Bài học từ câu chuyện ùn tắc ở cầu Rạch Miễu

 
Chia sẻ

Cầu Rạch Miễu không chỉ kết nối giữa 2 tỉnh Bến Tre và Tiền giang mà còn là công trình mang tính kết nối vùng, góp phần phát triển hạ tầng và kinh tế xã hội của cả khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Do đó, việc sớm có phương án lâu dài để tháo gỡ tình trạng ùn tắc cho khu vực này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trong năm 2019 vừa qua, tình hình ùn tắc tại cầu Rạch Miễu diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2020, từ 28 tháng Chạp đến mùng 5, phương tiện ùn tắc kéo dài mới chịu xả trạm.

Các chủ phương tiện bức xúc khi phải mất hơn 5 giờ để đi qua đoạn đường 10 km nối Tiền Giang và Bến Tre.

Bai hoc tu cau chuyen un tac o cau Rach Mieu  - Hinh anh 1
Ùn tắc giao thông trên cầu Rạch Miễu. Ảnh: Dân Trí
 "Kẹt xe phía Tiền Giang qua Bến Tre nhiều hơn. Nói chung là thứ 7, chủ nhật là kẹt. Tết kẹt còn dữ nữa, 3 tiếng. Cảnh sát phân luồng từng khúc để không kẹt trên cầu thôi, xả trạm cũng vẫn kẹt".

"Nói chung kẹt một đoạn từ vòng xoay đến Trạm thu phí khoảng 4 km. Ví dụ đoạn hẹp thì có CSGT phân luồng, còn những đoạn kia thì tự chen 3-4 hàng. Riết rồi nó kẹt mấy ngày cuối tuần".

"Kẹt xe thế này là thiệt hại kinh tế ghê lắm. Tính ra 1 phút kẹt là biết bao nhiêu tiền của. Cái đó nên làm phà đi. Không ai dại dột lên một cầu cao mà xếp hàng nhích. Tại vì những ai chưa có cảm giác kẹt xe cầu Rạch Miễu chưa biết. Nhìn kim bình xăng lên số mà chóng mặt, tiền đổ xăng dầu qua cầu Rạch Miễu thì nói thật bỏ tiền mua vé qua phà sướng hơn".

Dịp Tết vừa qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 21.000 lượt phương tiện qua trạm, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 25% so với ngày thường. Nguyên nhân do nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi việc xả trạm chỉ khi tình hình giao thông quá phức tạp. Ông Hà Ngọc Nam - Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu cho biết thêm:

"CSGT Bến Tre phối hợp với BOT cầu Rạch Miễu đã phát tờ rơi khuyến cáo các lái xe không nên tập trung vào các giờ cao điểm. Cụ thể từ 15h-17h các ngày cuối tuần và lễ tết. Đơn vị cũng thường xuyên cập nhật tình hình giao thông trên tuyến để VOVGT cập nhật cho lái xe biết tình hình giao thông hiện tại. Khi có ùn tắc xảy ra thì CSGT hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre kết hợp xả trạm nhằm giải phóng lượng xe trên tuyến, giảm thời gian ùn tắc. Đó là giải pháp trong thời gian chờ hoàn thiện hạ tầng giao thông của đồng bằng Sông Cửu Long hoàn thiện".

Bai hoc tu cau chuyen un tac o cau Rach Mieu  - Hinh anh 2
Trạm thu phí BOT Cầu Rạch Miễu xả trạm giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: TTXVN

Theo ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bến Tre, để giảm ùn tắc giao thông cho cầu Rạch Miễu, thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp trước khi hoàn thành phương án cấu Rạch Miễu 2.

"Vừa qua, kế hoạch chung của Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng, gồm có Ban ATGT Tiền Giang, Ban ATGT Bến Tre, công ty BOT cầu Rạch Miễu, VOVGT xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông qua cầu Rạch Miễu. Từ kế hoạch chung này chúng ta tổ chức thực hiện, cụ thể Sở GTVT Bến Tre với Tiền Giang có phương án cụ thể. Phân công trách nhiệm từng vị trí, thời gian. Kênh VOVGT cũng bám sát thông tin kịp thời. Sau khi xây dựng kế hoạch thì tình hình vừa qua công tác phối hợp đảm bảo trật tự ATGT chống ùn tắc cầu Rạch Miễu hiệu quả rất tốt".

Dự kiến, trong năm nay, dự án cầu Rạch Miễu 2 mới được phê duyệt và phải mất ít nhất 3 năm mới hoàn thành. Áp lực quá tải giao thông, kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, chiều 17/1, nhân dịp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đến chúc Tết Ban Giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã đề xuất mở lại bến phà Rạch Miễu để chia áp lực lưu thông qua cầu Rạch Miễu. Ông Trọng khẳng định việc mở lại phà đã trực tiếp trao đổi và nhận được sự đồng thuận của ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

Nếu được chấp thuận, dự án phà Rạch Miễu sẽ triển khai ngay, tổng kinh phí khoảng 100 tỉ đồng. Tỉnh Bến Tre sẵn sàng ứng kinh phí cho chủ đầu tư và nếu không có nhà đầu tư nào làm thì tỉnh sẽ sử dụng ngân sách để thực hiện. Chỉ có giải pháp tình thế này mới cứu nổi kẹt xe cầu Rạch Miễu trong thời gian đợi cầu Rạch Miễu 2.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ. Dù vậy, do bến phà đề xuất không nằm trên quốc lộ, không thuộc thẩm quyền nên việc này tỉnh Bến Tre phải kiến nghị Chính phủ quyết định. Hiện phía 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang chốt phương án và dự kiến sẽ báo cáo lại trong vào giữa tháng 2 này.

Cầu Rạch Miễu 1 từng là kỳ vọng của người dân trong vùng dự án nhưng với thực tiễn hiện nay, nó đã trở nên quá tải. Do đó, những dự án tới, đặc biệt là cầu Rạch Miễu 2 cần mở rộng hơn tầm nhìn quy hoạch, để đảm bảo giao thông cho khu vực.

 Bai hoc tu cau chuyen un tac o cau Rach Mieu  - Hinh anh 3

Cầu Rạch Miễu hiện đang quá tải nên cấp thiết phải đầu tư thêm cầu Rạch Miễu 2

VOV Giao thông là một trong những cơ quan báo chí thời gian qua luôn phối hợp với các đơn vị của Bến Tre và Tiền Giang để thông tin diễn biễn giao thông hàng ngày ở cầu Rạch Miễu.

Qua đó chúng tôi hiểu rõ những ách tắc diễn ra liên tục ở cây cầu này thời gia qua với tần suất ngày càng nhiều; trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với mỗi người dân khi qua cầu, nhất là vào các ngày nghỉ, lễ tết.

Có thể nói, việc xây cầu Rạch Miễu từ năm 2002 đến năm 2009 được đưa vào sử dụng là một nỗ lực rất lớn của Trung ương và tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ. Quyết định xây dựng cây cầu cũng là cả một quá trình khai mở nhận thức và hành động của cả cấp trung ương lẫn địa phương.

Thời điểm đó, có ý kiến, ĐBSCL cần ưu tiên xây các cây cầu nối liền với nhiều tỉnh thay vì cầu Rạch Miễu chỉ phá thế độc đạo cho Bến Tre. Chưa kể, các vấn đề về thủy lợi trong vùng cần được đầu tư cấp bách hơn nhiều.

Chính vì vậy, dù Rạch Miễu được làm theo hình thức BOT nhưng kinh phí ban đầu chỉ được duyệt vay hơn 500 tỷ sau đó mới được nới rộng và quyết toán lên hơn 1.200 tỷ. Kết quả là một cây cầu dây văng lần đầu tiên do các kỹ sư, công nhân người Việt tự thiết kế và thi công được đưa vào sử dụng  trong niềm vui vỡ òa của biết bao thế hệ người dân Bến Tre.

Trong nhiều năm qua, cầu Rạch Miễu đã làm khá tốt nhiệm vụ nối liền Bến Tre với Tiền Giang và các địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng kinh tế, số lượng phương tiện về Bến Tre và các tỉnh ngày một nhiều, cầu Rạch Miễu với thiết kế chỉ có 2 làn xe qua lại, độ dốc lại cao khiến các xe chuyên chở nặng không thể đi nhanh làm cho lưu lượng xe qua cầu vốn hẹp lại chậm chạp, gây ùn tắc nghiêm trọng.

Hiện nay, các đơn vị  có liên quan đang phối hợp với  VOV Giao thông đẩy mạnh việc cung cấp thông tin phân luồng từ xa cho các tài xế, hạn chế các xe có trọng tải lớn qua cầu vào giờ cao điểm; đồng thời thực hiện các yêu cầu” xả trạm” khi lưu lượng xe quá đông. Tuy vậy đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, trong khi cầu Cổ Chiên nối với Trà Vinh đã xong; cầu Đại Ngải nối với Sóc Trăng được xây dựng hoàn thành, lưu lượng xe qua cầu Rạch Miễu chắc chắn sẽ tăng nhiều.

Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu II đã được chấp thuận nhưng nhanh nhất cũng mất 3 năm mới hoàn thành. Riêng ý tưởng cho khôi phục lại phà cũ để chống ùn tắc là khó khả thi; bởi với số vốn 100 tỷ đầu tư bến bãi, rồi chi phí vận hành tốn kém. Muốn đưa phà hoạt động trở lại cần giải đáp được câu hỏi, liệu lái xe và hành khách có ủng hộ, hay lại đìu hiu, thu không đủ chi?

Do vậy, vấn đề cần thiết lúc này là các bên liên quan cần tiếp tục tìm các biện pháp phân luồng, phân làn hợp lý, căn cơ để các chủ phương tiện cùng chia sẻ, tránh tập trung vào một thời điểm; đồng thời thực hiện hàng loạt các biện pháp giảm tải khác cho cây cầu…

Từ câu chuyện bất cập trong xây dựng cầu Rạch Miễu bộc lộ hiện nay khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc cho thấy, do nguồn lực hạn chế cách đầu tư theo kiểu” giật gấu vá vai”, chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt mà không tính đến tầm nhìn lâu dài sẽ khiến nhiều công trình giao thông sớm trở nên quá tải, phải khắc phục dài dài.

Đây sẽ là bài học mà các cấp, các ngành trong cả nước cần rút ra trong thời gian tới khi xây dựng các công trình giao thông mang tính trọng điểm, động lực./.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan