Hà Nội: Giảm 32 điểm ùn tắc giao thông

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ năm 2012 đến nay, số điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm trên địa bàn TP Hà Nội giảm từ 67 điểm năm 2013 xuống còn 35 điểm. Tai nạn giao thông hàng năm giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Sở GTVT TP Hà Nội vừa có Văn bản số 735/BC-SGTVT tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”.

Theo Sở GTVT, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học lớn của cả nước; giáp ranh với nhiều các tỉnh thành. Hà Nội còn có cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa rất đa dạng và phong phú.

Sở GTVT TP nhận định, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn từ năm 2012-2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được kiềm chế, số điểm ùn tắc trong giờ cao điểm giảm từ 67 điểm năm 2013 xuống còn 35 điểm năm 2022; tai nạn giao thông hàng năm giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Bình quân mỗi năm giảm 176 vụ tai nạn giao thông (12,25%), giảm 32 người chết (5,59%), giảm 175 người bị thương (17,07%).

Ha Noi: Giam 32 diem un tac giao thong - Hinh anh 1
  Tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn từ năm 2012-2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cũng theo Sở GTVT TP Hà Nội, giai đoạn 2012-2022 nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng góp phần giảm áp lực giao thông và giảm ùn tắc giao thông; công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe luôn được coi trọng; công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường; công tác quản lý vận tải và phát triển vận tải hành khách công cộng được đẩy mạnh; đã tổ chức sắp xếp, điều chuyển toàn bộ các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn Thành phố theo đúng định hướng quy hoạch chi tiết, nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 3 và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về TT ATGT được chú trọng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TT ATGT của các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

Ngoài ra, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong các dịp lễ, tết; tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phục vụ tốt các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng diễn ra trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều trên một số tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Quốc lộ 21A, Đại lộ Thăng Long, đường Hồ Chí Minh... Địa bàn khu vực các quận nội thành tập trung lưu lượng phương tiện giao thông cao; trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm hiện đang xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông như: Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Kim Mã... còn xảy ra tình trạng phương tiện tham gia giao thông vào những khung giờ cao điểm di chuyển khó khăn; tình trạng ùn tắc giao thông còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, các dịp nghỉ lễ, tết,... nhất là trên một số tuyến đường cửa ngõ ra vào nội đô, trục xuyên tâm, tuyến đường vành đai các trạm phí BOT trên các tuyến cao tốc đi qua địa bàn Thành phố

Tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông còn diễn ra với các hành vi như: xe quá khổ, quá tải; vi phạm nồng độ cồn; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Nguyên nhân được Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra là, ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân và doanh nghiệp vận tải chưa cao. Sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng và theo kịp với tốc độ đô thị hóa, đặc biệt một số tuyến đường hướng tâm dẫn vào trung tâm Thành phố: Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, Nguyễn Thanh Bình - Tố Hữu - Lê Văn Lương, Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi...

Trong thời gian tới, Sở GTVT TP Hà Nội sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 12/12/2012 của Thành ủy Hà Nội và các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội về công tác bảo đảm TT ATGT… nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn.

 

Tin liên quan