Hà Nội lập dự toán xây dựng đề án thu phí phương tiện vào nội đô

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Tài chính về việc lập dự toán xây dựng Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" (gọi tắt là Đề án).

Ha Noi lap du toan xay dung de an thu phi phuong tien vao noi do - Hinh anh 1
Đường vành đai 3 là ranh giới quan trọng trong Đề án

Theo đó, Sở Giao thông vận tải tái khẳng định Đề án là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường Thủ đô trong thời gian tới. Đối tượng thu là ô tô. Phạm vi thu phí theo vành đai, các phương tiện ngoài vành đai đi vào khu vực bên trong vành đai sẽ bị thu phí. Việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án.

Những lý do chính được viện dẫn gồm: 

Hà Nội, với quy mô dân số khoảng gần 10 triệu dân (tính cả dân ngoại tỉnh), là một trong số các đô thị lớn và phát triển nhất nước. Mật độ dân số tập trung cao nhất trong khu vực vành đai 3. Sự gia tăng về số lượng phương tiện cơ giới cá nhân gây ra những áp lực đáng kể đối với hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Trong những năm gần đây, ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp, không chỉ thay đổi về mặt không gian với số lượng các điểm ùn tắc gia tăng mà thời gian xảy ra ùn tắc cũng kéo dài. Đặc biệt khu vực vành đai 3 thành phố chiếm tới trên 80% số điểm ùn tắc so với tổng số điểm ùn tắc.

Thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, một số nhiệm vụ sử dụng biện pháp kinh tế như: Ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội"; ứng dụng công nghệ dịch vụ trông giữ ô tô Iparking trong việc trông giữ xe ô tô trên một số các tuyến đường,... đã tác động đáng kể đến hoạt động của phương tiện giao thông trong khu vực nội đô. Qua đó thấy rằng việc sử dụng các biện pháp kinh tế đã tác động đáng kể đến nhu cầu đi lại của người tham gia giao thông.

Với kết quả phân tích trên, Sở Giao thông vận tải khẳng định chủ trương hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân đi vào các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội là phù hợp với chủ trương chỉ đạo, và hết sức cần thiết nhằm giảm mật độ của phương tiện ô tô hoạt động trong thành phố.

Ngoài ra, thu phí giao thông để hạn chế sự di chuyến của phương tiện cơ giới cá nhân vào các khu vực tập trung mật độ giao thông cao cũng đã được nhiều nước áp dụng và đã thành công, cụ thể như Singapore, London, Stockholm, Seoul, Dubai... 

Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải đánh giá, hầu hết các kinh nghiệm để quản lý phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông khi ảp dụng trên các tỉnh thành Việt Nam nói chung và trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng phải được nghiên cứu trên cơ sở xem xét đặc điểm và tình trạng của hệ thống giao thông vận tải cũng như đặc tính, thói quen đi lại của người dân thành phố để có thể vận dụng thành công.

Theo Sở Giao thông vận tải, dự toán được huy động từ vốn ngân sách, thời gian thực hiện Đề án trong vòng 90 ngày.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan