Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đặt vấn đề có thể điều chỉnh quy định mua bảo hiểm xe máy theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc như hiện nay.
Theo bà Lê Thị Song An, cử tri và nhân dân phản ánh, thời gian qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3, đặc biệt là xe máy còn mang tính hình thức. Nhiều trường hợp mua, bán bảo hiểm trên vỉa hè, lề đường, giấy chứng nhận bảo hiểm viết tay khó cất giữ, bảo quản.
Khi xảy ra sự cố, công tác thanh quyết toán phức tạp, mức bồi thường thấp khiến người mua bảo hiểm rất phiền hà khi đề nghị chi trả nên chỉ làm thủ tục khi có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có thể số hóa được loại bảo hiểm này không? Và có thể thay đổi quy định hiện nay theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc hay không?
"Thời gian tới có thể điều chỉnh quy định hiện hành theo hướng triển khai sản phẩm tự nguyện thay vì bắt buộc như hiện nay" - đại biểu Lê Thị Song An đặt vấn đề.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian vừa qua, tai nạn xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân.
Thêm vào đó, người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp ít (55.000 đồng/năm), nhưng số tiền hưởng nhiều, lên tới tối đa 150 triệu đồng/người. Tức là việc này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy.
Khi chi trả, chỉ trường hợp chết người mới cần hồ sơ công an gửi sang, còn các trường hợp khác thì được đền bù thông qua các hồ sơ hai bên thiết lập bằng điện tử.
Về việc số hóa, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung làm cơ sở dữ liệu, số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với xu thế trong tương lai. Đồng thời, thiết lập hồ sơ, gửi hồ sơ qua điện tử.
Liên quan đến nội dung này, trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy nên để người dân tự giác chứ không nên bắt buộc. Theo ông Phạm Văn Hoà, "như vậy mới sòng phẳng" đồng thời cho rằng chỉ nên quy định bắt buộc mua bảo hiểm trong danh mục bắt buộc.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho hay, qua tiếp xúc cử tri, nhiều chủ sở hữu xe máy phản ứng và phản ánh nhiều liên quan tới quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
"Số tiền bỏ ra để mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy chỉ có mấy chục nghìn đồng thôi, không phải là nhiều nhưng hàng triệu chiếc xe máy đó thì lại biết bao nhiêu tiền.
Tôi đề nghị nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, bởi vì điều này rất hình thức và chỉ có lợi cho cơ quan bảo hiểm chứ người dân thì thấy thủ tục để hưởng bảo hiểm thường rất rườm rà, nhiêu khê" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, "bỏ hay giữ" việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với người sở hữu xe mô tô, xe máy, cần có sự rà soát cụ thể. Bởi tất cả chính sách phải xuất phát từ nhu cầu thực tế.
"Tôi cho rằng, phải rà soát xem trong thời gian qua, chúng ta quy định bắt buộc như thế thì hiệu quả của việc này đến đâu. Một ngày, có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, số phương tiện bị hư hỏng nhiều thì trong đó giải quyết, hỗ trợ được bao nhiêu vụ" - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.