Hà Nội “thúc” doanh nghiệp báo cáo việc kiểm tra sức khỏe tài xế

 
Chia sẻ

Tính đến ngày 23/6, chỉ có 448 báo cáo về việc kiểm tra sức khỏe tài xế gửi về Sở GTVT Hà Nội, trong khi thành phố có gần 8.000 doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Theo Sở GTVT Hà Nội, việc kiểm tra sức khỏe tài xế thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tuy nhiên các báo cáo doanh nghiệp gửi đều khẳng định, các tài xế đảm bảo sức khỏe để làm việc, dù trên thực tế, có doanh nghiệp thực hiện đối phó, giấy khám sức khỏe được cấp dễ dãi.

Ha Noi “thuc” doanh nghiep bao cao viec kiem tra suc khoe tai xe  - Hinh anh 1
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn với lái xe trên đường. Ảnh: CAND


Trước tình hình đó, đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố tổ chức tổng kiểm tra khám sức khỏe định kỳ cho lái xe thuộc đơn vị quản lý tại các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế; phối hợp với cơ sở y tế giám sát chặt chẽ quá trình xét nghiệm 4 loại chất gây nghiện, gồm: Morphin/Heroin, Amphetamine, Methamphentamine và cần sa.

Tính đến ngày 21/5/2019, Sở GTVT Hà Nội chỉ nhận được báo cáo kết quả kiểm tra sức khỏe lái xe của 223 doanh nghiệp (chiếm 3%). Còn lại gần 7.800 doanh nghiệp (97%) vẫn án binh bất động.

Ông Nguyễn Tuyển – Phó trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết nguyên nhân: Một số đơn vị nộp chậm hoặc chưa nộp báo cáo do chưa nhận được văn bản thông báo, hoặc do tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển đi các tỉnh khác nên chưa bố trí được lịch đi khám sức khỏe cho lái xe. Bên cạnh đó, một số HTX còn thiếu sự liên kết chặt chẽ với các xã viên nên việc thông báo lịch khám sức khỏe cho lái xe gặp khó khăn.

“Theo quy định, các đơn vị thực hiện kiểm tra sức khỏe tài xế nhưng không có chế độ báo cáo. Năm nay, chúng tôi rà soát và yêu cầu báo cáo thì có thể có những đơn vị chưa nhận được thông báo. Thời gian qua, chúng tôi có biện pháp tạm thời không cấp lại giấy phép kinh doanh, cấp đổi, cấp mới phù hiệu cho đến khi họ báo cáo việc khám sức khỏe tài xế theo chỉ đạo của Sở”.

Một tháng sau khi có biện pháp tuyên truyền và tạm dừng cấp phép kinh doanh với các đơn vị chưa thực hiện nghiêm, số báo cáo gửi về Sở GTVT Hà Nội đã tăng gấp đôi, lên 448. Đáng chú ý, theo thống kê của Phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội, phần lớn trong số này là các doanh nghiệp, HTX có quy mô kinh doanh lớn và số lượng lái xe đông. Ví dụ: HTX Vận tải Nam Anh có 4791 lái xe, HTX Vận tải cơ giới hợp nhất có 1060 lái xe, Công ty CP Dịch vụ taxi ABC có 807 lái xe, Công ty TNHH Bảo Yến có 937 lái xe... Do vậy, số lượng lái xe đã được khám sức khỏe hiện tại chiếm 71% tổng số lái xe trên địa bàn Thành phố (khoảng 88.460 lái xe).


Ông Nguyễn Tuyển nói: “Chúng tôi thường xuyên đề nghị các đơn vị cập nhật các văn bản pháp quy. Khi đó, họ biết các chính sách của nhà nước thì sẽ chấp hành, đặc biệt là điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Đồng thời, chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Sở chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những đơn vị vi phạm. Nếu xử lý nghiêm, các đơn vị khác sẽ nhìn vào và chấp hành nghiêm các quy định”.

Ha Noi “thuc” doanh nghiep bao cao viec kiem tra suc khoe tai xe  - Hinh anh 2
Đầu tháng 2, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phát hiện 65 tài xế phản ứng dương tính với ma túy khi tổ chức kiểm tra đột xuất dọc quốc lộ 1A. Ảnh: Zing


Trước đó, theo báo cáo của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng thanh tra đã phối hợp liên ngành kiểm tra hơn 600 tài xế về sử dụng chất ma túy, phát hiện 10 trường hợp dương tính với chất ma túy và chuyển giao hồ sơ cho cơ quan công an xử lý, yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với lái xe vi phạm.

Ông Lê Xuân Tiến – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Trong thời gian tới, lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở GTVT, Phòng CSGT, Sở Y tế và Cục Đăng kiểm tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra điều kiện của phương tiện, lái xe kinh doanh vận tải, kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy với lái xe khách, xe tải. Chúng tôi tập trung tại các bến xe khách liên tỉnh, tuyến đường QL, tỉnh lộ trọng điểm có lưu lượng xe lớn”.

Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, một số ý kiến cho rằng, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kiểm tra chất kích thích, ma túy định kỳ đối với lái xe, cần gắn thêm trách nhiệm sát sao hơn nữa của các bến xe. Ông Đỗ Xuân Thắng – Phó Giám đốc HTX vận tải Chùa Hang (Thái Nguyên) chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là người lái xe, về tiểu xảo của lái xe, nên tôi nắm được trực tiếp vấn đề đấy. Nhiều khi doanh nghiệp kiểm tra trước khi đi, nhưng trên đường ra bến, họ sử dụng thì sao? Vì vậy, bến xe nên kiểm tra trước khi xuất bến, để vừa đảm bảo cho hành khách, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động tốt”.

Hà Nội và các địa phương các trong cả nước đang tăng cường việc kiểm tra sức khỏe tài xế xe khách, xe tải.
Trong bối cảnh nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia, ma túy, đây là giải pháp kịp thời và hữu hiệu nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và người tham gia giao thông.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h