|
Hà Nội đã có gần 7 triệu xe máy và xe điện hai bánh. |
Tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), ô nhiễm môi trường do quá tải phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy tại Hà Nội đang ngày càng diễn biến phức tạp. Tháng 4/2017, HĐND TP đã thông qua nghị quyết “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết là hạn chế, tiến tới cấm xe máy tại khu vực đô thị trung tâm.
Để triển khai Nghị quyết nêu trên, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an TP và các đơn vị liên quan lập hai Đề án quan trọng. Thứ nhất là Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Thứ hai là Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Từ năm 2017 đến nay, một phần do sức ép từ phía dư luận Nhân dân quá lớn, một phần do cách triển khai của cơ quan chức năng chuyên môn chưa hiệu quả, quyết liệt nên cả hai Đề án vẫn chưa đưa ra được những thông tin cụ thể mà người dân quan tâm.
Những thông tin như: Cấm xe máy trên tuyến đường phố nào? Cấm theo giờ, hay cả ngày? Người dân trong khu vực cấm sử dụng xe máy thế nào?... vẫn chưa rõ nét. Mặt khác, năng lực vận tải công cộng nhằm thay thế xe máy tại khu vực bị cấm vẫn chưa đủ để làm hài lòng người dân Thủ đô.
Ngày 13/6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3195/QĐ - UBND phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội” với 33 mục tiêu trọng tâm và phân công cụ thể nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương.
Trong đó UBND TP tiếp tục giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì nghiên cứu, lập Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; và Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Cả hai Đề án sẽ được nghiên cứu xây dựng trong giai đoạn 2023 – 2025, tỏ rõ quyết tâm của TP trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy để góp phần giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường.