Quản lý xe vận chuyển khách trá hình: Bao giờ có lời giải?:

Bài 1: Biến tướng gây nhiều hệ lụy

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng liên quan đến xe vận chuyển khách theo hợp đồng; cùng với đó tình hình trật tự, ATGT, đặc biệt là tại các TP cũng đang chịu áp lực ngày càng nghiêm trọng từ những chiếc xe khách trá hình này. Vậy đến bao giờ Bộ GTVT và các địa phương mới tìm ra lời giải cho bài toán quản lý xe hợp đồng?

Năm 2014, khi quy định xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải báo cáo danh sách hành khách về Sở GTVT địa phương trước khi thực hiện chuyến đi được áp dụng, xe khách trá hình bắt đầu nổi lên, dần chiếm lĩnh thị trường. Sau gần 10 năm, những hệ lụy nặng nề mà xe khách trá hình gây nên cho ngành vận tải hành khách và giao thông tại các đô thị lớn đã vô cùng trầm trọng.

Bai 1: Bien tuong gay nhieu he luy - Hinh anh 1
Xe khách trá hình hoạt động ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Công 

Bất lực với xe khách trá hình

Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT đã mắc sai lầm lớn khi đưa ra những quy định tạo nên kẽ hở pháp lý rất lớn, là điều kiện tốt cho xe khách trá hình sinh sôi, xâm chiếm thị trường vận tải hành khách liên tỉnh. Hai trong số những quy định có tính bước ngoặt, làm xô lệch ngành vận tải khách là: Cho phép xe hợp đồng dưới 10 chỗ ngồi không phải báo cáo danh sách khách về Sở GTVT trước khi thực hiện chuyến đi và cho phép xe hoán cải từ 16 chỗ xuống dưới 10 chỗ được vận chuyển khách theo hợp đồng. Hai lỗ hổng này thật trùng khớp, tạo nên cả một đường hầm lớn, đưa xe khách trá hình ồ ạt tiến vào các tỉnh, TP trong gần 10 năm qua, gây nên biết bao hệ lụy nặng nề.

Thời gian đầu, nhiều nhà xe tận dụng xe hoán cải với chi phí đầu tư thấp, xin cấp phù hiệu hợp đồng, đưa đón khách liên tỉnh và chỉ cần một bản hợp đồng khống mang theo, đón khách ở đâu, điền tên tuổi ở đó là có thể ung dung qua mặt lực lượng chức năng. Từ chỗ manh mún mỗi tuyến vài xe, đến nay, sau cả thập kỷ được nuôi dưỡng bằng nguồn lợi nhuận khổng lồ, xe khách trá hình đã phát triển đến hàng vạn chiếc, trải đều khắp các địa phương trong cả nước, đâu đâu cũng thấy xe: VIP, Limousine…

Với lợi thế không phải nộp tiền bến bãi, lách thuế, tiết giảm tối đa chi phí, luồn sâu vào mọi ngóc ngách đón khách, xe khách trá hình đã khiến xe khách liên tỉnh (XKLT) thua về mọi mặt, tàn lụi trên các cung đường ngắn khoảng 100 – 150km. Các cung đường dài vẫn còn XKLT nhưng cũng đang dần bỏ bến kéo nhau ra ngoài lập văn phòng, chạy trá hình.

Phía lực lượng chức năng đã rất nỗ lực xử lý xe khách trá hình trong nhiều năm qua nhưng hiệu quả mang lại rõ ràng là rất nhỏ bé. Khi bắt gặp xe hợp đồng đón trả khách, hầu như chỉ có thể xử phạt lỗi dừng đỗ sai quy định nếu có. Còn căn cứ pháp lý để chứng minh xe hợp đồng nhưng hoạt động như XKLT lại quá yếu ớt, khó áp dụng vào thực tiễn.

Nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Long Biên Nguyễn Quang Lượng cho biết, theo quy định, xe hợp đồng phải có danh sách khách hàng kèm theo điểm đi - điểm đến trong hợp đồng. Nhưng thứ nhất là cơ quan chức năng không nắm được hợp đồng trước khi vận chuyển; thứ hai là DN được phép áp dụng hợp đồng điện tử. Mà hợp đồng điện tử và hình thức đặt vé qua mạng tương tự nhau nên không thể làm rõ vi phạm của nhà xe. “Chỉ cần một bản hợp đồng khống, vài câu trao đổi trước với khách là nhà xe ung dung chạy, không thể xử phạt được” - ông Nguyễn Quang Lượng nói.

Bên cạnh đó, công tác quản lý văn phòng đại diện của nhà xe tại nhiều địa phương gần như bị bỏ ngỏ. Các văn phòng ngang nhiên gom khách, đón khách, nhận hàng suốt ngày đêm nhưng đâu đâu cũng kêu khó, không xử lý nổi, khiến xe khách trá hình trở thành một loại “vua, chúa” trong lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh.

Bai 1: Bien tuong gay nhieu he luy - Hinh anh 2
Những hệ lụy mà xe khách trá hình gây nên cho ngành vận tải hành khách và giao thông tại các đô thị lớn đã vô cùng trầm trọng.

Vận tải khách liên tỉnh sụp đổ

Kể từ khi xe khách trá hình xuất hiện, thị trường vận tải khách liên tỉnh đã xáo trộn dữ dội, nhiều DN làm ăn chân chính bị dồn ép đến sụp đổ hoặc buộc phải cuốn theo cuộc đua lách luật, phá luật để tồn tại. Hầu hết bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội như người bệnh lâu năm dần đuối sức do xe bỏ bến ngày càng nhiều, lượng khách sụt giảm mạnh.

Trong khi đó khắp các tỉnh, TP, đặc biệt là tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… xe khách trá hình nở rộ như nấm sau mưa, quần thảo suốt đêm ngày từ hang cùng ngõ hẻm cho đến đại lộ, phố cấm, bóp nghẹt thị phần của XKLT. Điều đáng buồn là dù lợi dụng lỗ hổng pháp lý, cạnh tranh kiểu chộp giật nhưng xe khách trá hình lại ngày càng khỏe ra, mạnh hơn.

Đơn cử như tại Hà Nội, theo số liệu rà soát của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội hiện nay có khoảng 22 tỉnh, TP có xe hợp đồng thường xuyên vận chuyển khách đến Hà Nội. Có những thương hiệu xe hợp đồng mở đến 4 - 5 văn phòng trong nội thành để đón khách, bốc hàng nhưng tuyến XKLT trùng lộ trình lại bỏ trắng bến.

Ví dụ như nhà xe Hà Lan, vận chuyển khách trên tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, có tới 5 văn phòng tại: 265 Nguyễn Trãi, 180 Trung Kính, 87 Đại Cồ Việt, 48 Võ Chí Công và 47 Trần Khát Chân. Mỗi 30 phút sẽ có một xe di chuyển từ Hà Nội đi Thái Nguyên và ngược lại.

Hay nhà xe X.E Việt Nam có 5 văn phòng đại diện tại Hà Nội là: 71 Trần Nhân Tông, 74 Phố Vọng, ngõ 15 Ngọc Hồi, số 4 Thọ Tháp, 43 Nguyễn Quốc Trị. Nhà xe đón, trả khách ngay tại văn phòng vận chuyển đến 4 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Phú Thọ.

Nhà xe Phúc Xuyên chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh có 3 văn phòng tại: Số 55 Dương Đình Nghệ, 502 Trần Khát Chân và 87 Cổ Linh. Đây cũng là một trong những thương hiệu XKLT một thời là niềm tự hào của người dân “đất mỏ”, chuyên tuyến Mỹ Đình - Quảng Ninh chất lượng cao. Hiện nhà xe này đã gần như bỏ bến, chỉ còn núp bóng xe hợp đồng để hoạt động như XKLT.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng chia sẻ: “Xe khách trá hình hoạt động mạnh nhất trên các tuyến ngắn nhưng dần dần các tuyến dài như Nghệ An, Quảng Bình, Tây Nguyên… cũng đang chuyển dịch từ trong bến ra đường phố đón trả khách”.

Ví dụ như nhà xe Hưng Long, chuyên tuyến Hà Nội - Quảng Bình, lập văn phòng tại 26 Phạm Hùng, mỗi ngày chạy hàng chục lượt, lượng khách và doanh thu ổn định. Nhưng các xe đi trùng tuyến từ bến Nước Ngầm thì lâm cảnh cầm cự, ăn đong.

Xe khách trá hình đã trở thành trào lưu, là con đường kiếm tiền rộng mở đối với nhiều DN, cá nhân. Chỉ cần xin chiếc phù hiệu, làm khống bản danh sách khách theo xe, rồi ung dung hoạt động. Còn những DN vẫn tiếp tục bám trụ trong các bến xe, kinh doanh XKLT đúng quy định thì trầy trật, teo tóp dần.

Lãnh đạo một DN vận tải tại Hà Nội (xin giấu tên) chia sẻ: “Chúng tôi gần như không trụ nổi nữa, nhiều người đã nản lòng bỏ nghề hoặc kéo nhau sang bên kia chiến tuyến, chấp nhận phạm luật để tồn tại. Thị trường vận tải bây giờ là một bức tranh đau xót, người làm đúng chết đói dần, người làm sai ngày càng béo tốt”.

(còn nữa)

 

NGỌC HẢI-PHẠM CÔNG/KTĐT

Tin liên quan