Vì sao nên sử dụng xe điện kinh doanh vận tải? ​

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới phải sử dụng năng lượng xanh. Yêu cầu về giảm lượng phát thải nhà kính đã đưa xu thế điện hoá phương tiện thành vấn đề tất yếu và việc sử dụng xe điện kinh doanh vận tải cũng không ngoại lệ.

Xu hướng tất yếu

 

Chia sẻ tại toạ đàm Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam do Báo giao thông tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, vận tải đường bộ giữ vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách và hàng hoá.

 

Năm 2023 vận tải hàng hoá đạt khoảng 2.344 triệu tấn, tăng 15,4% so với năm 2022, vận tải hành khách đạt 4.670 triệu, tăng 12,3% so với năm 2022. Bên cạnh đó, quy hoạch mạng lưới đường cao tốc và đường bộ nước ta tiếp tục được ưu tiên phát triển, dự kiến trong lương lai đường bộ tiếp tục đảm nhận 87,5% và 88,1% nhu cầu vận chuyển hành khách năm 2030 và 2050, tốc độ tăng trưởng bình quân là 3,1% /năm; đảm nhận 40,4% và 42,6% nhu cầu luân chuyển hàng hoá năm 2030 và 2050, tốc độ tăng trường bình quân 5,5%.

 

Điều này cũng khiến lượng phát thải khí thải nhà kính từ lĩnh vực GTVT chiếm khoảng 18% lượng phát thải cả nước và đang trong xu thế gia tăng. Trong đó, phát thải đường bộ chiếm khoảng 80% tổng số lượng phát thải khí thải toàn ngành.

 

“Việc phát triển phương tiện giao thông điện là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm phát thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông” – ông Nguyễn Hoàng Anh nêu.

 

Hơn nữa, sau cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 về Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu), năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí carbon và metan ngành GTVT. Theo đó, từ 2022 - 2030 sẽ đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp, nhập khấu và sử dụng xe điện, phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc.

 

Từ 2025, 100% xe buýt được đầu tư thay thế mới sử dụng năng lượng xanh. Từ 2030 tỷ lệ người sử dụng xe điện đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế và đầu tư mới sử dụng năng lượng xanh. Năm 2040 ngừng sản xuất lắp ráp nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện chuyển đổi sang sử dụng phương tiện năng lượng xanh.

 

Lộ trình này khiến số lượng ô tô điện được sản xuất lắp ráp hoặc nhập khẩu trong nước từ 138 chiếc năm 2019 tăng lên 28.315 ô tô thuần điện và 5.557 xe hybrid (tính đến cuối tháng 9/2023).

 

Nắm bắt nhanh nhaỵ nhu cầu điện hoá ô tô, Xanh SM đã tiên phong khai thác mảng xe taxi điện. Nhiều hãng taxi khác cũng dần chuyển từ taxi xăng sang điện để tạo lợi thế cạnh tranh như Công ty TNHH Đồng Thuý (Lado Taxi), Công ty Bách Đại Dũng, Công ty Én Vàng, Mailove, Công ty Let’s go An Bình...

 

Vi sao nen su dung xe dien kinh doanh van tai?  ​ - Hinh anh 1
 Hãng Xanh SM tiên phong khai thác taxi điện.

Tính đến nay, cả nước có 28.000 xe ô tô điện, thuần điện lưu hành. Xe buýt điện được vận hành tại 2 TP lớn là Hà Nội (hơn 239.000 xe) và TP Hồ Chí Minh (167.000 xe) và ở các TP lớn có khoảng 2.700 xe taxi điện.

 

Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.

 

Phát huy lợi thế

 

Trao đổi về lợi thế của xe điện khi sử dụng để kinh doanh vận tải, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết: "Với ô tô điện chi phí để nuôi một xe taxi cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống".

 

Nguyên nhân do những chi tiết cấu thành lên ô tô giảm đi rất nhiều nên tổng chi phí nuôi xe điện sẽ giảm. Tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia rất quan tâm đến bảo vệ môi trường.

 

Mặt khác, đi taxi điện êm, không gây cảm giác say xe do mùi nhiêu liệu, không gây mùi xăng khi ra vào các hầm toà nhà. Khối pin dưới gầm xe giúp cách âm tốt hơn, không gây tiếng ồn khi ra vào các nơi cần yên tĩnh như bệnh viện, trường học. Khả năng lội nước của xe điện cũng được tối ưu lên đến 30 phút, dự trữ quãng đường từ 300 – 500km dùng cho 2 – 3 ngày liên tục.

 

Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT Công ty Én Vàng -  người tiên phong đưa xe điện vào kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách thay thế xe xăng tại Hải Phòng cho biết đã trăn trở tìm phương tiện kinh doanh đạt hiệu quả đầu tư, chi phí thấp và vòng đời dài. Ông đã sang Trung Quốc, Mỹ và nhìn thấy thực sự xe điện vận hành êm ái, hiệu quả thực sự.

“Chúng tôi tính đơn giản 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng. Còn xe điện chỉ tốn chỉ 400 - 600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn chuyển đổi xe xănng sang xe điện”. – ông Nguyễn Văn Định nói.

Nhận định về mức độ giảm phát thải của xe điện, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết: "1 lít xăng phát thải ra khoảng 2,1kg CO2. Còn 1kWh phát thải 0,68kg CO2. Ví dụ trung bình một chiếc ô tô chạy xăng tiêu thụ 7 lít/ 100km thì sẽ phát thải khoảng 14,7kg CO2. Còn một chiếc ô tô điện, thì sẽ khoảng hơn 9kWh sẽ chạy được 100km. Như vậy, một chiếc xe xăng phải chạy chỉ 4 lít/100km thì mới đảm bảo lượng phát thải ngang với VF8.”

"Chi phí thấp sẽ mang lại hiệu quả cho người đầu tư, những người vận hành là lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi." - ông Đàm Hoàng Phúc nhận định.

Vi sao nen su dung xe dien kinh doanh van tai?  ​ - Hinh anh 2
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Báo Giao thông 

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, quá trình chuyển đổi sang xe điện vẫn còn một số khó khăn trong quá trình vận hành như trạm sạc hạn chế. Anh Đinh Cảnh Dinh - một tài xế độc lập tự đầu tư phương tiện và đăng ký tham gia mạng lưới taxi điện của Xanh SM cho biết sử dụng xe ban ngày dễ bị nóng động cơ dẫn đến xe xuất hiện các lỗi về pin và điều hoà.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM cho biết, việc phân bổ trạm sạc có thời điểm bị cục bộ, đặc biệt vào những "giờ cao điểm" người dân sau khi đi làm trở về nơi sinh sống đã cùng lúc có nhu cầu sạc xe dẫn đến tình trạng thiếu trạm sạc.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các tài xế sẽ có kinh nghiệm và chủ động sắp xếp thời gian sạc. Hiện trạm sạc của VinFast cũng đang được phát triển từng ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đối với các lỗi của xe, thời gian đầu không tránh khỏi nhưng VinFast thường xuyên tiếp nhận những đánh giá từ trải nghiệm của người dùng để cập nhật phần mềm, khắc phục các lỗi. Đến nay, những lỗi gần như đã được xử lý triệt để, không gây quá nhiều khó khăn cho người dùng. 

Taxi điện không phải hình thức kinh doanh mới, các đơn vị vận tải ở nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện chuyển đổi như Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Indonesia. Vượt qua được những rào cản ban đầu, Việt Nam sẽ sớm bắt nhịp được với lộ trình chuyển đổi xanh của thế giới.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h