Vận tải hành khách liên tỉnh làm gì để hút khách?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ sau dịch Covid-19, lượng xe hợp đồng, xe khách trá hình tăng mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định. Để thu hút hành khách, các nhà xe, bến xe cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ,... trong kinh doanh dịch vụ.

Xe khách trá hình diễn biến phức tạp

Hiện nay, mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh của Hà Nội có khả năng kết nối với 41 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 3.500 chuyến mỗi ngày. Theo Sở GTVT Hà Nội, TP có 52 DN khai thác vận tải hành khách cố định với 730 xe, khai thác tại 6 bến xe chính gồm: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Sơn Tây và Nước Ngầm.

Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, vận tải hành khách tuyến cố định mới chỉ khôi phục được khoảng 70 - 80% và vẫn đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn của nhiều loại hình vận tải khác, đặc biệt là xe khách trá hình, xe tiện chuyến, xe ghép.

Van tai hanh khach lien tinh lam gi de hut khach? - Hinh anh 1

Vận tải hành khách tuyến cố định đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn của xe khách trá hình, xe tiện chuyến...

Năm 2023, các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đã phải giảm 300.000 lượt xe. Cụ thể, lượt xe tại bến Mỹ Đình giảm trên 30%, bến Giáp Bát giảm 25%, bến Gia Lâm giảm gần 50%.

Một trong những nguyên nhân khiến lượng hành khách vào bến giảm do số lượng xe hợp đồng gia tăng, có nhiều diễn biến phức tạp. Chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến đang gây ra cạnh tranh không công bằng với xe tuyến cố định.

Hoạt động xe khách trá hình ảnh hưởng trực tiếp đến nhà xe chạy tuyến cố định, các bến xe trên địa bàn TP. Để đến bến xe, người dân phải di chuyển xa, gia tăng chi phí đi lại. Trong khi đó xe trá hình, xe dù đưa đón tận nơi, thậm chí đứng ngay trước cửa bến xe đón khách, khiến xe khách tuyến cố định khó cạnh tranh được.

Không những vậy, các DN này còn sử dụng văn phòng đại diện, những khu đất trống để làm những điểm tập kết đón trả khách… gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và giảm hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động vận tải.

Mặt khác, ở thời điểm dịch bệnh, toàn bộ người dân phải tăng cường sử dụng trực tuyến nên các hình thức xe ghép tiện chuyến lại càng bùng nổ. Người dân sử dụng các loại hình vận tải này mà không biết rằng việc di chuyển tiềm ẩn nhiều nguy cơ khống giá vé, nhồi nhét khách…

Anh Nguyễn Quang Dương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường liên hệ nhà xe đặt vé và được trung chuyển qua văn phòng của họ để đi tỉnh. Như vậy tiện lợi và nhanh chóng hơn cho tôi so với việc tự di chuyển đến các bến xe".

Các loại xe hợp đồng trá hình đang hấp dẫn hành khách bằng việc có thể đi sâu vào trong nội thành, thậm chí là đón trả khách tại nhà. Điều này cũng đặt ra những thách thức về khả năng trung chuyển giữa hành khách với các bến xe.

Cải thiện tích cực

Để tăng thêm ưu thế cho vận tải tuyến cố định, Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với các bến xe, các đơn vị vận tải nghiên cứu tìm giải pháp, xây dựng “App Vận tải hành khách liên tỉnh Hà Nội”. 

Trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho biết: “Hiện nay hoạt động trung chuyển đang giao cho các đơn vị vận tải đảm nhận. Nhưng quan điểm của Sở GTVT Hà Nội mong muốn đơn vị bến xe đứng ra để xây dựng được một ứng dụng chung cho hoạt động trung chuyển trên địa bàn TP, hướng tới để người dân sử dụng app đó, dễ dàng đến bến cần đi”. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, thu hút hành khách đến với vận tải tuyến cố định, thời gian qua, Sở GTVT đã chỉ đạo các bến xe, DN tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ. Các bến xe tại Thủ đô đang dần thay đổi diện mạo, tiến hành nâng cấp, chỉnh trang hệ thống cơ sở hạ tầng, có nhiều đổi mới trong cách phục vụ. Tình trạng chèo kéo, mất trộm đồ tại bến xe cũng đã dần được đẩy lùi. Cùng với bến xe, các DN vận tải cũng có nhiều đổi mới khi hỗ trợ đặt vé online, xây dựng phòng chờ tiện nghi hiện đại 

Ông Nguyễn Tuyển cho biết: “Các bến xe của Hà Nội thời gian qua cũng đã nâng cao chất lượng dịch vụ. Người dân vào bến sẽ thấy phòng chờ sạch sẽ, khang trang, nhiều tiện nghi. Hành khách đến bến cũng có các dịch vụ như đồ ăn nhẹ, nước uống… Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang khuyến khích và yêu cầu các bến xe phải đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ nói chung chứ không chỉ làm cho một số tuyến nhất định”.

Cụ thể hơn về các thay đổi tại bến, Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam chia sẻ: “Gần đây nhất, chúng tôi cũng trang hoàng lại toàn bộ nhà chờ, bảng điện tử và làm thêm một nhà chờ quốc tế để phục vụ hành khách. Ngay tất cả các cổng vào của bến xe cũng có loa tuyên truyền, nhắc nhở và khuyến cáo hành khách vào bến mua vé, đi xe để đảm bảo an toàn". 

Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải hoạt động khai thác tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vào bến xe đón, trả khách theo quy định.

Để vận tải hành khách liên tỉnh phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, cần sự vào cuộc sát sao của lực lượng chức năng cũng như cần có sự thay đổi từ các bến xe, đơn vị vận tải trên địa bàn TP Hà Nội. 

Ngọc Trang

 

Tin liên quan