ATGT cho học sinh đến trường: Nỗi lo 'dột từ nóc'

 
Chia sẻ

Nỗi lo 'dột từ nóc' trong câu chuyện ATGT cho trẻ em đến trường đang hiện hữu và có thể bắt gặp những ví dụ sinh động ở bất cứ ngã tư nào trên đường phố Thủ đô.

Tháng 9/2019 được Ủy ban ATGT Quốc gia lựa chọn là “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường”. Trong đó, đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; đặc biệt là đề nghị phụ huynh ký cam kết, thực hiện việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy, không giao mô tô, xe máy cho trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định. 

ATGT cho hoc sinh den truong: Noi lo 'dot tu noc'  - Hinh anh 1
Nhiều phụ huynh chưa có ý thức đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông. Ảnh: Dân sinh

Tuy nhiên, thực tế dịp khai giảng đầu năm học 2019-2020, không khó để bắt gặp trên đường phố Thủ đô Hà Nội hình ảnh người lớn không đội mũ bảo hiểm cho bản thân mình và con em ngồi sau; hoặc giao chìa khóa cho các em tự điều khiển mô tô, xe máy đi học.

Khi được hỏi về vấn đề này, một số phụ huynh cho biết:

“Nói chung đi xe thì em mới đội mũ bảo hiểm chứ còn nhà gần đây em cũng chẳng đội mũ”.

“Đôi lúc vì vội hoặc sơ ý một cái có thể quên mất. Nhiều khi đúng là đón con là nhảy lên xe đi chứ không nghĩ đến việc đội mũ.

“Những hôm tôi phải đi làm sớm hoặc quên không nhắc nhở cháu thì tôi rất lo lắng. Nên cháu không đội mũ bảo hiểm nếu có xảy ra vấn đề gì thì tôi rất ân hận”.


“Phụ huynh mà không có ý thức nhắc nhở các con đội mũ thì chứng tỏ phụ huynh cũng không quan tâm đến các con lắm. Ít nhất đội mũ bảo hiểm là tôn trọng ý kiến của các cô giáo ở trường, vừa bảo vệ sức khỏe cho con mình”.

Phát biểu tại sự kiện đi bộ kêu gọi “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em" diễn ra ở Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm số người chết vì TNGT cũng như hạn chết thương tích nặng là do người dân thực hiện nghiêm chỉnh hơn việc đội mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên, con số hơn 8.000 người chết do TNGT hàng năm, trong đó có không ít là trẻ em, vẫn hết sức nhức nhối và thương tâm. Cụ thể, năm 2018, có 1442 trẻ em thương vong do TNGT. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 04 về việc đẩy mạnh quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Chỉ thị đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng tỷ lệ đội mũ bảo hiêm ở trẻ em đội tuổi từ 6 – 15 từ 35% - 52%.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói:

“Vẫn còn không ít trẻ em chưa được đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, còn nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức được, thậm chí cố tình không đội mũ cho con em mình. Các thầy cô giáo cần thường xuyên trao đổi, hướng dẫn học sinh về kỹ năng ATGT trong đó có việc đội mũ bảo hiểm. Yêu cầu các bậc phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con em mình”.

ATGT cho hoc sinh den truong: Noi lo 'dot tu noc'  - Hinh anh 2
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm số người chết vì TNGT cũng như hạn chết thương tích nặng là do người dân thực hiện nghiêm chỉnh hơn việc đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Nhân Trần - Lê Tùng

Trong khi đó, về phía ngành giáo dục, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc ký kết chương trình phối hợp, tăng cường công tác giao dục ATGT trong trường học giai đoạn 2019-2024 giữa Bộ với Ủy ban ATGT Quốc gia là một trong những giải pháp trọng tâm.

“Chương trình nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, công tác phối hợp, tuyên truyền giao dục về ATGT, xây dựng văn hóa ATGT thân thiện với môi trường, góp phần hạn chế đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT trong học sinh, sinh viên”.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm, với tỉ lệ đội mũ bảo hiểm cho người lớn thường trên 90%. Thậm chí nhiều địa phương trên 95%. Nhìn sang Malaysia, Thái Lan thì có những khu vực tỉ lệ đội mũ bảo hiểm của họ chỉ 50-60%. Với người lớn thì chúng ta làm rất tốt, song với trẻ em thì có rất nhiều bất cập. Tỉ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em hiện nay chỉ khoảng trên 50%.


TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích, có một nguyên nhân được nhắc đến rất nhiều: Một số phụ huynh mua xe máy nhưng lại không mua nổi một chiếc mũ đạt chuẩn cho trẻ em. Vấn đề vẫn là nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ về tác dụng của mũ bảo hiểm đúng chuẩn, đặc biệt đối với trẻ em. Có em không được trang bị, hoặc có thì thường xuyên phải đội mũ dởm.

“Việc tăng cường công tác liên lạc, ký cam kết, hướng dẫn giữa nhà trường và phụ huynh học sinh là rất quan trọng. Nhưng khi chúng ta tuyên truyền rồi, chúng ta tặng mũ rồi thì có một vấn đề đặt ra là tỉ lệ sử dụng hiện nay vẫn còn thấp. Như vậy rõ ràng là trong công tác nhắc nhở, xử lý vi phạm thì chúng tôi cho rằng vẫn còn bất cập”.

TS Trần Hữu Minh dẫn chứng, việc nhắc nhở, xử lý vi phạm còn xu hướng xuê xoa. Cụ thể, khi bố mẹ đội mũ bảo hiểm còn con không đội thì hiện còn ít bị lực lượng chức năng xử phạt, dẫn đến “nhờn” luật từ chính các bậc phụ huynh.

Đồng quan điểm, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, sở dĩ có việc xuê xoa, không nghiêm túc đội mũ bảo hiểm từ người lớn là do tâm lý đối phó.

“Cha mẹ đội mũ bảo hiểm không phải vì vấn đề an toàn cho chính bản thân mình mà chỉ vì sợ bị phạt. Chính vì vậy họ phải đội mũ bảo hiểm. Ngay với các cháu, khi bố mẹ không yêu cầu mình đội mũ bảo hiểm thì các cháu cũng không có ý thức với chuyện này. Bởi vì cho dù các thầy cô giáo giảng bài thế nào thì quan trọng nhất với trẻ vẫn là cha mẹ. Nếu cha mẹ không thực hiện hoặc không có ý thức cần phải thực hiện thì các cháu cũng sẽ không thực hiện”.

ATGT cho hoc sinh den truong: Noi lo 'dot tu noc'  - Hinh anh 3
90% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà liên quan đến trẻ em rơi vào nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện. Ảnh: Vietnamnet


Một vấn đề nhức nhối khác trong việc đảm bảo ATGT cho trẻ em đến trường, đó là đi xe mô tô, xe máy, các loại xe điện tốc độ cao khi chưa đủ tuổi hoặc điều kiện lái.

TS Trần Hữu Minh chia sẻ thống kê đáng lo ngại: 90% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà liên quan đến trẻ em rơi vào nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện. Hiện nay pháp luật cho phép nhóm từ 16 tuổi đến 18 tuổi tự đi, nhưng thực tế thì các em dưới 16 tuổi cũng đi rất nhiều.

“Nhóm này thì kiến thức kỹ năng còn thiếu. Thế nhưng họ lại điều khiển phương tiện với tốc độ tương đương tốc độ xe máy của người lớn trong điều kiện giao thông hết sức phức tạp và điều đó đặt ra rủi ro rất lớn cho các em”.

Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương nhìn nhận, sự nguy hiểm nằm ở chỗ, các em học sinh cấp 2, cấp 3 vi phạm quy tắc ATGT như vượt đèn đỏ, kẹp 2, kẹp 3, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn, không đội mũ bảo hiểm, lài xe khi chưa đủ điều kiện, nhưng các em lại không cảm nhận, không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Trái lại, có một số em cho rằng, đây là một trào lưu, mình không đi xe máy, xe điện tốc độ cao thì “lạc hậu”, “lạc loài”.

Lý giải thực tế dù công tác giáo dục, tuyên truyền từ nhà trường những năm nay đã chú ý rất nhiều tới kỹ năng, kiến thức về ATGT cho học sinh, nhưng việc vi phạm vẫn xảy ra nhan nhản, bà Vũ Thu Hương nói, chỉ có nỗ lực từ phía nhà trường là không đủ:

“Bởi vì mẫu hình mà các cháu học hỏi theo chính là cha mẹ. Bản thân cha mẹ khi đưa con đi học thì đi quá nguy hiểm thì các con sẽ học theo và họ không yêu cầu con đội mũ bảo hiểm thì dù con lớn lên cũng sẽ không có ý thức đội mũ bảo hiểm”.

Rõ ràng, nỗi lo “dột từ nóc” trong câu chuyện ATGT cho trẻ em đến trường đang hiện hữu và có thể bắt gặp những ví dụ sinh động ở bất cứ ngã tư nào trên đường phố Thủ đô.

Thiết nghĩ, mỗi vị phụ huynh khi tham gia giao thông, cần ý thức được việc bảo vệ cho bản thân và gia đình an toàn. Đừng để đến khi con em chúng ta ngước lên hỏi, “sao bố mẹ vượt đèn đỏ?”, “Sao bố mẹ không đội mũ bảo hiểm?”, lúc đó, chúng ta mới “sực nhớ” ra vị trí, vai trò là tấm gương để con trẻ soi vào.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan