|
Nhiều người dân cho rằng làn đường riêng cho xe buýt không hợp lý, gây kẹt xe. Ảnh: Đỗ Loan |
Sở GTVT vừa trình UBND TP.HCM đề án thí điểm làm 2 làn đường riêng cho xe buýt ở hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu (Q.3). Tuy nhiên, việc này đang nhận nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, nhất là khi làn riêng cho buýt BRT ở Hà Nội bộc lộ nhiều bất cập.
Thí điểm cuối năm 2019
Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM (thuộc UBND TP.HCM) đề án tổ chức làn xe buýt ưu tiên trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu (quận 3).
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết: “Để đề án hoạt động hiệu quả, trung tâm sẽ điều tra, mô phỏng và tính toán thật kỹ. TP HCM đã có chương trình mô phỏng giao thông cho toàn thành phố do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thực hiện, đồng thời 2 tuyến đường đề xuất cũng đã hoàn thành chương trình giám sát điều hành giao thông thông minh. Do đó, trung tâm sẽ phối hợp cùng Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn để dựa theo những số liệu khảo sát thực tế chi tiết, xây dựng các kịch bản tổ chức giao thông hợp lý nhất.”
Theo đề án, TP.HCM sẽ thí điểm tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ (từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ với chiều dài 3,6km) và đường Võ Thị Sáu (từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ với chiều dài 2,2km). Thời gian ưu tiên cho xe buýt trong 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần.
Mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng kết hợp với dải phân cách mềm. Ngoài thời gian cao điểm trên, cho phép các phương tiện cá nhân lưu thông vào làn đường xe buýt bình thường. Riêng ngày thứ bảy và chủ nhật, các loại xe được lưu thông bình thường, kể cả trên làn đường ưu tiên cho xe buýt.
Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, nếu đề án được UBND TP phê duyệt, làn đường ưu tiên sẽ được triển khai trong năm 2019. Đề án có 4 phương án bố trí làn xe buýt riêng trên mặt đường như sau: Phương án một, bố trí làn xe buýt ưu tiên sát vỉa hè bên phải. Phương án hai, làn xe buýt ưu tiên được bố trí ở giữa lòng đường. Phương án ba, làn xe buýt ưu tiên được bố trí ở bên trái tuyến đường. Phương án bốn, bố trí làn xe buýt ưu tiên ở bên trái, đi ngược chiều. Ngoài ra, thêm một phương án nữa là chỉ tổ chức làn xe buýt riêng trên đường Điện Biên Phủ, còn đường Võ Thị Sáu giữ nguyên như hiện nay.
Lý giải việc chọn tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ để làm thí điểm, ông Trung cho biết, hai tuyến đường này nằm trên trục kết nối chính giữa bến xe Chợ Lớn và làng Đại học Quốc gia, nhu cầu sử dụng xe buýt rất cao, đặc biệt là học sinh, sinh viên. “Xe buýt muốn hoạt động hiệu quả phải đảm bảo đầu tiên đúng giờ, nếu thí điểm thành công sẽ nhân rộng thêm một số tuyến khác”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, rút kinh nghiệm từ xe buýt nhanh BRT Hà Nội, đơn vị này đang nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác được di chuyển vào làn đường ưu tiên này như: Xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên...
Lo đi theo vết xe đổ của Hà Nội
|
Người dân cho rằng, đường Võ Thị Sáu. Q.3 luôn đông xe nếu làm làn đường riêng cho xe buýt kẹt xe càng nghiêm trọng |
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT, Trường Đại học Việt Đức cho biết, bố trí làn riêng là một trong những giải pháp ưu tiên cho xe buýt hoạt động. Nếu không có làn ưu tiên, phải xem xét những nơi có thể bố trí được với những chuyến đi cần được giảm thiểu đầu tư không gian giao thông.
Thực tế, nếu không có sự ưu tiên cho xe buýt, không thể phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, những nơi xem xét ưu tiên phải không ảnh hưởng đến giao thông.
Ông Tuấn cho rằng, phương án bố trí hai làn riêng cho xe buýt trên là khá hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế khi xe buýt vận hành. Ngoài ra, cần cải thiện điều kiện tiếp cận với xe buýt kết nối giữa các tuyến với nhau đặc biệt kết nối với các loại hình giao thông khác.
“Thực tế, Hà Nội đã triển khai những tuyến đường ưu tiên cho xe buýt cách đây vài chục năm rồi. Nhưng chỉ có tuyến hiệu quả nhưng rất ngắn là từ điểm trung chuyển Long Biên đi trên đường Yên Phụ đến nút giao đường Thanh Niên”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, đa phần người dân được hỏi đều cho rằng, việc tổ chức làn riêng cho xe buýt không khả thi. Đường Điện Biên Phủ thường xuyên ùn tắc trầm trọng, nhất là đoạn từ ngã tư Lê Quý Đôn tới Hai Bà Trưng, nếu thu hẹp làn đường để dành cho xe buýt, ùn tắc sẽ rất trầm trọng và còn lan rộng thêm ra quận 1, quận 3.
Ông Nguyễn Văn Hải, thường xuyên đi làm trên đường Võ Thị Sáu chia sẻ: “Với tình hình giao thông hiện nay, nếu triển khai làn riêng cho xe buýt ở TP.HCM, tôi lo sẽ sớm đi theo vết xe đổ của buýt nhanh BRT ở Hà Nội. Việc này vừa lãng phí không gian mặt đường, vừa thêm ùn tắc”.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, TP.HCM muốn thí điểm làn đường riêng cho xe buýt phải làm ở những nơi khó nhất như: Đường Cộng Hòa hay những đoạn đường đông đúc. Đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ những đoạn thí điểm qua ngắn, chỉ khoảng 2km sẽ không có tác dụng, xe buýt chạy nhanh cũng chỉ được vài phút.