Xe 0 đồng chở bệnh nhân Covid-19: Hy sinh thầm lặng vì cộng đồng

NGỌC HẢI
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Giữa tâm bão - khi dịch bệnh Covid-19 phủ bóng âu lo lên Hà Nội và cả nước, có những con người thầm lặng, đánh cược an toàn của bản thân, đưa hàng chục “F0, F1” đến nơi điều trị, cách ly trên những chuyến xe 0 đồng. Với họ, đó đơn giản chỉ là việc làm để bảo vệ chính gia đình mình và cộng đồng.

Nước mắt và nụ cười

Khi thành lập đội xe cấp cứu giá 0 đồng, chuyên chở bệnh nhân và người nghi nhiễm Covid-19, anh Bạch Thái Thịnh (Mộ Lao, Hà Đông) chỉ nghĩ rằng mình đang hành động thiết thực để chung tay cùng người dân cả nước đẩy lui đại dịch. “Tôi không có vinh dự được lên tuyến đầu như các bác sỹ; hay bám đường lập chốt như cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội; nhưng tôi đã có cách riêng của mình để chiến đấu với đại dịch Covid-19. Tiêu diệt được Covid-19 là bảo vệ được gia đình, và nhất là các con tôi” - anh Thịnh chia sẻ.

Đội xe cấp cứu thuộc Công ty Anh Vũ do anh Thịnh thành lập có 6 chiếc, với 18 nhân lực, bao gồm cả lái xe, nhân viên điều dưỡng. Kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại trên địa bàn Thủ đô, Đội xe đã đảm nhận vận chuyển khoảng 200 trường hợp F0, F1 từ nhà đến nơi cách ly, điều trị, hoặc chở miễn phí người khỏi bệnh về nhà. Mỗi chuyến xe 0 đồng ấy ngoài niềm tự hào còn có biết bao lo lắng, bao mồ hôi và cả nước mắt.

Anh Thịnh kể, có lần vận chuyển 4 người nhiễm bệnh trong một gia đình đến nơi điều trị. “Người mẹ ôm đứa con mới 8 tuổi dỗ dành, hai mẹ con khóc, mình cũng khóc. Nhìn đứa nhỏ nghĩ đến con mình ở nhà, lại càng quyết tâm đi chống dịch. Chừng nào Covid-19 còn lây lan, mình còn đi, đi để bảo vệ vợ con, gia đình mình trước nhất”.

Xe 0 dong cho benh nhan Covid-19: Hy sinh tham lang vi cong dong  - Hinh anh 1
Hàng ngày, những chiếc xe cấp cứu vẫn vận chuyển những bệnh nhân mắc Covid-19, người đi cách ly với giá 0 đồng. 

Không khác là mấy với người thủ lĩnh đã luống tuổi của Công ty Anh Vũ, anh Lê Thành Trung - Đội trưởng Đội xe cấp cứu 0 đồng lúc ở “trại” chỉ xuềnh xoàng dép tông, áo phông, quần vải, khuôn mặt hốc hác, sạm đen vì thức đêm. Anh Trung nói: “Được ăn mặc nhẹ nhõm như này là thích lắm rồi. Có những hôm cả ngày dầm mình trong bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, kính mắt kín mít. Mồ hôi không thấm được ra ngoài, đọng thành túi nước trong quần áo bảo hộ. Anh em lái xe hay đùa, bảo nhau là cá trong xoong”.

Từ ngày bắt đầu lao vào những chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân Covid-19, anh Trung và toàn đội ăn ở tập trung tại trụ sở công ty, “cấm trại” tuyệt đối không bước ra đường. “Lúc đi vợ dỗi không thèm nói gì. Bây giờ ở trại, ngày nào cũng gọi, dặn đi dặn lại những câu y hệt nhau, mình thuộc lòng, lắm lúc nhại theo vợ lại dỗi” - anh hồn nhiên kể. Rồi anh cười, đồng đội cũng cười, bầu không khí trước mỗi chuyến xe đều rôm rả như thế, nhưng lắng đọng trong từng đôi mắt là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân sâu thẳm.

Khi được hỏi có sợ lây bệnh không, tất cả anh em trong Đội xe cấp cứu 0 đồng Anh Vũ đều trả lời: Có. Thậm chí nỗi sợ đó còn lớn hơn của ngàn vạn người khác, bởi hàng ngày họ tận mắt chứng kiến sự đáng sợ của dịch bệnh Covid-19, bất cứ lúc nào họ cũng có thể trở thành F0. Nhưng chưa một ai trong Đội bỏ cuộc, và đáng quý hơn là ngày nào cũng có thêm người tình nguyện, xung phong được lái xe chở bệnh nhân. Anh Thịnh phấn khởi nói: “Mình không đủ xe để tiếp nhận hết anh em, nhưng mỗi một tin nhắn, một cuộc gọi của người tình nguyện là một liều thuốc đại bổ, tăng thêm sức mạnh và quyết tâm cho toàn Đội. Những chuyến xe 0 đồng đang đi đúng hướng, và ý nghĩa của nó là vô giá với mỗi chúng tôi!”.

Hết dịch mới về

Anh Bạch Thái Thịnh cho hay, khi mới tham gia vận chuyển người bệnh Covid-19, toàn bộ chi phí đều do công ty tự chi trả. Quần áo bảo hộ cho anh em giá hơn 200.000 đồng một bộ, đi một chuyến về lại cho vào lò đốt. Sau thiếu thốn quá, phải đem đồ bảo hộ ngâm Clomin B để tẩy trùng, sát khuẩn rồi dùng lại. “Có lúc đồ phơi lên chưa kịp khô, anh em vẫn phải mặc để lên đường. Cả ngày ướp trong mùi hoá chất, hùng hục lao đi không để ý gì, về nghỉ mới thấy say cái mùi thuốc sát khuẩn đặc trưng ấy” - anh nói.

Anh Nguyễn Ngọc Quyền - tài xế của Đội cấp cứu 0 đồng Anh Vũ cho hay, có lần một F0 nôn ra xe, anh em vừa đi vừa run, nhưng vẫn phải cứng cỏi cười đùa, động viên bệnh nhân khỏi tủi thân. “Người mắc bệnh đã khổ lắm rồi, mình phải cố làm cho họ thấy gần gũi, đồng cảm ít nhiều” - anh Quyền chia sẻ.

Là tài xế trẻ nhất trong Đội, mới 25 tuổi, anh Quyền quê Thạch Thất, vợ đang bầu sắp sinh. Hơn tháng nay “cấm trại”, anh Quyền lo nhất là vợ trở dạ sớm. Lo thì lo thế nhưng chưa khi nào người tài xế trẻ có ý định xin nghỉ. Anh Quyền nói: “Có những bác sỹ, y tá, cán bộ công an, quân đội, kể cả người dân đi cách ly đang phải hy sinh việc riêng vì lợi ích chung, đẩy lùi dịch bệnh nên nếu em không kịp về đưa vợ đi sinh cũng chẳng phải là điều gì to tát. Chỉ thương vợ em buồn. Từ khi vào Đội, không về nhà, em biết cả nhà mong lắm, nhất là vợ, nhưng cô ấy còn động viên em thêm, cố làm việc tốt để sau này con cái noi theo”.

Đội trưởng Lê Thành Trung cho biết thêm, cứ ba ngày toàn Đội lại đi xét nghiệm PCR một lần, mọi quy trình an toàn đều được thực hiện chặt chẽ. Trước khi lên xe, dù vội vã đến mấy, anh em đều phải đầy đủ đồ bảo hộ, kiểm tra “quân tư trang” kỹ càng. Đến nay chưa một tài xế nào trong Đội xe cấp cứu 0 đồng Anh Vũ gặp rủi ro, điều đó càng khiến toàn Đội vững tâm hơn trên hành trình chống dịch.

Thành công ban đầu trong việc tạo dựng một đội ngũ nhiệt huyết, quên mình chống dịch đã khích lệ vị thủ lĩnh đoàn xe cấp cứu Anh Vũ rất nhiều. Hiện anh Bạch Thái Thịnh đang xoay sở để có thêm kinh phí mua máy thở, thiết bị y tế ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch. “Chúng tôi chỉ là những người chồng, người cha đi chống dịch, góp chút công sức nhỏ bảo vệ cuộc sống an toàn cho mọi người, trong đó có gia đình mình mà thôi” - anh Thịnh nói.

Theo chân anh Lê Thành Trung lên một chuyến xe trong đêm, tiếng còi ủ khiến lòng tôi chộn rộn. Lát nữa đây khi chúng tôi lại được trở về với gia đình, ngủ ngon trong mái ấm, thì các anh vẫn lao mình vào tâm dịch. Anh Trung nói như dao chém đá: “Còn có người lây nhiễm, còn F0, F1 là còn đi. Hết dịch tôi mới về”.

Tin liên quan