Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Luật Kiến trúc có 5 chương với 41 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Để triển khai thi hành Luật Kiến trúc kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc về tiêu chí, phân loại các công trình có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc nông thôn; sát hạch hành nghề kiến trúc...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật (2 văn bản): Thông tư quy định chi tiết hồ sơ thiết kế kiến trúc; Thông tư quy định về mẫu chứng chỉ hành nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trong cả nước; xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại Hội thảo, đại diện Vụ pháp chế (Bộ Xây dựng) và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá: Dự thảo Nghị định cơ bản đúng theo quy định của Chính phủ tuy nhiên cần cụ thể, chi tiết hơn một số nội dung, giải thích rõ một số từ ngữ mang tính chuyên môn. Tại Điều 14 “Nội dung Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn” được các đại biểu đánh giá cao.
Đại diện Viện Kiến trúc quốc gia và đại diện Hội Kiến trúc sư tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Điều 4 “Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị” bảo vệ các công trình có giá trị nhưng chưa được xếp hạng.
Đối với Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn nên cụ thể ở cụm dân cư, xã đặc biệt là những nơi có kiến trúc đặc trưng cho các vùng miền.
|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh: “Nghị định là văn bản có tính pháp lý, là công cụ để quản lý và thực hiện Luật Kiến trúc. Trước tình hình phát triển kiến trúc đang rất cần đến các công cụ pháp lý để quản lý và phát huy tính sáng tạo của kiến trúc sư. Chúng ta phải thận trọng, khẩn trương để xây dựng các công trình kiến trúc, nâng cao dân trí, trình độ quản lý ở các cấp độ. Nghị định cần đề cập phân cấp trách nhiệm cho các địa phương.
Đối với quy chế quản lý kiến trúc, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn lưu ý quy chế phải được diễn giải bằng bản vẽ và thi tuyển phương án kiến trúc. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị, cần khắc phục tiêu chí trong thi tuyển đảm bảo sự minh bạch, quyền lợi của kiến trúc sư.
Đối với việc sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề cần nghiên cứu cấp trực tuyến giảm thiểu các thủ tục hành chính bằng cách áp dụng kỹ thuật công nghệ số.
Kết thúc Hội thảo, đại diện Ban biên soạn Nghị định cam kết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các Cục, Viện, tổ chức có liên quan đến dự thảo Nghị định để chỉnh sửa, bổ sung các đề xuất đầy đủ và hợp lý hơn cho các lần thảo luận kế tiếp.