Mức phạt rất nặng đối với “ma men”
Từ ngày 1/1/2020, cả nước bắt đầu thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó, được quan tâm nhất là mức phạt đối với hành vi lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được tăng lên rất nặng.
Đối với người điều khiển ô tô khi vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt nặng đến 40 triệu đồng (trước đây, quy định cũ chỉ phạt đến 18 triệu đồng), đồng thời tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 năm.
Người điều khiển ô tô khi vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt nặng
|
Mức xử phạt đối với xe máy cao nhất là 8 triệu đồng, đồng thời tước GPLX 2 năm. Thậm chí, người đi xe đạp có nồng độ cồn trong máu cũng sẽ bị phạt ở mức 400 - 600 nghìn đồng. Không chỉ tăng nặng mức phạt, quy định mới áp dụng từ 1/1/2020 còn áp dụng xử phạt đối với hành vi điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp ngay từ mức nồng độ cồn trên 0mg/l khí thở. Trước thời điểm trên, người điều khiển xe máy chỉ bị xử phạt khi có nồng độ cồn trên 0,25mg/l khí thở.
Với quy định này, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nhóm các quốc gia “không khoan nhượng” với việc sử dụng rượu, bia khi lái xe. Có nghĩa là cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên 0 mg/l khí thở) đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp.
Sau gần một năm triển khai quy định này, nhận thức của lái xe đã được nâng cao đáng kể. Những người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ô tô đã bắt đầu hình thành những thói quen như bắt taxi, xe ôm hay "nói không với rượu bia".
Tin đồn học phí lái xe tăng mạnh
Trên thực tế, nguồn gốc của thông tin tăng học phí trên bắt nguồn từ những quy định mới trong Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Thông tư này đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 với nhiều quy định mới được bổ sung nhằm siết chặt quy trình đào tạo và sát hạch lái xe hiện nay.
Đầu tiên phải kể đến là quy định từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên. Điều này có nghĩa là học viên phải học đầy đủ thời gian đào tạo lý thuyết mới được dự sát hạch.
Từ năm 2020 thi bằng lái ô tô sẽ khó hơn nhưng học phí không tăng như đồn thổi.
|
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định chương trình đào tạo là bắt buộc do Bộ GTVT đưa ra và có giám sát chặt chẽ. Điều này nhằm kiểm soát, thắt chặt việc đào tạo lái xe, không còn các khóa học “bình dân” để học vừa đủ để thi đậu như hiện nay nữa mà sẽ phải dạy theo các quy định bắt buộc, hướng đến chất lượng. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nâng số câu hỏi từ 450 lên 600 câu hỏi, áp dụng từ 1/8.
Chính những quy định mới được bổ sung theo hướng siết chặt chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái ô tô dẫn đến tâm lý lo lắng của nhiều người, từ đó mới xuất hiện tin đồn về việc học phí thi bằng lái ô tô sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với trước kia.
Đáng chú ý, trên thực tế, mức phí để học và sát hạch cấp GPLX ô tô trong năm 2020 vừa qua không tăng “khủng” như tin đồn. Theo nhiều trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, mức tăng học phí trong năm vừa qua chỉ vào khoảng 10 - 15%.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là những người có dự định thi bằng lái ô tô tới đây sẽ phải cố gắng và chăm chỉ hơn rất nhiều thì mới có được điều mình mong muốn. Đây cũng là điều Bộ GTVT muốn hướng đến khi đưa ra các quy định siết chặc công tác đào tạo, sát hạch bằng lái ô tô. Nhất là trong bối cảnh thời gian qua trước có quá nhiều học viên sau khi tốt nghiệp bằng lái xe ô tô nhưng vẫn không nắm rõ kỹ năng lái xe và luật giao thông đường bộ, dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Cảnh sát giao thông kiểm tra bảo hiểm xe máy bắt buộc
Bảo hiểm xe máy bắt buộc có tên gọi đầy đủ là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy. Đây là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ra ngày 16/02/2016.
Cùng với giấy đăng ký xe và GPLX, bảo hiểm bắt buộc là 1 trong 3 loại giấy tờ luôn phải mang theo mình khi tham gia giao thông bằng xe máy (được quy định tại khoản 2, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ). Có thể nói, quy định về bắt buộc mang theo bảo hiểm khi đi xe máy là điều không mới, đã áp dụng nhiều năm nay.
Tuy nhiên, việc “đổ xô” tìm mua bảo hiểm cho xe của người dân chỉ bắt đầu rộ lên khi Cục CSGT (Bộ Công an) triển khai Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ trong vòng 1 tháng, từ 15/5 - 14/6. Trong đó, CSGT có quyền dừng phương tiện kiểm tra giấy tờ, người lái mà không nhất thiết phải phát hiện lỗi vi phạm từ trước.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành vi điểu khiển xe máy không có hoặc không mang theo bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc có thể bị phạt 100-200 nghìn đồng.
Khi nghe thông tin về đợt tổng kiểm soát phương tiện, nhiều người dân mới “toá hoả” đi mua bảo hiểm xe máy vì sợ bị kiểm tra, xử phạt. Thực tế cho thấy, có người dù đã đi xe máy lâu năm nhưng chưa bao giờ mua loại bảo hiểm này. Vào tháng 5, bảo hiểm xe máy đã được bày bán khắp nơi, từ cây xăng, siêu thị, tiệm tạp hoá đến những quán trà đá ven đường. Thậm chí, nhiều người bán bảo hiểm xe máy online với thủ tục nhanh gọn và “ship” tận nhà.
Bảo hiểm bắt buộc cho xe máy là vẫn cần thiết, bởi nguyên tắc, mục đích tôn chỉ của bảo hiểm là nhân đạo, là quản lý rủi ro, là biện pháp bảo vệ các chủ thể trước các tổn thất về vật chất, tinh thần, kể cả tính mạng con người
Xe ô tô phải đổi sang biển số màu vàng
Từ 1/8/2020, tất cả xe kinh doanh vận tải buộc phải đổi sang biển số nền vàng, đồng thời thay đổi lại số và giấy tờ xe theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT- BCA của Bộ Công an.
Đồng thời, cũng theo Thông tư 58, các xe ô tô tư nhân đăng ký mới hoặc đổi biển cũng buộc phải sử dụng loại biển số mới màu trắng có kích thước tương tự là 165x330mm. Các xe sẽ được cấp mặc định 2 biển số kích thước giống nhau, thay cho trước đây các xe được cấp 2 biển: một dài và 1 vuông với kích thước 110x470mm và 200x280mm.
Khi mới triển khai, những biển số màu vàng khiến nhiều người cảm thấy lạ lẫm, thế nhưng sau một thời gian, việc nhiều xe kinh doanh vận tải sử dụng loại biển số này trên đường đã được người dân cảm thấy “quen mắt”.
Không những vậy, biển số với màu khác biệt sẽ giúp lực lượng chức năng nhận biết rõ hơn các xe có đăng ký kinh doanh vận tải như xe taxi, xe công nghệ,… để dễ quản lý, xử phạt vi phạm.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), ước tính có khoảng 2 triệu xe thuộc đối tượng này. Lộ trình đổi toàn bộ xe kinh doanh vận tải sang sử dụng biển số màu vàng là hết ngày 31/12/2021.
Hàng loạt đề xuất tại hai dự thảo luật giao thông mới
Năm 2020 vừa qua, dư luận và đặc biệt là các lái xe “đứng ngồi không yên” với hai dự thảo Luật mới là: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một số nội dung mới được người dân quan tâm khi tách thành hai Luật như: Chuyển việc quản lý sát hạch lái xe sang Bộ Công an quản lý; “Chia” lại hạng GPLX; Cấp và trừ điểm trên GPLX; Bắt buộc xe mô tô, xe máy, xe đạp điện phải bật đèn nhận diện ban ngày; Đấu giá biển số xe đẹp; Quy định trẻ em không được ngồi ở hàng ghế trước trên ô tô; Một số quy tắc giao thông,…
Những nội dung này tuy mới là đề xuất, song đã nhận được nhiều phản ứng với rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân bởi lẽ những quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến số đông. Mỗi một sự thay đổi nhỏ trong Luật cũng có tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt và đi lại của người dân, do đó cần xem xét kỹ càng.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào tháng 11 vừa qua, có đến 302 đại biểu, tương đương với 62,7% bỏ phiếu không tán thành việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật riêng và thống nhất chuyển các dự thảo luật này sang xem xét ở các kỳ họp Quốc hội sau.