Tuy vậy những thông tin mà Tổng công ty cung cấp vẫn chưa làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến hàng loạt các gói thầu mà công ty Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Quốc tế trúng thầu. Ngoài ra, báo Kinh tế & Đô thị còn phát hiện nhiều “bất thường” trong quá trình lựa chọn nhà thầu ngay cả với những gói thầu xây lắp có quy mô lớn hơn được Tổng công ty này tổ chức đấu thầu rộng rãi trong thời gian qua.
Luật không cấm tại sao không đấu thầu rộng rãi?
Về thông tin nhiều gói thầu kiểm toán do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, trong thời gian qua lại áp dụng hình thức chỉ định thầu mà không áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn NSNN chi cho hoạt động kinh tế đường sắt được Chính phủ bố trí hàng năm, Bộ GTVT đã có quyết định giao kế hoạch và dự toán vốn các năm 2018, 2019 để triển khai đầu tư nâng cấp cải tạo đường ngang theo phương án này.
Các công trình thuộc danh mục được Bộ GTVT phê duyệt và giao dự toán đã được Tổng công ty tổ chức, triển khai thực hiện đúng tiến độ. Năm 2019 Tổng Công ty thực hiện 52 công trình (tương ứng với 272 đường ngang).
“Do 52 công trình nâng cấp cải tạo các đường ngang thuộc Kế hoạch 994 năm 2019 được triển khai cùng lúc, nên công tác lập, trình và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng được thực hiện đồng thời ngay sau khi có Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật của công trình”, ông Cảnh cho biết.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cũng không đưa ra được văn bản nào của cấp có thẩm quyền nghiêm cấm việc không cho phép mua sắm tập trung các công việc kiểm toán, quyết toán tương tự về tính chất tại dự án thành phần thuộc chương trình nâng cấp cải tạo đường ngang được Chính phủ bố trí hàng năm.
Trong khi đó, theo Khoản 22, Điều 4, Luật Đấu thầu 2013 quy định rất rõ: “Gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung”.
Với căn cứ pháp luật được quy định rất rõ ràng như vậy, thật khó hiểu khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không tiến hành mua sắm tập trung gần hai chục gói thầu kiểm toán để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác, tăng sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế hơn mà lại chia nhỏ để chỉ định thầu cho một công ty trúng thầu?. Trong khi điểm chung của những dự án mua sắm mà chủ đầu tư/Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt chỉ định thầu trong một ngày có giá trị nhỏ, tương tự tính chất công việc là tư vấn kiểm toán. Cách làm của Tổng Công ty Đường sắt vô hình chung triệt tiêu sự cạnh tranh trong đấu thầu, nhất là hạn chế sự tham gia đấu thầu của hàng trăm doanh nghiệp kiểm toán trên phạm vi toàn quốc.
Tại Điểm c Khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT cũng quy định rất rõ phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu 2013 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Về việc chỉ định thầu hàng loạt các gói thầu kiểm toán theo lý giải của Phó Tổng giám đốc Trần Thiện Cảnh, trên cơ sở hồ sơ năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu kiểm toán đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của các gói thầu, Tổng công ty đã thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng kiểm toán với 08 nhà thầu kiểm toán (trong đó có Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Quốc tế là nhà thầu như Báo Kinh tế& Đô thị đã nêu trong bài trước) để thực hiện kiểm toán các công trình đường ngang nêu trên.
Vậy, căn cứ vào những hồ sơ năng lực DN kiểm nào và áp dùng quy trình đánh giá lựa chọn nhà thầu nào để Tổng công ty Đường sắt giao hàng loạt hợp đồng tư vấn kiểm toán cho nhà thầu Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Quốc tế triển khai thực hiện, khi những gói thầu kiểm toán đều được Tổng công áp dụng hình thức chỉ định thầu mà không phải là tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức khác.
Chưa kể, cùng một thời điểm Tổng công ty chỉ định thầu 01 nhà thầu trúng thầu hàng loạt các gói thầu, liệu năng lực và nhân sự chủ chốt của nhà thầu đó có đáp trả ứng yêu cầu của hàng chục gói thầu cùng một thời điểm, nhất là thời gian thực hiện hợp đồng của những gói thầu này đều phải triển khai hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm ký hợp đồng trúng thầu với Tổng Công ty Đường sắt. Trong khi, yêu cầu nhân sự chủ chốt chiếm tỷ trọng rất lớn trong tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu quy định tại hồ sơ mời thầu của những gói thầu tư vấn nói chung, các gói thầu kiểm toán nói riêng.
Không đủ điều kiện vẫn “vô tư” vẫn trúng thầu
Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về DN tham gia đấu thầu.
Ngoài ra tại Mẫu Hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ KH&ĐT, yêu cầu các chủ đầu tư phải quy định rõ về điều kiện tham gia (tư cách hợp lệ nhà thầu) đối với gói thầu không quá 5 tỷ đồng tại Hồ sơ mời thầu.
Tuy nhiên ở nhiều gói thầu xây lắp có giá gói thầu dưới 5 tỷ, Tổng Công ty Đường sắt lại phớt lờ quy định pháp luật đấu thầu khi công khai cho phép các công ty con (không phải là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) trực thuộc trúng thầu những gói do Tổng công ty làm chủ đầu tư, mặc dù không đủ đáp ứng điều kiện được phép tham gia đấu thầu.
Đáng chú ý, các gói thầu này đều nằm trong danh sách các công trình, dự toán sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước được bố trí vốn hàng năm cho ngành đường sắt.
Đơn cử như đối với 02 gói thầu dành cho cấp doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ do Tổng công ty Đường sắt làm chủ đầu tư. Cụ thể: Gói thầu số 1: Nâng cấp cải tạo 5 đường ngang bao gồm đường ngang Km 1554+619, Km1562 + 720, Km 1577+790, Km 1593+570 đến Km 1597+750 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 1424/QĐ-ĐS ngày 5/11/2019 cho nhà thầu trúng là Công ty cổ phần thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn. Giá trúng thầu: 4.404.105.000 đồng.
Gói thầu số 1: Nâng cấp, cải tạo 4 đường ngang bao gồm: Đường ngang Km 1600+100, Km 1604+000, Km1608+380, Km 1611 +975, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 1428/QĐ-ĐS ngày 6/11/2019 cho Công ty cổ phần thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn. Giá trúng thầu: 3.286.587.000 đồng.
Theo Khoản 2, Điều 6 và Khoản 2, Điều 8 Nghị định 39/2018/NĐ-CP cụ thể hóa tiêu chí xác định DN theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (có hiệu lực từ ngày 11/3/2018): DN nhỏ trong lĩnh vực xây dựng theo quy định có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng.
Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn đã được kiểm toán, doanh thu bán hàng năm 2017 trên 160 tỷ đồng (160.990.627.131 đồng); năm 2018 là 141.796.743.198 đồng.
Tổng nguồn vốn đầu năm 2018 là trên 121 tỷ đồng (121.117.044.011 đồng), số cuối năm 2018 là 93.307.203.332 đồng.
Nếu căn cứ quy định pháp luật về phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ như trên, nhà thầu Công ty cổ phần thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn hoàn toàn không đủ điều kiện để được tham gia đấu thầu 02 gói thầu trên do không thuộc doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Tổng nguồn vốn và tổng doanh thu của Nhà thầu này trong năm 2017 và 2018 gấp nhiều lần tiêu chuẩn quy định pháp luật về doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
Đây cũng là lý do khiến dư luận đặt câu hỏi dựa vào cơ sở pháp lý nào để Phó Tổng Giám đốc Trần Thiện Cảnh phê duyệt cho nhà thầu Công ty cổ phần thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn trúng thầu 02 gói thầu trên, cũng như một số gói thầu tương tự khác do Tổng công ty Đường sắt được giao làm chủ đầu tư. Có phải sự ưu ái này xuất phát từ lý do Công ty cổ phần thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn là công ty con của Tổng Công ty Đường sắt hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!