|
Tại hiện trường vụ xả súng hàng loạt vào ngày 21/1/2023 tại Monterey Park, California, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Ảnh: Getty Images |
2 vụ xả súng tại 1 bang trong 48 giờ
Ít nhất 7 người đã chết ở Half Moon Bay, bang California, trong vụ xả súng hàng loạt hôm 23/1 ở bang này. Dave Pine, Chủ tịch Hội đồng giám sát quận San Mateo, nói với CNN vào tối thứ Hai rằng nghi phạm trong vụ xả súng đã bị bắt.
Trước đó, vào tối 21/1, ít nhất 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau vụ xả súng hàng loạt ở Monterey Park, California. Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm cộng đồng người Mỹ gốc Á lớn của TP này đang ăn mừng Tết Nguyên đán.
Những thảm cảnh đau đớn và kinh hoàng như vậy dường như ngày càng trở nên quen thuộc ở Mỹ. Trên thực tế, vụ xả súng hàng loạt hôm 23/1 cùng với 37 vụ xả súng đáng kinh ngạc khác đã diễn ra chỉ trong 3 tuần đầu tiên của năm 2023 - theo thống kê của Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng đạn Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói với đám đông ở Tallahassee, Florida, hôm 22/1: "Vào thời điểm của một ngày lễ văn hóa… một cộng đồng đã bị chia cắt bởi bạo lực súng đạn vô nghĩa. Tất cả chúng ta tại đây và trên toàn đất nước đều hiểu rằng bạo lực này cần phải được chấm dứt".
Nhưng người Mỹ tự hỏi rằng nỗ lực đó sẽ diễn ra như thế nào khi mà Quốc hội bị chia rẽ đảng phái, các quy định chính sách rất khác nhau và một nền văn hóa sử dụng súng đã ăn sâu ở đất nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/1 kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua một cặp dự luật tìm cách cấm vũ khí tấn công và băng đạn lớn, đồng thời nâng tuổi mua súng lên 21.
"Phần lớn người dân Mỹ đồng thuận với hành động hợp lý này. Nhiệm vụ lớn nhất là làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn cho trẻ em, cộng đồng và quốc gia của chúng ta" - ông Biden nói trong một tuyên bố. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã được cố vấn An ninh Nội địa thông báo tóm tắt về vụ nổ súng Half Moon Bay.
|
Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở Monterey Park, California. Ảnh: Getty Images |
Những con số biết nói về một nước Mỹ "ngoại lệ"
Theo một nghiên cứu được công bố trên ấn bản tháng 12/2022 của tạp chí Nhi khoa - tạp chí của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ - chấn thương do súng đạn hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người dưới 24 tuổi tại Mỹ.
Theo một báo cáo từ Everytown, từ năm 2015 đến năm 2020, có ít nhất 2.070 vụ trẻ em dưới 18 tuổi vô ý xả súng ở Mỹ. Những vụ xả súng đó đã khiến 765 người chết và 1.366 người bị thương.
Một nghiên cứu được công bố vào cuối năm ngoái trên JAMA Network Open đã phân tích những cái chết do súng đạn trong 3 thập kỷ qua, với tổng cộng hơn 1 triệu người đã thiệt mạng kể từ năm 1990.
Đáng nói, những con số này diễn ra ngay cả khi người Mỹ được trang bị vũ khí tương tự với người dân ở nhiều quốc gia khác, Theo ước tính của Cơ quan khảo sát vũ khí nhỏ có trụ sở tại Thụy Sĩ, có khoảng 393 triệu khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân ở Mỹ, nghĩa là khoảng 120 khẩu súng cho mỗi 100 người Mỹ.
Mặc dù rất khó tính toán chính xác số lượng vũ khí thuộc sở hữu dân sự do nhiều yếu tố - bao gồm vũ khí chưa đăng ký, buôn bán bất hợp pháp và xung đột toàn cầu - nhưng không quốc gia nào khác có nhiều súng dân sự hơn người dân Mỹ.
Khoảng 45% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ sống trong một gia đình có sở hữu súng - theo một cuộc khảo sát của Gallup vào tháng 10/2022.
Tại Australia, chưa đầy 2 tuần sau vụ xả súng hàng loạt tồi tệ nhất lịch sử nước này, Chính phủ liên bang đã thực hiện một chương trình mới, trong đó cấm súng trường bắn nhanh và súng ngắn, đồng thời thống nhất cấp phép và đăng ký sở hữu súng trên toàn quốc. Trong 10 năm, số người chết vì súng ở Australia ước tính đã giảm hơn 50%.
Tại Nam Phi, những cái chết liên quan đến súng gần như giảm một nửa trong khoảng thời gian 10 năm sau khi luật mới về súng - Đạo luật kiểm soát súng năm 2000 - có hiệu lực vào tháng 7/2004. Luật mới khiến việc mua súng trở nên khó khăn hơn nhiều tại quốc gia châu Phi này.
Tại New Zealand, luật về súng đã nhanh chóng được sửa đổi sau vụ thảm sát ở nhà thờ Hồi giáo Christchurch năm 2019. Chỉ 24 giờ sau vụ tấn công khiến 51 người thiệt mạng, Thủ tướng New Zealand lúc bấy giờ Jacinda Ardern tuyên bố luật sẽ thay đổi.
Chưa đầy 1 tháng sau, Quốc hội New Zealand đã bỏ phiếu gần như nhất trí thay đổi luật súng đạn của nước này, cấm tất cả các loại vũ khí bán tự động kiểu quân sự.
Vương quốc Anh cũng thắt chặt luật sở hữu súng và cấm sở hữu hầu hết súng ngắn tư nhân sau vụ xả súng hàng loạt năm 1996, một động thái giúp số người chết vì súng giảm gần 1/4 trong hơn một thập kỷ.
Nhưng văn hóa súng đạn của Mỹ tỏ ra là một ngoại lệ toàn cầu, khi mà chu kỳ bạo lực chết người dường như vẫn tiếp diễn.
Vấn đề của định nghĩa "xả súng hàng loạt" tại Mỹ
Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng đạn Mỹ đã định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là một vụ trong đó có ít nhất 4 người bị bắn, không bao gồm kẻ xả súng. Còn Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trích dẫn luật năm 2012 định nghĩa "giết người hàng loạt" là "3 vụ giết người trở lên trong một vụ việc".
Mass Shooting Tracker - một cơ sở dữ liệu có nguồn gốc từ cộng đồng - đã định nghĩa xả súng hàng loạt là "một vụ bạo lực bùng phát đơn lẻ trong đó 4 người trở lên bị bắn". Everytown For Gun Safety thì định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là bất kỳ sự cố nào trong đó 4 người trở lên bị bắn chết, không bao gồm kẻ xả súng.
Nhưng điều gì lại đưa đến định nghĩa về một vụ xả súng hàng loạt phụ thuộc vào số người bị bắn? Và việc thiếu một định nghĩa chắc chắn được cho là đang cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề.
Tờ Daily Caller đã trích dẫn một định nghĩa về "các vụ xả súng hàng loạt nơi công cộng" trong một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội năm 2013, cho rằng định nghĩa này quá hẹp nên đã chỉ xác định được 78 vụ xả súng từ năm 1983 - 2012.
Một bài báo nghiên cứu năm 2019 được xuất bản trên Injury Epidemiology cũng làm nổi bật vấn đề này: "Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng đạn đã ghi nhận nhiều vụ xả súng hàng loạt nhất, với 346 vụ, vào năm 2017, trong khi Mother Jones chỉ ghi nhận 11 vụ".
Theo CNN, việc thiết lập một định nghĩa cho "xả súng hàng loạt" sẽ cải thiện chất lượng của các phân tích. Điều này có thể dẫn đến sự cải thiện không chỉ trong nhận thức và hiểu biết của công chúng về các sự kiện xả súng hàng loạt, mà còn cả những tranh luận với các nhà hoạch định chính sách về luật pháp đang có ý đồ giảm bớt thiệt hại mà các vụ xả súng hàng loạt gây ra cho xã hội.