Biến chính sách đặc thù thành nguồn lực của đường sắt đô thị

NGỌC HẢI
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc cần làm lúc này là hai TP phải có kế hoạch cụ thể đưa chính sách vào thực tế, biến thành nguồn lực thiết thực, mạnh mẽ cho ĐSĐT.

Lập quy hoạch chi tiết

Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, ngày 19/2 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 6 nhóm chính sách cơ bản.

“Đây là bản lề, là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để các dự án ĐSĐT vượt qua khó khăn, nhanh chóng triển khai, đảm bảo thực hiện mục tiêu lớn hoàn thiện toàn bộ hệ thống ĐSĐT, cũng như xây dựng các khu vực đô thị TOD, góp phần tái thiết đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” - ông Nguyễn Cao Minh nói.

Vị Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội thông tin thêm, sau khi được Quốc hội thông qua và ra Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, Hà Nội còn phải bắt tay vào lên kế hoạch, thí điểm triển khai, rút kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng, 6 nhóm cơ chế, chính sách tại Nghị quyết đã tổng hợp toàn diện các giải pháp cho ĐSĐT trong hiện tại và tương lai. Trong đó điều cần làm ngay lập quy hoạch chi tiết các khu vực đô thị có ĐSĐT và định hướng phát triển theo mô hình TOD.

“Quy hoạch hợp lý để tối ưu hóa việc sử dụng đất và tăng cường kết nối giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và hành khách sử dụng dịch vụ. Đồng thời để có cơ sở lên kế hoạch khai thác giá trị đất. Thu và sử dụng 100% các khoản thu từ diện tích sàn xây dựng tăng thêm; khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD. Sử dụng nguồn thu này để tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các dịch vụ công cộng” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Một chính sách khác cần cụ thể hóa ngay là đơn giản hóa thủ tục, trình tự chuẩn bị đầu tư đối với các dự án ĐSĐT. Theo Nghị quyết mới, phân cấp quản lý cho UBND TP Hà Nội quyết định tổ chức thi tuyển kiến trúc đối với các công trình cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan đô thị. Cho phép ngay việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án mà không cần phải qua thủ tục lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư. Điều này giúp rút ngắn rất nhiều thời gian và giảm thủ tục hành chính.

Bien chinh sach dac thu thanh nguon luc cua duong sat do thi - Hinh anh 1
Triển khai hiệu quả những chính sách đặc thù, đẩy nhanh tiến độ dự án ĐSĐT, góp phần phát triển đô thị xanh, bền vững.
Về chính sách huy động, bố trí vốn đầu tư, ông Nguyễn Cao Minh cho biết, Nghị quyết đã cho phép Hà Nội sử dụng ngân sách địa phương để cân đối và bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như hàng năm từ ngân sách địa phương. Dựa trên Đề án phát triển tổng thể ĐSĐT Thủ đô và thực tế, cần có kịch bản phân bổ để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các nguồn vốn, bao gồm cả vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho vay lại và vốn trái phiếu chính quyền địa phương; vốn vay ODA.

Ngoài ra TP cần xây dựng kế hoạch chi tiết về từng bước triển khai các dự án ĐSĐT, từ giai đoạn chuẩn bị đến thực hiện và vận hành. Cập nhật và điều chỉnh kế hoạch kịp thời dựa trên kết quả đánh giá. Hợp tác với các tổ chức tư vấn, chuyên gia trong và ngoài nước để nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn trong quá trình triển khai các dự án. Ông Lê Trung Hiếu nhận định: “Các biện pháp chi tiết này sẽ giúp Hà Nội triển khai hiệu quả những chính sách đặc thù, đẩy nhanh tiến độ dự án ĐSĐT và góp phần phát triển đô thị xanh, bền vững”.

Thí điểm để hoàn thiện chính sách

Một chuyên gia về ĐSĐT, Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho ĐSĐT, nhưng để đưa vào thực tế, phát huy hiệu quả tối đa cần có thời gian thí điểm để rút ra kinh nghiệm, điều chỉnh và cập nhật.

“Tôi cho rằng Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh cần 2 - 3 năm để cụ thể hóa chính sách đặc thù. Đó vừa là khoảng thời gian để các cơ quan liên quan làm quen, nắm chắc các quy định pháp lý, vừa là giai đoạn thí điểm, thử nghiệm nhằm bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp và hữu dụng nhất” - ông Phan Hữu Duy Quốc nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng Hà Nội nên chọn một dự án ĐSĐT cụ thể để thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách mới. Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc cho rằng: “Phù hợp nhất để thí điểm các chính sách đặc thù là tuyến ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Hà Nội nên chọn tuyến này để vận dụng ngay các quy định pháp lý mới”.

Với nhóm chính sách về chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc nhận định, kỹ sư Việt Nam tiếp thu nhanh và rất cầu thị. Tuy nhiên, kinh nghiệm và năng lực “thực chiến” là thứ cần thời gian và trải nghiệm. Do đó, trong vài năm tới, việc tận dụng năng lực và kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài, đặc biệt là trong khâu thiết kế và quản lý dự án, là điều vô cùng quan trọng cần phải được làm tốt.

Ngoài ra, để có một nguồn lực rất lớn tham gia xây dựng và vận hành các dự án ĐSĐT trong thời gian tới, hai TP: Hà Nội và Hồ Chí Minh cần chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, có chính sách thu hút, khuyến khích các chuyên gia, các kỹ sư giàu kinh nghiệm ở nước ngoài trở về Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư có trọng điểm cho các cơ quan nghiên cứu, để dần dần “nội địa hóa” nguồn nhân lực, cũng như tiến dần đến sự tự chủ về công nghệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành Xây dựng, Giao thông cũng cần chủ động hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm và sẵn sàng đón nhận thử thách rất lớn khi tham gia các dự án đường sắt đô thị.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, cần có những quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm rõ ràng đối với các đối tác nước ngoài trong chuyển giao công nghệ. “Chuyển giao phải có hiệu quả, nhân lực nội địa phải tiếp thu đầy đủ công nghệ, kiến thức và làm được việc mới trả tiền cho đối tác. Không thể chuyển giao công nghệ theo kiểu làm tròn vai, hết thời gian, hết khối lượng thì thôi” - ông Phan Trường Thành nói.

Có thể thấy, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là bước tiến vô cùng quan trọng. Và việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đó, triển khai vào thực tế còn quan trọng hơn nữa. Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tiếp nguồn lực chính sách, giờ là lúc Hà Nội phải tăng tốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng mạng lưới ĐSĐT Thủ đô theo đúng mục tiêu đề ra.

Tin liên quan

https://portal.adbro.me/publishers/0fb2a970-b322-45d8-8ab2-530540d840b4/sites/57721325-de31-4891-b821-00d0d5d4883b/codes/