TS Phan Lê Bình
|
TS Phan Lê Bình - chuyên gia cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có những phân tích cụ thể với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.
Phân biệt giữa "mong muốn" và "nhu cầu thực tế"
Thời gian gần đây, với lý do phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều tỉnh, TP ồ ạt đề xuất được xây sân bay. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng đặc biệt này?
- Đầu tiên phải phân biệt rõ ràng giữa “mong muốn” và “nhu cầu thực tế”. Nếu nói về mong muốn thì đương nhiên tỉnh nào cũng đều muốn có sân bay. Nó giống như việc các cá nhân muốn sở hữu ô tô vậy. Giờ hỏi bất cứ người nào muốn mua ô tô không, đương nhiên ai cũng trả lời là có. Vấn đề nằm ở chỗ không phải ai cũng có điều kiện để mua ô tô và không phải ai cũng có nhu cầu buộc phải cần đến ô tô. Tôi cho rằng việc các địa phương muốn xây dựng sân bay cũng giống như vậy.
Thế nên, việc nhiều tỉnh, TP cùng đề xuất được xây sân bay trong thời gian qua có phần dễ hiểu. Chỉ có điều, địa phương đề xuất nhưng chấp nhận đề xuất đó hay không lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hoạt động kinh tế - xã hội và dân số của tỉnh đó.
Vậy theo ông, đâu là tiêu chí quan trọng nhất để chấp thuận đề xuất xây sân bay của các địa phương khi mà tỉnh, TP nào cũng muốn có sân bay như nhau?
- Như tôi nói ở trên, khác biệt nằm ở “nhu cầu thực tế” của các địa phương. Tức là căn cứ vào tình hình thực tế của từng tỉnh, TP, nếu thật sự buộc phải có sân bay để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình thì mới nên đề xuất xây sân bay. Bởi nhu cầu thực tế này nó sẽ tác động trực tiếp đến công suất khai thác của sân bay đó. Cũng giống như bến xe, bến tàu, nhà ga, cảng biển... sân bay xây xong phải có máy bay hoạt động, đến và đi. Điều này lại tùy thuộc vào nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân địa phương, vào lượng khách du lịch đến đó... Sân bay xây xong mà mỗi ngày chỉ có hai ba chục khách thì rất lãng phí. Bản thân các hãng hàng không cũng chẳng hãng nào muốn khai thác đường bay với lượng khách ít như thế, bởi sẽ lỗ khi vận hành.
Đương nhiên, khi đề xuất xây sân bay, địa phương nào cũng đưa ra lý do cần có để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với cơ quan Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét và phê duyệt đề xuất của các địa phương phải căn cứ vào “nhu cầu thực tế” của từng địa phương. Tỉnh, TP nào trình bày thuyết phục và cam kết được về mức độ sử dụng mới có ý nghĩa, chứ còn cứ nói chung chung rằng, xây dựng sân bay để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội thì ai mà chả nói được.
Xem xét dựa trên quy hoạch chung
Nếu nói “nhu cầu thực tế” là tiêu chí quan trọng thì đâu là cơ sở để đánh giá, thưa ông?
- Trước tiên, đề xuất đó phải được xem xét dựa trên quy hoạch cảng hàng không của cả nước. Việc xây sân bay đó phải chính đáng khi nhu cầu thật sự cần. Hiện nay, quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Quy hoạch này được lập dựa trên những cơ sở, phân tích rất chi tiết, khoa học về nhu cầu đi lại bằng máy bay của từng địa phương. Trong đó quan trọng nhất là những phân tích định lượng về nhu cầu giao thông.
Từ những phân tích định lượng này mới tính ra được nhu cầu bao nhiêu khách mỗi năm ở từng địa phương. Do đó, địa phương nào có “nhu cầu thực tế” xây sân bay hoàn toàn có thể xác định được qua những phân tích định lượng này. Các địa phương đưa ra đề xuất nếu chỉ căn cứ theo nhu cầu mang tích duy ý chí mà không có con số cụ thể nào rất khó để được chấp thuận.
Việc các địa phương ồ ạt xin xây sân bay trong thời gian gần đây gợi nhớ lại câu chuyện quy hoạch cảng biển cách đây chừng mươi năm. Theo ông, liệu bài học lãng phí tại nhiều cảng biển trước đây có lặp lại?
- Cũng giống như cảng biển, đầu tư xây dựng một sân bay rất tốn kém, thậm chí làm một sân bay còn tốn kém hơn. Đầu tiên về quỹ đất. Một sân bay xây nên cần diện tích đất tương đối lớn. Thứ hai là vốn đầu tư để xây dựng một sân bay cũng không hề nhỏ. Nhưng quan trọng nhất, sau khi sân bay xây xong, đưa vào sử dụng, dù hoạt động như thế nào, lượng hành khách bao nhiêu cũng phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng.
Nếu không chẳng mấy chốc hạ tầng đầu tư của sân bay đó sẽ xuống cấp, hư hỏng và đương nhiên sẽ gây ra lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Cần nhớ rằng gần như toàn bộ sân bay hiện có ở nước ta đều được đầu tư xây dựng bằng ngân sách, mà ngân sách chính là tiền thuế của Nhân dân mà ra. Do đó, nếu một sân bay xây nên không được khai thác hết tiềm năng sẽ gây ra lãng phí kép.
Cho nên, việc xây dựng sân bay sẽ song hành với việc phát triển kinh tế của địa phương, khu vực và việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của hàng không thời gian hoàn vốn dài. Nếu không tính toán kỹ sẽ đi theo vết xe đổ của một số địa phương khi phát triển xây dựng cảng biển đã không đạt hiệu thời gian qua. Tôi cho rằng, đẩy mạnh hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải xây dựng và mở rộng thêm các sân bay nội địa, bởi với các sân bay quốc tế như hiện nay đã tạm đủ, còn vận chuyển nội địa có thể phát triển theo hình thức khác.
Tỉnh, TP nào không có sân bay, muốn đi đâu đó có thể di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa đi đến các tỉnh đã có sẵn sân bay. Đây cũng là một giải pháp không tồi, nhất là khi trong bối cảnh hệ thống đường bộ của chúng ta đang được đầu tư nhiều và ngày càng hiện đại, hoàn thiện. Việc xây dựng sây bay chỉ nên xem xét với những điện phương có nhu cầu sử dụng cao như có lượng khách du lịch lớn.
Có ý kiến cho rằng, đề xuất xây sân bay của các địa phương đang được phong trào hóa và sân bay giống như một thứ đồ trang sức để nâng cao vị thế khi đón tiếp khách chứ chưa hẳn đã là nhu cầu thực tế. Ông đánh giá gì về điều này?
- Đây chỉ là một giả thuyết cảm tính và đương nhiên chưa có cơ sở nào chứng minh. Bản thân mình không đứng ở địa vị các tỉnh, TP nên cũng không thể khẳng định giả thuyết này có đúng hay không. Tuy nhiên, đúng là trên thực tế, với một địa phương khi có các đoàn khách đến thăm hoặc làm việc mà lại không có sân bay cũng có phần bất tiện. Chỉ có điều, mỗi năm một địa phương sẽ đón tiếp bao nhiêu đoàn khách như vậy đến thăm? Tôi cho rằng, nếu đầu tư xây sân bay mà chỉ phục vụ cho mục đích này là quá lãng phí, trong khi nước ta vẫn còn rất nhiều lĩnh vực khác cần phải đầu tư hơn.
Xin cảm ơn ông!
"Phải chăng có lợi ích nhóm trong đầu tư sân bay nên chỗ nào cũng muốn đầu tư? Bộ GTVT là cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm thẩm định và xem xét quy hoạch hệ thống sân bay, không để tình trạng đầu tư tràn lan thất thoát tiền thuế của dân." -Chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh
"Về mặt nguyên tắc, khi lập dự án phải có bước thẩm định dự án đầu tư, trong đó bài toán kinh tế và lợi ích xã hội phải được tính toán cụ thể. Giống như đầu tư một nhà máy, dù có đem lại hiệu quả kinh tế mà gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại xã hội cũng không nên làm. Nhiều tỉnh đã xây sân bay nhưng các năm qua phải bù lỗ liên tục đó thôi." -Chuyên gia hàng không PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
|