Thể lệ cuộc thi trắc nghiệm Vì An toàn giao thông Thủ đô trên Internet năm 2020

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ban tổ chức chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô” đã ban hành thể lệ cuộc thi trắc nghiệm trên internet năm 2020.

THỂ LỆ CUỘC THI TRẮC NGHIỆM

“Vì an toàn giao thông Thủ đô” năm 2020 trên internet

 

I. Mục đích, ý nghĩa:

1. Mục đích:

Tạo sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, đẩy mạnh việc thực hiện văn hóa giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân về ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường trật tự, văn minh đô thị.

2. Ý nghĩa:

- Giáo dục kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và người dân khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hoá giao thông.

- Nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhất là việc xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên.

- Tuyên truyền đến gia đình và cộng đồng về ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

-  Góp phần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên Thủ đô.

II. Nội dung và các hình thức thi:

1. Nội dung:

- Về kiến thức: Quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; kiến thức cơ bản về an toàn giao thông; một số hiểu biết về công trình giao thông, phương tiện tham gia giao thông.

- Về kỹ năng: Tham gia giao thông an toàn; xử lý tình huống giao thông; điều khiển phương tiện giao thông; khắc phục hậu quả và giải quyết tai nạn giao thông.

- Về thái độ: Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; chấp hành luật và tuyên truyền về pháp luật giao thông.

2. Hình thức thi:

Cuộc thi “Vì an toàn giao thông Thủ đô” trên internet là cuộc thi trắc nghiệm kiến thức về an toàn giao thông tại địa chỉ: http://giaothonghanoi.kinhtedothi.vn

Nội dung các câu hỏi tập trung vào các nội dung: Kiến thức về an toàn giao thông; kỹ năng xử lý các tình huống; các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

III. Thời gian và đối tượng đăng ký tham gia

1. Thời gian:

- Cuộc thi bắt đầu từ 8 giờ 00 ngày 19/10/2020 kết thúc trước 17 giờ 00 ngày 15/12/2020.

- Thông báo kết quả cuộc thi vòng tự do: 15 ngày/1 vòng thi.

- Trao giải vòng tự do: Sau khi có kết quả của 1 vòng thi.

- Trao giải chung kết: Lễ Tổng kết cuộc thi vào tháng 12/2020.

2. Đối tượng và cách thức đăng ký:

1. Đối tượng:

Học sinh các trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các đối tượng khác là sinh viên, thanh thiếu niên,… (sau đây gọi chung là thí sinh) có điều kiện truy cập internet và có nguyện vọng tham gia cuộc thi.

2. Đăng ký tham gia:

- Thí sinh đăng ký thành viên trên trang web http://giaothonghanoi.kinhtedothi.vn  (xem phần hướng dẫn đăng ký).

- Thí sinh tham gia dự thi cần đăng ký đúng, đủ các thông tin gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh - mã số học sinh; thông tin về địa chỉ lớp, trường, quận/huyện;

- Thí sinh tự do, đăng ký đầy đủ họ tên, số CMND, địa chỉ nơi đăng ký thường trú hoặc cơ quan, đơn vị công tác.

- Trong trường hợp chưa có tên trường, mã trường trong hệ thống thì báo về địa chỉ: antoangiaothongthudo@gmail.com

- Khi đã đăng ký thành viên, thí sinh vào trang web và đăng nhập với tên truy cập và mật khẩu đã đăng kí. Sau khi đăng nhập thành công thí sinh chọn “Vào thi/Thi tự do” để tham gia các vòng thi tự luyện và chọn “Thi chính thức” để tham gia thi chính thức.

- Tên truy cập của thí sinh không được vi phạm các quy định về đặt tên của trang web http://giaothonghanoi.kinhtedothi.vn. Thí sinh phải có trách nhiệm bảo mật tài khoản của mình (khi bị mất hoặc quên sẽ không được hỗ trợ tìm lại).

- Khi trúng giải, thí sinh điền đúng, đủ thông tin vào mẫu tờ khai do Ban Tổ chức cung cấp có xác nhận của nhà trường để làm căn cứ trao giải; các thí sinh khác phải có xác nhận của địa phương cư trú hoặc cơ quan, đơn vị công tác.

IV. Cách thức chấm điểm và xếp giải:

1. Vòng thi tự do

- Là vòng thi tự do dành cho tất cả các thí sinh, không quy định thời gian, địa điểm. Vòng thi tự do được chia thành 3 vòng (tương đương 15 ngày/vòng). Mỗi vòng thi sẽ chọn ra 10 thí sinh gồm: 5 thí sinh THCS, 5 thí sinh THPT và các đối tượng khác có kết quả cao nhất xếp theo kết quả thi (lưu ý mỗi cấp học sẽ thi ở bộ đề khác nhau) để trao giải.

- Kết quả thi sẽ được xếp theo tiêu chí: Điểm thi; ngày thi; thời gian thi để xét trao giải và giành quyền vào tham gia vòng thi chung kết.

- Một đề thi gồm 20 câu hỏi, mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, số điểm của thí sinh bằng tổng số điểm của mỗi câu trả lời đúng. Trả lời sai không bị trừ điểm.

2. Vòng thi chung kết

- Là vòng thi tập trung dành cho 30 thí sinh có thành tích tốt nhất và đã đạt giải trong qua các vòng thi (có phân biệt theo cấp học) để chọn ra các thí sinh đạt các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích.

- Một đề thi gồm 20 câu hỏi, mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, số điểm của thí sinh bằng tổng số điểm của mỗi câu trả lời đúng trong thời gian thi tối đa 20 phút. Trả lời sai không bị trừ điểm.

- Kết quả thi sẽ được xếp theo tiêu chí: Điểm thi; thời gian thi để trao giải.

- Thời gian thi vòng chung kết do Ban Tổ chức quy định.

V. Giải thưởng:

1. Giải thi vòng (chỉ có giải cá nhân)

 Kết thúc mỗi vòng thi, có 10 giải đồng hạng cho 10 thí sinh (có phân biệt cấp học) có kết quả cao nhất.

2. Giải chính thức (giải tập thể và cá nhân)

a. Giải tập thể:

- Giải phong trào: Kết thúc chương trình sẽ có 10 giải đồng hạng cho các đơn vị là các Phòng Giáo dục & Đào tạo quận huyện, trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và các đơn vị khác có số lượng thí sinh tham gia thi nhiều nhất trong năm hoặc đơn vị đạt nhiều giải nhất. Ngoài ra các đơn vị sẽ được nhận khen thưởng của Ban Tổ chức, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban ATGT TP Hà Nội.

b. Giải cá nhân:

02 giải Nhất, 06 giải Nhì, 08 giải Ba và 14 giải Khuyến khích (cho các cấp học và đối tượng khác).

Các cá nhân đạt giải sẽ được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và khen thưởng của Ban Tổ chức.

c. Khen thưởng khác:

Căn cứ vào quá trình tham gia cuộc thi, kết thúc cuộc thi ngoài các giải thưởng chính thức, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao thêm các giải phụ.

Khuyến khích các đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp có giải thưởng hoặc hình thức động viên, khen thưởng đối với các thí sinh đạt giải căn cứ vào thông báo của Ban Tổ chức gửi về đơn vị.

3. Cơ cấu và giá trị giải thưởng Cuộc thi trắc nghiệm “Vì An toàn giao thông Thủ đô” 2020 trên Internet.

- Giải thưởng vòng thi (10 giải/vòng): 500.000 đồng/giải

- Giải phong trào (10 giải): 1.000.000 đồng/giải

+ Giải Nhất (02 giải): 5.000.000 đồng/giải

+ Giải Nhì (06 giải): 3.000.000 đồng/giải

+ Giải Ba (08 giải): 2.000.000 đồng/giải

+ Giải Khuyến khích (14 giải): 1.000.000 đồng/giải

Bảo Nam

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h