Biến đường phố thành sân khấu: Nở rộ trào lưu nguy hại

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhóm trẻ em dàn đội hình nhảy múa khi qua đường. Điều này khiến dư luận dậy sóng vì những nguy hiểm tiềm ẩn trong hành động của trẻ và đặt câu hỏi về trách nhiệm của người lớn.

Đánh đổi an toàn vì... facebook?

Những ngày gần đây, các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip quay lại cảnh nhóm 5 em nhỏ vừa nhảy múa, vừa băng qua phần đường dành cho người đi bộ . Trong khi đó, các hướng giao thông khác, phương tiện vẫn di chuyển tấp nập. Tuy nhiên, không ai can ngăn hành vi này mà vẫn tiếp tục quay clip lại. 

Hành động nhảy múa băng qua đường dành cho người đi bộ bị nhiều người lên án vì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho chính các em lẫn người đi đường.

Bien duong pho thanh san khau: No ro trao luu nguy hai - Hinh anh 1
Nhóm trẻ em nhảy khi qua đường ngay nút giao thông. Ảnh: Mạng xã hội

Đây không phải là lần đầu xuất hiện tình trạng biểu diễn dưới lòng đường được đăng tải trên mạng xã hội. Các đối tượng tham gia trào lưu này đa dạng ở nhiều độ tuổi, từ trung niên đến thanh niên và hiện đã lan đến đối tượng thiếu niên.

TS tâm lý học Bùi Thị Hồng Minh cho biết: “Đa phần các clip được quay để đăng lên mạng xã hội với mục đích truyền thông, câu view, câu like… Phân tích từ góc độ tâm lý, đây là hiện tượng a dua, hành động theo đám đông, bắt chước người khác mà không để tâm đến ảnh hưởng, hệ quả của nó. Hành vi này ảnh hưởng đến chính sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân tham gia và những người xung quanh, kể cả trên mạng xã hội”.

Sức lan toả của các hành vi này rất lớn, đặc biệt khi được đăng tải lên mạng xã hội. Ảnh hưởng từ các clip không chỉ tới một vài người mà rất nhiều đối tượng sẽ học theo và có hành vi nguy hiểm tương tự.

“Khi gặp các hành động như nhảy múa trên phần đường dành cho người đi bộ, dưới lòng đường… cần đặt câu hỏi về ý nghĩa và mục đích của hành động. Thường thì các hành vi này chỉ phục vụ mục đích một số cá nhân, tuy nhiên sẽ để lại ảnh hưởng không tốt tới an toàn giao thông, trật tự đô thị tại khu vực và lan toả các hình ảnh xấu” - TS tâm lý học Bùi Thị Hồng Minh chia sẻ.

Dù là với mục đích gì nhưng những hành vi nhảy múa trên đường đều gây ra sự phản cảm, đặc biệt khi đối tượng tham gia là trẻ em - nhóm đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông.

Chị Hoàng Minh Ngọc (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy vẫn có nhiều người cho rằng hiện tượng nhảy múa trên đường là hay, độc đáo. Với sự ủng hộ này, sẽ khiến bắt chước làm theo, đặc biệt là trẻ em. Các cháu học theo các hành động đó mà không biết mức độ nguy hiểm, vô hình chung sẽ gây ra các vi phạm liên quan đến pháp luật và ảnh hưởng tính mạng”. 

Trong video 5 em nhỏ nhảy múa băng qua đường, vẫn có những người ủng hộ vì di chuyển trong thời gian cho phép dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, các bạn nhỏ sẽ rất dễ gặp nguy hiểm nếu không chú ý tín hiệu đèn giao thông, các phương tiện di chuyển theo đúng luật.  Việc nhảy múa trên phần đường dành cho người đi bộ cũng gây cản trở di chuyển của người sang đường đúng quy định. 

Các bậc phụ huynh ở đâu?

Đặc điểm tâm lý học của đối tượng thiếu niên hiện nay là rất thích các hoạt động xã hội. Đặc biệt khi nhân cách các em đang trong giai đoạn hình thành và rất dễ học theo các hành động tự cho là đúng. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan để tuyên truyền, giáo dục các em học sinh không thực hiện các hành vi nguy hiểm như trên.

Thạc sĩ Tạ Đức Giang chia sẻ: “Với tôi, các hành vi nhảy múa trên đường phải hết sức phản đối và mong là các bạn trẻ không học theo, bắt chước thực hiện các hành vi này. Bởi hành vi này tiềm ẩn nguy cơ cao gây nguy hiểm cho chính người thực hiện và những người tham gia giao thông khác”. 

Nhà trường và các bậc phụ huynh cần phối hợp để quản lý, giáo dục các em học sinh không thực hiện các hành vi nguy hiểm như trên. Nhảy múa, vũ đạo là bộ môn thể dục thể thao rất tích cực, tuy nhiên cần lựa chọn địa điểm phù hợp để vận động. Các bạn trẻ có thể lựa chọn các khu vực câu lạc bộ, sân trường…  có không gian đảm bảo an toàn để hoạt động.

TS tâm lý học Bùi Thị Hồng Minh nhấn mạnh: “Trong quan điểm giáo dục hiện nay, những người lớn xung quanh trẻ cần phải có sự chuẩn mực để dạy cho trẻ những điều đúng. Clip nếu được quay lại bởi chính các bạn trẻ, không có sự giám sát của người lớn đã rất nguy hiểm. Còn nếu có sự hỗ trợ của người lớn thì hành vi này rất đáng báo động khi cho trẻ em nhảy múa trong không gian không đảm bảo an toàn giao thông”.

Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nếu gia đình và nhà trường không phối hợp, quản lý thì sẽ rất dễ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí là tai nạn đáng tiếc. 

Lực lượng chức năng cần vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về đảm bảo an toàn giao thông. Thậm chí cần phải có sự xử phạt thích đáng với trường hợp người lớn, người chịu trách nhiệm quản lý để xảy ra các hành vi nguy hiểm. 

Các nội dung đăng tải lên mạng xã hội cũng cần được kiểm duyệt chặt chẽ hơn để giáo dục đúng cho trẻ em, không cổ vũ, không lan toả các hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đồng thời, nếu có vi phạm, lực lượng chức năng đưa thông tin về nhà trường, phụ huynh để phối hợp quản lý con em, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Theo quy định pháp luật, đường bộ là công trình được sử dụng cho mục đích bảo đảm lưu thông cho các phương tiện, người tham gia giao thông. Các hoạt động khác như văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội, biểu diễn… trên đường bộ được tổ chức rất hạn chế và chỉ được thực hiện sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Nếu hành vi ảnh hưởng đến trật tự giao thông, trật tự đô thị như sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để thực hiện các hoạt động gây cản trở giao thông đường bộ có thể bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Tin liên quan