Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm ngay là giảm phương tiện tham gia giao thông tại nội đô. Song, đây vẫn đang là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố quá lớn với gần 7 triệu mô tô xe máy, 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.
Cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện và hạn chế xe cá nhân, Hà Nội đang nỗ lực gia tăng phương tiện công cộng chạy bằng điện, thân thiện với môi trường như xe buýt, tàu đường sắt trên cao... và bước đầu đã mang đến những tín hiệu khả quan cho môi trường. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp về chính sách và cả biện pháp hành chính để giảm thiểu phương tiện cá nhân, chuyển đổi phương tiện "xanh", khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Thực hiện Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 15/04/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức Chương trình truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội năm 2024, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức Toạ đàm với chủ đề: “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Tọa đàm này nhằm góp phần tìm ra giải pháp hiệu quả, lan toả tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân về bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Buổi tọa đàm hôm nay sẽ tập trung thảo luận về chủ đề: “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Đây là xu thế chung của các nước phát triển trên thế giới, bằng việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng, giảm phương tiện sử dụng nguyên liệu hóa thạch thay bằng phương tiện xanh thân thiện với môi trường. Vì vậy, đây không phải là câu chuyện dễ hay khó mà là ý thức chung tay của cộng đồng, từng gia đình, cá nhân với môi trường sống, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26 đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050 thì không thể không chuyển đổi phương tiện xanh, nhất là giao thông công cộng xanh. Vậy làm thế nào để lan toả được mục tiêu đó, chính là vấn đề mà toạ đàm sẽ cùng bàn thảo.
Tham dự sự kiện có ông Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội;
Về phía các sở, ban ngành có: bà Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Hội nhà báo TP Hà Nội; ông Hoàng Đức Vĩnh – Trưởng phòng Khoa giáo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Cao Minh – Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; ông Thái Hồ Phương – Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng; ông Trần Vũ Quang – Phó Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư, đại diện các quận, huyện…
Về phía đơn vị phối hợp chủ trì có TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro
Về phía chuyên gia có: PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học GTVT;
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội
TS Nguyễn Đình Thạo, giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học giao thông Vận tải
Về phía Báo Kinh tế & Đô thị có PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Trưởng ban Tổ chức Chương trình truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; Các đồng chí trong Ban Biên tập và lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Báo Kinh tế & Đô thị;
Về phía đơn vị tài trợ, đồng hành cùng Chương trình Truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024 có: Đại diện Ban Truyền thông tập đoàn Vingroup; Đại diện Công ty TNHH quốc tế UNILEVER Việt Nam; Đại diện Công ty CP chuỗi thực phẩm TH; Đại diện Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội; Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội; Đại diện Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội; Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị Hà Nội...
Tham dự sự kiện còn có đại diện của các cơ quan, ban ngành của Hà Nội; các cơ quan Báo, đài Trung ương và Hà Nội; các độc giả của báo Kinh tế & Đô thị.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Báo Kinh tế & Đô thị rất cảm ơn Hà Nội Metro nói chung và TS Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Hanoi Metro nói riêng đã quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ với anh em báo chí Thủ đô nói chung, đặc biệt là với báo Kinh tế &Đô thị nói riêng để cùng bàn thảo một vấn đề hết sức quan trọng của đô thị hiện đại hiện nay. Hai bên đã có nhiều chương trình ký kết hợp tác và buổi toạ đàm hôm nay đã thể hiện tinh thần và kết quả hợp tác giữa báo Kinh tế & Đô thị và Hà Nội Metro.
Trong thời gian qua, Báo Kinh tế & Đô thị đã có rất nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển chung của Thủ đô như Chương trình truyền thông Vì an toàn giao thông, Chương trình truyền thông Những cống hiến thầm lặng, Chương trình truyền thông Bảo vệ môi trường…
Những hoạt động đó đã đóng góp tích cực vào sự phát triển Thủ đô, bên cạnh đó cũng khẳng định vai trò, vị thế, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, vừa tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vừa phản ánh những vấn đề thực tiễn đặt ra ở Thủ đô.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình truyền thông Bảo vệ môi trường, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc Toạ đàm này và đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Thành phố. Thay mặt báo Kinh tế & Đô thị, tôi xin tuyên bố khai mạc Toạ đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực giao thông và môi trường....
Qua toạ đàm, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đưa ra những góc nhìn và ý kiến đóng góp với cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan hoạch định chính sách từng bước chuyển đổi phương tiện xanh cho đô thị, qua đó, tăng cường khích lệ người dân tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, Hà Nội Metro được thành lập sau 30 năm Hà Nội không có công ty mới ra đời. Hà Nội Metro là một công ty đặc biệt với nhân sự trẻ: 95% nhân sự của công ty dưới 40 tuổi, đây là ưu thế để xây dựng những mục tiêu đặt ra.
Hà Nội Metro rất tâm huyết với chủ đề tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Đây là vấn đề chúng ta đang phải làm, buộc phải làm để cho môi trường sống tốt đẹp hơn. Mới đây, vào 8 giờ ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội được vận hành.
Sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có 20% hành khách có ô tô, nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh.
Khi chúng tôi tiếp nhận depot tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông rộng 19ha, mất gần 2 năm để cải tạo, biến cỏ dại thành cây xanh. Chúng tôi có trạm xử lý nước thải đạt chuẩn và quan trắc môi trường. Nhân viên của chúng tôi đi trong khuôn viên đường sắt nhìn thấy rác không nhặt là bị phê bình. Từ đó cho thấy, để thực hiện mục tiêu xanh hoá phương tiện cần có sự quyết tâm của nhiều người.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị: Dưới góc nhìn của chuyên gia về môi trường, ông đánh giá thế nào về tác động của việc sử dụng phương tiện giao thông xanh đến chất lượng không khí tại Hà Nội?
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:
Nhà tôi ở Tây Hồ, cứ nghĩ đi đến địa điểm diễn ra hơn tọa đàm phải mất hơn 1 tiếng nhưng khi đi tàu điện đến đây tôi thấy rất thích thú. Dù đã từng đi tàu điện ở nhiều nước nhưng khi đi tàu điện Hà Nội vẫn thấy thích thú. Khi lên tàu, tôi thấy cảnh tấp nập người tham gia lưu thông, rồi có người ngủ gật ở tàu điện…. đó là những cảnh tượng rất hay. Mỗi chuyến tàu như thế đã giúp giảm khí thải rất nhiều. Nếu có nhiều tuyến hơn thì rõ ràng chúng ta sẽ giảm nhiều khí thải hơn.
Ngoài tàu điện, mấy năm gần gây xuất hiện xe buýt điện, đó là phương tiện rất đẹp, văn minh và hiện đại, trái ngược với se bus chạy bằng dầu, xăng. Đó là những thay đổi có thể dễ dàng nhận ra. Những sự thay đổi này dần dẫn sẽ làm thay đổi nhận thức của chúng ta, rồi dẫn tới hành động. Tôi cho rằng đấy là xu thế không thể khác. Nhưng cần làm càng nhanh càng tốt. Nếu đến năm 2030 Hà Nội có được 100% xe buýt điện thì tuyệt với. Liệu Hà Nội có làm được không? Tôi nghĩ là làm được. Làm sao để mọi người đi xe buýt điện nhiều hơn, đi tàu điện nhiều hơn thì sẽ khác.
Trong truyền thông, có nhắc đến chuyện công nhân thu gom rác phải đẩy xe rác rất khổ. Liệu có thể xanh hóa phương tiện chở rác không? Chuyển đổi này mang đên nhiều lợi ích, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng năng suất lao động, vừa đảm bảo sức khỏe của công nhân.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị: Theo ông, việc giảm khí thải từ phương tiện giao thông có vai trò quan trọng như thế nào trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải về 0 vào năm 2050 tại COP26?
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:
Để tiến đến đưa phát thải về 0, chúng ta có Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với mục tiêu này. Để thực hiện được mục tiêu đó, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông rất quan trọng. Ngoài xe máy, ô tô thì tôi thấy một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là xe tải. Cần phải chuyển đổi hết các phương tiện thành phương tiện xanh.
Một trong những điểm mới của Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là vùng phát thải thấp. Nay mai sẽ có những vùng phát thải thấp, đây là cái rất hay, cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa. Dù có hạn chế một số tự do nhất định của người dân, người kinh doanh vận tải nhưng là cần thiết. Luật Thủ đô sửa đổi thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Hà Nội nhưng cũng cần sự đồng hành của người dân toàn Thủ đô để hiện thực hóa quyết tâm đó. Ngay đến cả xe thu gom rác, tôi cho rằng Hà Nội cũng cần chuyển đổi sang phương tiện xanh
Ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội:
Giảm khí thải là chủ đề toàn cầu đặt ra thách thức lớn với toàn nhân loại. Trong đó, từ lâu đường sắt đã được đánh giá là phương tiện thân thiện mới môi trường và Ban đường sắt là đơn vị được TP giao trực tiếp phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Thực tế, các TP trên thế giới có từ 2 triệu dân trở lên đều phải tính đến việc tạo dựng hệ thống đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ai cũng cảm nhận rất rõ sự cần thiết và phải có hệ thống đường sắt đô thị là xương sống cho hệ thống giao thông công cộng cho một đô thị như Hà Nội hoặc bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Hà Nội mong muốn có metro có từ rất lâu rồi. Ban đường sắt đã có rất nhiều thế hệ tham gia cống hiến xây dựng hệ thống đường sắt đô thị từ thời Pháp thuộc, giai đoạn 1992 – 1994 cho đến nay. Chúng tôi nhận thức rất rõ quan điểm, mục tiêu, cũng như đã đứng trước cơ hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ chính trị, Quốc hội về phát triển đường sắt.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến 2035 Hà Nội phải đạt được hệ thống metro, Chính phủ cũng đã phê duyệt vào năm 2016, Hà Nội sẽ có hệ thống metro gồm 10 tuyến, tổng chiều dài cả đi ngầm lẫn đi nổi khoảng 400km. Đây là thách thức rất lớn. Bản thân chúng tôi cũng đã đặt 3 câu hỏi.
Một là làm gì để xây dựng 400km đường sắt metro giải quyết các vấn đề về đi lại cho người dân?.
Hai là nguồn kinh phí đầu tư từ đâu? Bởi vì thực hiện đề án đòi hỏi về nguồn vốn 55 tỉ đô la trong thời gian xây dựng ngắn, đến năm 2035 trong khi đất nước và hạ tầng giao thông khung còn nhiều vấn đề phải tập trung đầu tư như văn hoá, giáo dục, rác thải..
Ba là làm thế nào? 15 năm qua Hà Nội mới làm được 2 đoạn tuyến ĐSĐT, TP Hồ Chí Minh còn đang nỗ lực thực hiện tuyến số 1. Vướng mắc có rất nhiều nguyên nhân do cả chủ quan lẫn khách quan, đã được báo cáo các cấp ngành.
May mắn chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của cấp cao nhất của Chính phủ, TP, cơ quan ban ngành. Khi tuyến Cát Linh – Hà Đông, sau đó tuyến Nhổn – Ga Hà Nội đưa vào khai thác đã giúp người dân dần hiểu về đường sắt đô thị.
Theo tôi, khi phát triển đường sắt đô thị cần coi công tác truyền thông là nhiệm vụ, công tác quan trọng, bởi hiện nay ta đang làm còn mờ nhạt, rất cần truyền thông để chia sẻ và đón nhận ý kiến phản biện, đóng góp của người dân nhằm cải thiện hệ thống metro tốt hơn.
Với 3 câu hỏi lớn, may mắn Hà Nội có quy hoạch về giao thông nói chung và đường sắt nói riêng cơ bản hướng đến chiến lược rõ ràng, đi theo đô thị xanh, dành không gian cho đi bộ.
Theo tôi, việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân về phương tiên công cộng cần chuyển đổi nhanh bởi nếu không nhanh sẽ gặp khó khăn do đó, cần phải có những cơ chế đột phá.
Chúng tôi đang tập trung mời các chuyên gia để đóng góp ý kiến, kêu gọi các nhà đầu tư, và tính đến việc khai thác bền vững, đồng thời mong rằng truyền thông đồng hành cùng với đơn vị trong quá trình xây dựng hệ thống đường sắt để xây dựng Metro Việt Nam sánh ngang cùng với khu vực.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị: Thưa PGS.TS Bùi Thị An, với góc nhìn của một chuyên gia và một người làm luật bà cho biết ý kiến để trong thời gian tới chúng ta sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung. Đặc biệt, về quá trình chuyển xanh như hiện nay, chúng ta đã có kết quả nghiên cứu cụ thể về lợi ích của phương tiện xanh, từ đây cần có những đề xuất kiến nghị như thế nào cho Chính phủ Việt Nam để quá trình chuyển đổi diễn ra mạnh mẽ hơn?
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII:
Tôi đánh giá rất cao chủ đề ngày hôm nay. Xu thế chuyển đổi giao thông xanh là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Truyền thông thực sự rất quan trọng, việc chuyển đổi xanh là của hệ thống chính trị, xã hội chứ không chỉ của Sở GTVT hay của ngành giao thông và của người làm giao thông.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ung thư phổi là bệnh đứng thứ 2 gây chết người ở Việt Nam. Một trong những yếu tố gây ra chính là từ ô nhiễm không khí. Từ đó gây nên rất hậu họa nhiều cho các gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến một trong 3 yếu tố phát triển bền vững của cả nước cũng như của Thủ đô. Tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong xu hướng hiện nay là tất yếu.
TP Hà Nội đã có rất nhiều chủ trương quan trọng, giải pháp hỗ trợ tuy nhiên chưa thực hiện hiệu quả. Việc tăng dân số cơ học là một hiện thực chưa khắc phục được, đây là khó khăn khách quan liên quan đến hệ thống gia thông chưa có giải pháp. Hậu quả của khí phát thải ảnh hưởng đến sức khỏe là trước hết.
Chúng ta sẽ chắc chắn làm đươc, vì phát triển xanh là xu thế tất yếu. Đối với điều kiện Nhà nước. Đầu tiên, chúng ta cần có nhiều phương tiện thay thể bằng phương tiện công cộng, không dùng nguyên liệu hóa thạch là trước hết. Thứ 2 là đường xá, tài chính đầu tư hạ tầng, thứ 3 là hệ thống giao thông cần kết nối chặt chẽ, tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông tốt. Cùng với đó là có những chế tài đi kèm khi thực hiện.
Tôi đề nghị xã hội hóa để các DN tham gia lĩnh vực giao thông xanh trong đó có ưu tiên tín dụng để đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, các sở ban, ngành cần làm đến cùng.
Đối với Nhân dân, về phía hệ thống giáo dục cùng tham gia từ sớm, tuyên truyền trên các hệ thống truyền thông về lợi ích của phương tiện xanh. Chuyển đổi xanh thực sự là xu hướng tất yếu.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị: Theo ông, việc chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh tại Hà Nội gặp phải những thách thức lớn nhất nào?
TS Nguyễn Đình Thạo, giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học giao thông Vận tải:
Đứng ở góc độ giao thông, tôi nhận xét chung là hiện nay giao thông Hà Nội đang có mâu thuẫn giữa nhu cầu, áp lực từ phương tiện giao thông với hạ tầng giao thông. Do đó, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn cần tới những giải pháp phân luồng, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, với hiện trạng giao thông của Hà Nội hiện nay, mọi giải pháp đều gặp phải những thách thức lớn..
Đứng trên góc độ môi trường, có thể thấy các hoạt động vận tải hiện nay chủ yếu đang sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính. Theo nghiên cứu, người ta tính toán được mỗi một xe ô tô con thông thường, cứ chạy 1km sẽ phát thải 250-252g khí thải co2 ra moi trường. Còn nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô này thải ra môi trường là 3 tấn.
Năm 2014, chúng ta có thực hiện một cuộc tổng kiểm kê khí thải nhà kính. Kết quả cho thấy, toàn quốc có 30 triệu tấn khí thải nhà kính, chiếm 11% phát thải toàn nền kinh tế. Trong 10 năm qua (từ 2014 đến nay) lượng khí thải nhà kính đã tăng từ 30 triệu tấn lên 45 triệu tấn. Theo tính toán, đến 2023, lượng khí thải nhà kính trên toàn lãnh thổ Việt Nam có thể đạt mức gần 90 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tiếp theo.
Năm 2021, khi chúng ta tham gia cam kết với Liên hợp quốc về việc đưa phát thải về 0 vào năm 2050 tại COP26 thì câu chuyển không còn chỉ dừng lại ở việc giảm phát thải nữa mà phải là giảm phát thải về 0. Mục tiêu đưa ra là năm 2050 sẽ đưa phát thải về 0, có thể nói đây là mục tiêu vô cùng thách thức.
Tại tọa đàm này đã thể hiện rõ quan điểm của chúng ta là không tránh né là là cần đưa ra giải pháp làm thế nào giảm khí thải bằng việc chuyển đổi phương tiện xanh. Để giảm phát thải về 0, nguyên tắc chung cần thực hiện là chuyển từ phát thải cao về thấp và chuyển từ phát thải thấp về 0. Muốn thực hiện được điều này thì phải chuyển đổi năng lượng. Tức là chuyển từ năng lượng phát thải cao sang năng lượng sạch. Bản chất của chuyển đổi năng lượng chính là chuyển đổi công nghệ. Bên cạnh đó, phải chuyển đổi công thức, từ công thức phát thải cao sang phát thải thấp.
Trong ngành GTVT có những trụ cột để giảm phát thải nhà kính như tăng hiệu quẩ sử dụng nhiên liệu; chuyển đổi phương thức từ phát thải cao về thấp; chuyển đổi phương tiện. trong bối cảnh phát thải ròng bằng 0… Ngoài ra, còn có thể có những trụ cột khác như quản lý nhu cầu; chuyển đôi nhu cầu để thải loại những phương tiện cũ; thu giữ carbon… Để đạt được mục tiêu đưa phát thải về 0 thì chúng ta không những phải tăng cường cường độ mà còn phải bổ sung thêm nhiều giải pháp nữa.
Vấn đề đặt ra, như chủ đề tọa đàm là giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh là việc làm khó hay dễ? Các chuyên gia môi trường đã nói, đây là việc làm khó. Tuy nhiên, dù là việc làm khó nhưng chúng ta lại có những thuận lợi lớn để thực hiện mục tiêu này. Thuận lợi lớn nhất chính là việc giảm khí thải không phải là mục tiêu của một vài quốc gia mà đang là mục tiêu chung của toàn cầu. Chúng ta sẽ không phải đi một mình. Trong hành trình này, chúng ta có những những quốc gia đi trước để học hỏi kinh nghiệp, có những quốc gia đi cùng để đồng hành và có cả những quốc gia đi sau để chúng ta chia sẻ. Trong toàn bộ quá trình như vậy, vai trò của việc tuyên truyền, của đào tạo, giáo dục, vai trò của nhà trường là rất quan trọng. Như chính PGS.TS Bùi Thị An đã nói lúc đầu tọa đàm.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị: Ông có thể chia sẻ ý kiến về chuyển đổi xanh của ngành giao thông vận tải dưới góc độ quản lý Nhà nước?
Ông Thái Hồ Phương – Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng:
TP vừa được Quốc hội thông qua Luật thủ đô, trong đó có một số vấn đề về môi trường, chuyển đổi năng lượng hoá thạch, Sở GTVT hiện đang tổ chức triển khai và trình đề án thực hiện trong thời gian sớm nhất. Vừa qua HĐND TP cũng đã họp và ban hành quyết định 19 trong đó liên quan đến sự cần thiết của đề án phát triển phương tiện xanh của Hà Nôị.
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu đến năm 2030 có 50% phương tiện sẽ chuyển đổi xanh, đến năm 2035 là 100%. Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng chính phủ về chuyển đổi phương tiện xanh. Trong đó chúng tôi có kế hoạch giai đoạn này là 50% điện, 50% khí, ưu tiên trong 2024 là chuyển đổi phương tiện xe điện.
Theo tôi, việc giảm khí thải phương tiện xanh cần thực hiện đồng bộ theo chuỗi vì hiện nay trên địa bàn TP có một số điểm dừng xe buýt mà nhà chờ trở thành điểm thu gom rác thải, như vậy sẽ không thể xanh được. Ngoài phương tiện xanh là xe buýt hay đường sắt xanh thì thêm một điều cần xanh là từ thái độ của lái xe nhân viên bán vé. Xe xanh mà thái độ không xanh cũng chưa phải là xanh.
Theo thống kê, thời gian qua 10 tuyến buýt xanh đã giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đường trồng 1,68 triệu cây xanh. Khi đề án 879 triển khai và đi vào thực tiễn dự kiến một năm có thể giảm 120 nghìn tấn CO2, đây sẽ là là con số rất ấn tượng.
Chúng ta đã có xe xe buýt xanh, tuyến đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy, Nhà nước, TP và cả các DN cũng rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi xanh của Thủ đô.
Hà Nội hiện là đơn vị hiếm hoi trên cả nước không có phương tiện sử dụng trên 10 năm, trung bình là 3,5 năm, thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ đề án 879 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi xanh, song song với đó là xử lý phát thải, ô nhiễm, thái độ để chuyển đổi xanh hoàn toàn.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Chương trình toạ đàm của Báo Kinh tế & Đô thị với chủ đề “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” là nội dung rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá rất cao cách thức thực hiện của Báo kinh tế & Đô thị. Chương trình sẽ tạo sức lan toả để người dân cùng biết và đồng hành nhằm thay đổi nhận thức và cách làm. Qua toạ đàm, các chuyên gia giúp cho thành phố đưa ra những cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả và nhanh nhất. Qua đây, TP cũng rút ra được nhiều bài học tất yếu phải làm.
TP Hà Nội đang hoàn thiện và trình Thủ tướng quy hoạch Thủ đô. Việc rất quan trọng mà cần làm ngay là giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm và ùn tắc đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển Thủ đô và đời sống người dân. Tọa đàm do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hôm nay có nội dung rất cụ thể và thực chất. Quy hoạch Thủ đô có 3 chuyển đổi, chính trong đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi sự đồng bộ lớn. Mục tiêu của Tọa đàm cũng như Luật Thủ đô là lấy người dân làm trung tâm, đo đếm được cụ thể người dân được hưởng lợi những gì. Hà Nội nhất trí với quan điểm của các chuyên gia là, sự quyết tâm của chính quyền, trong đó vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Chúng ta đều nhận thức được mục tiêu và xác định rất rõ, vậy làm thế nào để triển khai nhanh và hiệu qủa nhất.
Chúng tôi thấy rằng, việc rà soát và tổ chức lại giao thông đã đem lại hiệu quả ngay trong việc giảm thiểu ùn tắc. Bên cạnh đó, có cơ chế, khuyến khích để người dân thấy thuận lợi nhất để tích cực tham gia; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, thời gian đi trên đường giảm rất nhiều. Bên cạnh đó cũng cần tính toán cơ chế, thể nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải đối với phương tiện trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội đang rất quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện. Ngoài ra, Hà Nội hiện nay đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô để đồng bộ và kết nối trong giao thông. Phải kết nối được toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân.
Nội dung tuyên truyền cũng rất quan trọng để người dân biết, hiểu, tự nguyện và lan toả. Cần tuyên truyền những nôi dụng cụ thể về lợi ích phương tiện xanh đem lại. Những ý kiến tại hội thảo ngày hôm nay cần được tuyên truyền rộng rãi để từng sở, ngành TP vào cuộc và đem lại hiệu quả.