Bao giờ hết... tắc!

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Khi nhịp sống Thủ đô trở lại bình thường sau thời gian giãn cách xã hội, đường phố Hà Nội tiếp tục rơi vào tình trạng quen thuộc, tắc, tắc và... tắc.

Tuy đã sang Hè, nhưng sáng thứ Hai của hai tuần liên tiếp gần đây, Hà Nội đón đợt không khí lạnh, trời đổ mưa dầm dề, khiến các ngả đường từ ngoại ô vào trung tâm như Nguyễn Trãi – Hà Đông, Lê Văn Lương – Tố Hữu, Đại lộ Thăng Long – Trần Duy Hưng, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Võ Nguyên Giáp – Võ Chí Công, Giải Phóng – Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ - Chương Dương… ùn tắc nghiêm trọng.
Những tưởng tuần đầu tiên hết cách ly, người dân đổ xô ra đường nên mới tắc, nhưng không phải vậy. Đã nhiều ngày trôi qua, hễ vào giờ cao điểm, giao thông nội đô đều rơi vào tình trạng tê liệt. Trên các tuyến đường lớn như Nguyễn Trãi – Hà Đông, Giải Phóng – Đại Cồ Việt… hai chiều đường ken đặc ô tô, còn xe máy thi nhau len lỏi trước “rừng xế hộp”. Tại tuyến BRT Yên Nghĩa – Cát Linh, các phương tiện đua nhau nhồi chặt đường ưu tiên, khiến buýt nhanh cũng “chết cứng”. Xe lớn, xe bé tranh giành nhau từng centimet đường, nhích từng bước, tốc độ còn chậm hơn rùa bò!
Hiện nay, mỗi khi ra đường, chỉ cần thấy phía trước có dấu hiệu ùn tắc, mỗi người tham gia giao thông lại hình thành hàng chục “phương án thoát thân”. Trong đó người đi xe máy nghĩ ngay đến việc luồn lách nhoi lên cho bằng được. Nếu thấy không ổn, sẵn sàng phi xe lên vỉa hè, lao vào đường ưu tiên, bí quá thì… quay đầu cho tiện. Với ô tô (luồn lách không phải lợi thế) phải còi thật to, “đá” pha liên tục. Có cơ hội, không ít tài xế còn sẵn sàng áp dụng “lối đi của tôm” (giật lùi), thậm chí lao vào đường ngược chiều, chỉ nhằm mục tiêu... thoát tắc!
Trong những năm qua, phương tiện cá nhân đã tăng với tốc độ phi mã, nhưng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy ùn tắc vào giờ cao điểm là khó tránh khỏi. Khi tham gia giao thông, nếu ai cũng “nhường bước cho nhau”, chắc hẳn, tình trạng ách tắc không đến mức như hiện nay.

Trực Nguyên

Tin liên quan