Anh Lê Bá Nhất trao đổi với phóng viên
Tại thị trấn Yên Cát hiện nay, anh Lê Bá Nhất đã trở nên “nổi tiếng” bởi tấm lòng cao cả, sẵn sàng quên tư lợi vì sự phát triển của cộng đồng. Đó cũng là lý do chúng tôi dễ dàng tìm đến gia đình anh ở khu phố Xuân Thịnh. Căn nhà cấp 4 không lớn nằm ngay ven đồi, chính là mái ấm cư ngụ của 4 người trong gia đình anh hiện tại.
Khi chúng tôi tìm đến, anh Nhất đang vắng nhà nên vợ anh – chị Cao Thị Hồng phải gọi điện thông báo. Phải bỏ dở buổi lao động về tiếp phóng viên, nhưng người con miền rừng Như Xuân vẫn luôn nở nụ cười trên môi và rất đỗi gần gũi. Người đàn ông ở tuổi 51 này vẫn tràn đầy sức khỏe, lao động đủ 30 ngày mỗi tháng không ngơi nghỉ. Qua tiếp xúc và nghe các câu chuyện từ những người liên quan, dường như những tố chất thật thà và tinh thần vị nghĩa của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây đã hội tụ khá đầy đủ nơi anh.
Cùng các cán bộ thị trấn và khu phố, chúng tôi được dẫn đi “thị sát” con đường mới mở dài hơn 2km. Giữa những đồi keo, nương chè xanh mát tràn đầy sức sống, tuyến đường giao thông nông thôn rộng chừng 5m đã thành hình. Một số đoạn đã được đổ cấp phối, nhiều dấu vết bạt đồi để thi công con đường vẫn còn nguyên màu mới.
Chỉ tay về phía xa, anh Lê Văn Minh, Phó trưởng khu phố Xuân Thịnh, cho biết: “Phần lớn đất để thi công con đường mới này là do anh Nhất hiến cả đấy. Tuyến đường đi qua đất của 20 hộ gia đình, một số gia đình khác cũng hiến nhưng diện tích ít”. Cũng theo lời anh Minh “Trước đây, người dân chúng tôi ra khu trung tâm, phải đi đường cũ hơn 7km. Nay tuyến đường mới này xuyên đồi, rút ngắn khoảng cách chỉ còn hơn 3km, việc đi lại thuận lợi hơn nhiều”.
Thời điểm anh Lê Bá Nhất hiến đất vào cuối năm 2017, quê hương anh – xã Yên Lễ (cũ) đang phát triển hạ tầng để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đến tháng 12/2019 vừa qua, Yên Lễ được sáp nhập vào thị trấn Yên Cát. Gọi “khu phố” là vậy, chứ thực chất hạ tầng vật chất và điều kiện kinh tế của người dân nơi cách xa trung tâm huyện gần 10 km này vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, toàn khu phố Xuân Thịnh có tới 120 hộ với gần 150 nhân khẩu.
Từ ngày có đường mới, khoảng 100 học sinh tiểu học và THCS của địa phương đi học gần hơn nhiều. Đáng nói, trước đây, các cháu phải băng qua đường Hồ Chí Minh với nhiều xe ô tô Bắc – Nam chạy tốc độ cao rất nguy hiểm, thì đi đường mới này đã tránh được, khiến nhiều phụ huynh yên tâm hơn. Việc phát triển kinh tế đồi rừng của nhân dân địa phương cũng thuận lợi hơn nhiều, bởi giờ đây, xe ô tô tải và các phương tiện phục vụ sản xuất có thể đến tận các chân đồi.
Nói về việc làm của bản thân, anh Lê Bá Nhất tâm sự: Khi nghe chính quyền địa phương vận động hiến đất để làm đường, tôi nghiên cứu rồi bàn bạc với vợ. Đúng là tấc đất, tấc vàng, nhưng thấy có ích cho xã hội cũng như gia đình, nên vợ chồng tôi đồng ý.
Ngoài 500m2 đất vườn nhà của ông cha để lại, thì toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp chạy quanh đồi Rú Đổ mà gia đình đang sản xuất đã được hiến tặng. “Khi mở đường, gia đình tôi còn phải phá đi 220 cây cao su, 1 sào chè đang cho thu hoạch, khoảng 2,5 sào keo đang phát triển. Không những không nhận tiền bồi thường tài sản trên đất, mà gia đình còn chủ động phá cây để giải phóng mặt bằng cho chính quyền địa phương thi công đường” – anh Nhất cho biết thêm.
Nhờ các cán bộ xã làm một phép tính, thì tổng số tiền đất anh Nhất đã hiến, tính theo thời giá hiện tại ở địa phương cũng vào khoảng gần 100 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng chục triệu đồng tiền cây, nhất là một phần vườn chè đang cho thu hoạch. Với một chủ gia đình ở miền núi có con còn đi học, vợ lại bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ 2 nên không mấy khỏe mạnh, thì số tài sản anh Nhất hiến cho xã hội quả là đáng trân trọng. Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh phó trưởng khu phố Lê Văn Minh, không khỏi cảm thán: “Thật cảm động và biết ơn tấm gương anh Nhất. Lúc đó tôi đang là trưởng thôn ở đây. Khi anh Nhất đồng ý hiến đất, một số gia đình khác vẫn chưa đồng tình. Chính anh ấy là người giúp chúng tôi đi vận động những gia đình còn lại, sau họ thấy gia đình anh đi đầu nên cũng đồng thuận hiến đất mở đường”.
Ghi nhận đóng góp của nhân dân địa phương nói chung và gia đình anh Lê Bá Nhất nói riêng, ông Đỗ Văn Chung, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Cát – cũng chính là Bí thư Đảng ủy xã Yên Lễ (cũ), khẳng định: Trước đây, đường giao thông liên thôn ở địa phương nhỏ hẹp và khó khăn, chúng tôi tập trung vận động nhân dân hiến cây, hiến đất cho mở rộng đường.
Rất may, nhân dân địa phương đã đồng thuận, để hệ thống giao thông ngày càng khang trang hơn. Riêng trường hợp anh Lê Bá Nhất, việc hiến đất đã giúp địa phương mở đường mới, rút ngắn thời gian đi ra khu trung tâm của hàng trăm hộ dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Tấm lòng thơm thảo của anh Lê Bá Nhất đã “vang xa”, trở thành cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 – 2020, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.