|
Tác giả Lê Trung Hiếu nhận giải đặc biệt cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình”. Ảnh: laodongthudo |
Sáng nay, 7/10, tại Cung Văn hóa Lao động - Hữu nghị Việt Xô, Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội và báo Lao động Thủ đô tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình” và Triển lãm ảnh “Duyên dáng áo dài nữ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội”.
Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2020).
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh cho biết, cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình” được tổ chức nhằm tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức lao động Thủ đô phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, hiến kế đề xuất giải pháp sáng kiến, sáng tạo xây dựng Thủ đô ở 3 lĩnh vực: Cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng thành phố sáng tạo và nét đẹp văn hóa của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Sau 1 năm phát động, Cuộc thi thu hút hơn 200 tác giả viết bài dự thi. Trong đó có 34 bài thuộc lĩnh vực cải cách hành chính, 58 bài thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và 110 bài thuộc lĩnh vực xây dựng Thủ đô.
Ban tổ chức đã chọn ra 65 tác phẩm tiêu biểu, quyết định trao 01 giải đặc biệt, 03 giải nhất, 03 giải nhì, 03 giải ba, 06 giải khuyến khích, 01 giải tập thể; trao giấy khen cho 05 công đoàn cơ sở có thành tích triển khai tốt cuộc thi.
Kết quả, tác giả Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xuất sắc giành giải đặc biệt của cuộc thi với tác phẩm “Để Hà Nội có một giao lộ leng keng”.
Chia sẻ tại lễ trao giải, anh Lê Trung Hiếu cho biết, xuất phát từ ký ức đẹp tuổi thơ với hình ảnh tàu điện trên phố của Hà Nội gắn liền với bao thế hệ. Đáng tiếc là những ký ức, nét đẹp hoài cổ của tàu điện leng keng đang dần phai nhạt.
Ở nhiều nước phát triển như: Liên bang Nga, Nhật Bản, Liên bang Đức… nhà ga tàu điện ngầm vừa phục vụ vận tải, vừa là những công trình kiến trúc đẹp, vừa là nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi cần thiết.
Ngày càng ít người biết đến tàu điện Bờ Hồ và tiếng leng keng gần gũi của nó. Nếu không muốn ký ức đẹp đó một ngày nào sẽ hoàn toàn tan biến, hồn cốt Hà Nội thực sự mất đi một nét cổ kính, lãng mạn, Thành phố cần phải có một nơi lưu giữ.
"Do đã có thời gian học tập ở Nhật Bản tôi nhận thấy rằng các nhà ga tàu điện ngầm vừa phục vụ vận tải, vừa là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Tôi đã trăn trở nghiên cứu và thấy rằng Hà Nội có thể tạo một “Giao lộ leng keng”, tạo nên một bức tranh toàn cảnh đường sắt đô thị của Thủ đô. Giao lộ này có thể trở thành điểm nhấn văn hoá vô cùng đặc sắc của Hà Nội, góp phần xây dựng hình ảnh Thành phố vì hoà bình, văn minh và lịch lãm - đó cũng chính là mục đích và ý nghĩa của ý tưởng sáng tạo'', anh Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Theo anh Hiếu, hiện nay, các nhà ga ĐSĐT đều được thiết kế với 2 hoặc 3 tầng cơ bản. Cụ thể, tầng 1 - tầng trung chuyển (nơi đón tiếp hành khách, bán vé, soát vé); tầng 2 - tầng kỹ thuật; tầng 3 - tầng ke ga. Kích thước ga ngầm là 150m x 21,4m. Các tầng trung chuyển thường có diện tích khoảng trên 3.200m2, chức năng sử dụng là đón tiếp hành khách từ các khu vực xung quanh xuống ga để tham gia ĐSĐT, nơi bán vé, soát vé lên tầu, có thể kết hợp với các mục đích kinh doanh và dịch vụ khi đơn vị sử dụng có phương án sử dụng mặt bằng hợp lý. Có thể tận dụng một phần diện tích của tầng trung chuyển tại một nhà ga thích hợp để tạo nên không gian văn hóa tàu điện.
Trong bài viết, tác giả đề xuất "Thiết nghĩ, không một nhà ga nào phù hợp để lưu giữ ký ức, quảng bá nét đẹp của tàu điện leng keng đến người dân và du khách hơn Ga Bờ Hồ của tuyến ĐSĐT số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Bởi nhà ga này nằm ở vị trí đắc địa nhất, nơi mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng muốn tới khi đến Hà Nội. Hơn nữa, Bờ Hồ vốn tự nó đã là nơi giao thoa giữa lịch sử - hiện tại và tương lai của Hà Nội, nơi được coi là trái tim của Thủ đô".
Nếu “Giao lộ leng keng” bước từ ý tưởng ra thực tế, chắc chắn Hà Nội sẽ có thêm một điểm nhấn văn hóa, du lịch nữa, góp phần xây dựng hình ảnh Thành phố vì hòa bình. Và một lần nữa người dân Hà Nội lại có cơ hội được nghe tiếng tàu điện leng keng tại Bờ Hồ, được sống lại phần nào cảm xúc về một Hà Nội cổ kính, trầm lắng và lãng mạn, để nhớ và tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến.