Nhiều nguy cơ gây mất an toàn
Mọi người đều dễ dàng nhận thấy những ưu điểm của xe đạp điện, xe máy điện. Loại phương tiện này có giá cả hợp lý, trọng lượng nhẹ, vận tốc tối đa từ 25km/h đến dưới 50km/h, sử dụng tiện lợi và dễ điều khiển... Do vậy, loại phương tiện này được nhiều người ưa chuộng, trong đó người sử dụng phần lớn là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thế nhưng, về cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện lại có rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho chính người điều khiển.
|
Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý một trường hợp vi phạm khi đi xe đạp điện. |
Theo Trung úy Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội), trong quá trình lưu thông, xe đạp điện, xe máy điện phát ra tiếng động rất nhỏ. Do đó, các phương tiện khác rất khó phát hiện, dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách. Bên cạnh đó, hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu; còi, đèn xi nhan yếu nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người sử dụng không cảnh giác. “Xe máy điện được trang bị các thiết bị an toàn tốt hơn, có vận tốc cao hơn xe đạp điện. Tuy nhiên, độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên cũng rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông ở tốc độ cao”, Trung úy Nguyễn Mạnh Tuấn nói.
Bên cạnh những nhược điểm về cấu tạo của xe, ý thức bảo đảm an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện cũng còn hạn chế. Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố) cho biết, người điều khiển xe đạp điện phải có sự hiểu biết về an toàn và phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đối với xe máy điện, ngoài những quy tắc trên, người điều khiển phải trên 16 tuổi và có mang theo các loại giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng loại xe này là học sinh, nhưng chưa nắm rõ và thực hiện các quy tắc này.
Em Nguyễn Hồng Ngọc (17 tuổi, trú ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) thừa nhận, dù đã sử dụng xe đạp điện để đi học được hơn 2 năm nhưng chưa từng tìm hiểu các quy định về trật tự an toàn giao thông. Cô giáo Mai Thị Trang (Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhiều phụ huynh giao xe cho con nhưng ít khi giám sát hoặc nhắc nhở con chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bởi vậy, không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường… Ông Đỗ Mạnh Tuấn (ngõ 20, Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân) cho biết: "Tôi không ít lần suýt gặp tai nạn vì người điều khiển xe máy điện đi từ các ngõ ra nhưng thiếu quan sát...".
Về nguyên nhân của tình trạng trên, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho rằng, do chưa có quy định người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện buộc phải thi sát hạch, có giấy phép lái xe, nên hiểu biết về an toàn và kinh nghiệm tham gia giao thông còn hạn chế...
Tăng cường xử lý vi phạm
|
Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tại Hà Nội. |
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, xử lý gần 7.000 trường hợp đi xe đạp điện, xe máy điện, nhưng số lượng xe bị tạm giữ chỉ khoảng 120 phương tiện.
Trung tá Vũ Văn Hoài cho biết, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khi người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông còn nhiều trở ngại. Trong đó, mặc dù đã có quy định nhưng nhiều xe máy điện không được chủ sở hữu đăng ký, gắn biển kiểm soát, gây khó khăn khi xử phạt. Ngoài ra, người vi phạm phần nhiều là học sinh nên xử phạt bằng tiền rất khó và lực lượng cảnh sát giao thông thường chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo, tuyên truyền, nhắc nhở.
Để giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn khi học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 77/BATGT-VP ngày 24-7-2019 về tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Trong đó yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và gia đình trong công tác quản lý, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm quy định về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Bên cạnh đó, theo Thượng tá Phạm Văn Hậu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trước thềm năm học mới, đơn vị sẽ tăng cường triển khai xử lý nghiêm người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định, trong đó tập trung vào lỗi không đội mũ bảo hiểm. Với những trường hợp học sinh vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ tổng hợp thông tin và chuyển đến nơi các em theo học, đề nghị nhà trường có hình thức xử lý, theo dõi không để tái phạm.
Để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng khuyến cáo, người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, đặc biệt với học sinh, cần chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, người điều khiển phương tiện phải luôn tập trung khi lưu thông; không chở quá số người quy định; không di chuyển với tốc độ cao; phải đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, cài quai đúng quy cách.