Tuyến ĐSĐT số 5 là dự án quan trọng quốc gia, được TP giao cho Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án đi qua các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.
Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng; được cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có thể bố trí bổ sung giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định của Luật Đầu tư công.
|
Ảnh minh hoạ |
UBND TP Hà Nội đã đề xuất trình cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư toàn tuyến số 5 với 21 ga. Trong đó có 6 ga ngầm, 14 ga đi thấp và 1 ga trên cao. 2 vị trí depot được bố trí tại huyện Hoài Đức và Thạch Thất.
Tuyến ĐSĐT số 5 dự kiến sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2026. Chiều dài toàn tuyến khoảng 39km, chạy xuyên tâm TP, kết nối xâu chuỗi các đô thị hiện đại. Tương lai tuyến này sẽ kết nối dọc đại lộ Thăng Long với khu vực đô thị trung tâm.
Hệ thống ĐSĐT của Hà Nội đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, trường học. Với định hướng ưu tiên phát triển ĐSĐT, đồng bộ kết cấu hạ tầng, tuyến Metro số 5 cần sớm được triển khai và đưa vào hoạt động.
Việc đưa vào vận hành tuyến số 5 sẽ giảm thiểu đáng kể việc ùn tắc giao thông; giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tai nạn giao thông. Đồng thời hiệu quả dự án sẽ tác động tới việc thúc đẩy phát triển đô thị ngoài trung tâm; góp phần cơ cấu, sắp xếp, phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá để phát triển bền vững.
Ngọc Trang