Kỳ công nâng cấp vận tải hành khách công cộng kết hợp năng lượng sạch

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chỉ trong thời gian ngắn, các sự kiện đưa vào vận hành, mở mới nhiều tuyến vận tải hành khách công cộng liên tục diễn ra, cho thấy Hà Nội đặt mục tiêu phát triển rất cao đối với loại hình này. Đáng chú ý, các phương tiện vừa được đưa vào vận hành đều gắn chặt với việc sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.

Giải quyết vấn đề đô thị

Từ năm 2001, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hệ thống xe buýt, sớm nhất trong số các TP lớn trên cả nước. Cho đến nay, mạng lưới mạng lưới vận tải công cộng đã tiếp cận đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô với trên 2.000 xe buýt. Bên cạnh tuyến buýt thông thường, còn có dịch vụ xe buýt nhanh (BRT) hoạt động trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa. Cùng với đó là đưa vào vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông với năng lực vận chuyển hàng chục nghìn lượt hành khách mỗi ngày.

Bằng nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ trong những năm qua, UBND TP Hà Nội đang nhắm tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, thay thế dần phương tiện cá nhân đã xác định rõ tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 về việc thông quan Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Ky cong nang cap van tai hanh khach cong cong ket hop nang luong sach - Hinh anh 1
 Phương tiện công cộng sẽ giúp giải bài toán bất cập vấn đề giao thông đô thị.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Thủ đô đang trải qua quá trình phát triển kinh tế, song hành với đô thị hóa nhanh và mạnh. Tuy nhiên, cũng đồng thời phải đối mặt với các vấn đề mà các đô thị đều gặp phải nổi lên là UTGT, TNGT, để giải quyết vấn đề này, việc phát triển giao thông công cộng luôn là một trong những giải pháp được đặc biệt chú trọng với hiệu quả đã được chứng minh tại nhiều nơi trên thế giới, làm nền tảng cho sự phát triển đô thị bền vững.

Đến nay, xe buýt là loại hình vận tải hành khách trở nên phổ biến ở Hà Nội với 140 tuyến và 2.086 phương tiện, mạng lưới bao phủ tương đối rộng lớn ở cả nội thành, ngoại thành. Mục tiêu từ nay đến 2025, năng lực vận tải hành khách công cộng Thủ đô sẽ đạt mức tăng trưởng từ 30 – 35%.

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết, vai trò của giao thông công cộng đối với phát triển đô thị là cực kỳ quan trọng nên các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt là lựa chọn tất yếu và bắt buộc. Trong thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chủ trương đúng đắn nhưng không phải là không có bất cập. Do đó, đối với mỗi đề xuất, định hướng, TP cần xem xét cách xây dựng, cân nhắc từng bước triển khai để đạt được mục đích, hiệu quả tốt nhất, tránh lặp lại bất cập như đã diễn ra tại một số dự án.

Diện mạo tương lai

Năm 2021 đánh dấu nhiều bước ngoặt trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng, song song với giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi Thủ đô liên tiếp đón nhận các sự kiện đưa vào vận hành phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Trong đó, vào tháng 11, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành tạo ra sự quan tâm đặc biệt với người dân Thủ đô. Chưa đầy 1 tháng sau, tuyến xe buýt động cơ điện đầu tiên trên cả nước cũng được đưa vào thí điểm, qua đó đẩy cao số lượng phương tiện công cộng sạch, thân thiện với môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, trong kế hoạch phát triển vận tải công cộng đến năm 2030, TP đặt chỉ tiêu tỉ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch lên từ 5 – 20%. Riêng trong năm 2021, số xe sử dụng khí nén tự nhiên (CNG) và xe điện đã tăng lên thành 70 phương tiện, đáp ứng khoảng 6%. Đến năm 2022, sẽ có thêm 9 tuyến xe buýt điện; 12 tuyến CNG được đưa vào vận hành nâng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch trên 16 – 17%, đây là con số tương đối tích cực với chỉ tiêu đặt ra.

Ky cong nang cap van tai hanh khach cong cong ket hop nang luong sach - Hinh anh 2
Hà Nội đang tiếp tục nhân rộng mô hình vận tải công cộng, kết hợp năng lượng sạch. 

Cũng trong năm 2022, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội cũng được dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao, bổ sung vào hệ thống mạng lưới giao thông công cộng đang dần khép kín của Thủ đô. Theo quy hoạch trong những năm tiếp tới, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội khu vực đô thị trung tâm sẽ bao gồm 9 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 318 km tạo ra diện mạo đô thị hiện đại của Hà Nội.

Đánh giá về tỉ lệ phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch CNG, động cơ điện trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, sự xuất hiện của các loại phương tiện nêu trên đã và đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Để tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực vận tải của loại phương tiện này, Phó Chủ tịch TP yêu cầu Sở GTVT phối hợp cùng các sở, ngành sớm đưa ra hành lang pháp lý thuận tiện, hỗ trợ đẩy nhanh việc phát triển phương tiện sạch vào hệ thống giao thông công cộng. Đồng thời, Sở GTVT cần tổng hợp, rút kinh nghiệm để tham mưu cho UBND TP nhân rộng loại hình phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Tin liên quan