Văn hóa là gốc của xã hội văn minh
Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh, tiến bộ. Theo nghĩa chung nhất, văn hóa là những cốt lõi, tinh hoa về mặt tinh thần của một cộng đồng dân cư hay của một dân tộc. Cùng với sự phát triển và tiến bộ của văn minh nhân loại, khái niệm văn hóa ngày càng được mở rộng sang mọi mặt của đời sống xã hội và được sử dụng trên nhiều lĩnh vực như: ẩm thực, du lịch, tâm linh…, trong đó có cả giao thông.
Theo Uỷ ban ATGT quốc gia, “VHGT được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng VHGT nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.
|
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội , Tiến sĩ Vũ Hồng Trường phát biểu tại Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững.
|
Khái niệm VHGT có thể tóm tắt ở bốn điểm chính. Một là nhận thức của người tham gia giao thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của giao thông, những tác động của nó đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường.
Hai là VHGT được đánh giá thông qua tính tự giác, nghiêm chỉnh, nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông, chấp hành những quy định về tiêu chuẩn của phương tiện, điều kiện của của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông…. Đặc biệt khi sử dụng phương tiện công cộng phải biết nhường nhịn những người yếu thế, không vứt rác bừa bãi, không gây tiếng ồn, thân thiện với nhân viên phục vụ và hành khách đi cùng…
Ba là có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông thể hiện qua việc nghiêm khắc với những người vi phạm luật lệ giao thông. Ngược lại luôn giữ thái độ thân thiện, nhường nhịn mọi người tại các điểm ùn tắc, nút giao thông; không sử dụng vỉa hè làm nơi để di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Bốn là đỉnh cao của VHGT chính là việc người dân có ý thức bảo vệ lợi ích của cộng đồng thông qua hành vi lựa chọn phương tiện đi lại hàng ngày. Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân chiếm dụng lòng đường nhiều, gây ô nhiễm, nguy cơ tai nạn giao thông để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng vì sự phát triển bền vững của đô thị.
Thay đổi nhận thức
Văn hóa nói chung và VHGT nói riêng không phải là một điểm đến mà là một quá trình liên tục, không có điểm kết thúc. Để VHGT thực sự là một nét đẹp của Thủ đô, đội ngũ các nhà làm báo cần phát huy hơn nữa vai trò của mình. Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, khó khăn, thách thức của giao thông đô thị đối với một nước đang phát triển có tốc độ đô thị hóa nhanh và xe máy đang là phương tiện đi lại chủ yếu như Việt Nam hiện nay.
Giữ vai trò chủ đạo trong định hướng dư luận hiểu rõ về những lợi ích to lớn cho việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng nhất là những loại phương tiện nhanh, khối lớn, thân thiện môi trường như ĐSĐT.
Nghiêm khắc phê phán những hành động chưa đẹp, thiếu văn hóa trong tham gia giao thông và tôn vinh những hình ảnh, hành động đẹp của người tham gia giao thông. Làm được điều này, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, Hà Nội sẽ ngày càng văn minh hơn, xứng đáng là Thủ đô “Ngàn năm văn hiến”.
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng tích cực, chuyển dịch từ sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự.
Để có được kết quả trên không thể không nói đến vai trò của các cơ quan báo chí T.Ư và TP Hà Nội đã luôn đồng hành với Hà Nội Metro. Báo chí, truyền thông đã chia sẻ chia sẻ khó khăn ban đầu, tuyên truyền về những lợi ích của ĐSĐT, khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Hà Nội Metro.
Với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, báo chí, truyền thông đã trở thành nhân tố quan trọng góp phần làm thay đổi thói quen đi lại và tạo dựng VHGT cho hành khách.