn giao thông đường sắt và làm trật bánh tàu hỏa.
Bổ sung thêm, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sự cố trật bánh còn do yếu tố tình huống, trong một đoàn tàu có nhiều toa xe có cấu tạo hoàn toàn như nhau, có chung các điều kiện vận hành như gió, tốc độ chạy, bán kính cong, ... song sự cố trật bánh không xảy ra ở tất cả các trục bánh của toa xe mà chỉ ra ở một số trục bánh hoặc thậm chí chỉ một trục bánh xe nào đó trong đoàn tàu.
“Từ các lý do trên cho thấy, vấn đề phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân gây sự cố trật bánh đoàn tàu là rất khó khăn và phức tạp,” lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay.
Đưa ra những giải pháp trước mắt nhằm hạn chế bớt sự cố trật bánh toa xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động rà soát quy định thời gian sử dụng của phương tiện, đánh giá trạng thái kỹ thuật và tăng cường công tác kiểm định, đặc biệt là những phương tiện có thời gian sử dụng trên 30 năm.
Cục Đăng kiểm cũng phối hợp với Cục Đường sắt rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình sửa chữa đầu máy, toa xe các cấp và các quy trình khám chữa đầu máy, toa xe của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các Công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Đối với phương tiện, VNR và các đơn vị quản lý phương tiện khẩn trương rà soát tình trạng kỹ thuật phương tiện, sửa đổi các quy trình sửa chữa cho phù hợp với nhu cầu khai thác thực tế và tuổi thọ của phương tiện; bổ sung các quy định về độ hao mòn của các chi tiết, bộ phận thuộc giá chuyển hướng... trong quá trình khai thác trên đường sắt.
Cục Đăng kiểm cũng đề nghị tăng tần xuất kiểm tra chất lượng đường sắt về lý trình (vị trí đo), độ siêu cao của đường, độ mấp mô của bề mặt hai ray, độ thẳng của đường, cự ly ray, độ dốc của đường, độ vặn xoắn của đường, biến dạng ray…/.