Không gian ngầm phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn TP Cần Thơ) cho hay, ông nhất trí với quy hoạch hiện nay đã quy định trong Điều 17 về quy hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô cũng như Điều 18 về biện pháp bảo đảm quy hoạch. Những quy định này đã kế thừa một số nội dung của Luật Thủ đô 2012 và đã có sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vấn đề bất cập.
Trong đó, quy định về việc tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống được phân cấp cho Hà Nội chủ động thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung của Thủ đô, việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian quy trình thực hiện.
Quy định như trong Dự thảo Luật đã bảo đảm được tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết được nhu cầu của người dân về không gian văn hóa cộng đồng, về không gian cảnh quan xanh - sạch - đẹp với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm và phát triển hài hòa ở đô thị hai bên sông, phù hợp với định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về quản lý, sử dụng không gian ngầm, theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, nội dung này quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật đã tiếp thu các nội dung góp ý của rất nhiều đại biểu.
Hiện nay, không gian ngầm của đô thị cần phải được quản lý và sử dụng có hiệu quả, đây chính là một nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đồ án quy hoạch chung về không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai các quy định mới.
“Để Hà Nội có thể thực hiện nhanh nội dung này, đề nghị các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đối với Luật Đất đai 2024 trong giai đoạn hiện nay cần tích hợp các quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với các công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng” - đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng nhất trí với nội dung Điều 20 về cải tạo và chỉnh trang đô thị của dự thảo Luật. Theo đại biểu, đây là quy định mới về công tác chỉnh trang đô thị, khác với các quy định hiện hành về nhà ở, xây dựng nhằm tháo gỡ các vướng mắc chỉnh trang đô thị của Hà Nội.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung ở khoản 9, khoản 10 Điều 20 về việc giao cho HĐND TP và UBND TP Hà Nội quy định chi tiết về điều kiện cụ thể, về thủ tục, trình tự đối với nội dung tại khoản 4 của điều này trong trường hợp các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu đô thị có quyền tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Hiến kế giúp Hà Nội phát triển đường sắt đô thị
Về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đại biểu Đào Chí Nghĩa nhất trí cao với nội dung Điều 31 Dự thảo Luật Thủ đô, đây là vấn đề mới và sẽ tạo ra đột phá để phát huy nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị.
Để có được nguồn vốn đầu tư cho đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật sẽ kết nối với hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng, cần thu thêm một số khoản, như tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm đối với các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD, tăng tiền thu về việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD và phí cải thiện hạ tầng. Những nội dung này đã được các quốc gia khác trên thế giới áp dụng.
Hiện nay tại Điều 3 và Điều 79 Luật Đất đai năm 2024 đã quy định về vùng phụ cận và dự án vùng phụ cận. Đây cũng chính là khu vực TOD được quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô lần này.
Do Luật Đất đai năm 2024 không quy định rõ cơ chế tài chính, lợi ích của Nhà nước khi xác lập và thu hồi đất trong vùng phụ cận, nên Dự thảo Luật Thủ đô lần này sẽ quy định rõ hơn lợi ích của Nhà nước khi đầu tư các dự án giao thông, đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và người dân trong vùng phụ cận và những nội dung này cũng không mâu thuẫn với các quy định của các pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, cần quy định rõ hơn trong Dự thảo Luật đối với khoản thu này để tránh chồng thuế, phí đối với các khoản phải thu mà người dân, doanh nghiệp trong khu vực TOD có nghĩa vụ phải đóng, áp dụng cho người dân, doanh nghiệp theo các quy định pháp luật khác. Cùng đó, cần quy định rõ các khoản thu bổ sung không trùng lặp và thu 2 lần.
“Ví dụ, doanh nghiệp đã nộp tiền đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng thì người mua, thuê nhà của dự án đó sẽ không phải trả các khoản tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất ở khu vực TOD hay phí cải thiện hạ tầng. Ngoài ra, HĐND TP Hà Nội sẽ quy định chi tiết các đối tượng phải nộp các khoản phí, các khoản thu trên” - đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu quan điểm.
Hồng Thái