Cấm cửa máy bay với khách say xỉn: Quy định đã có nhưng thực thi thế nào?

 
Chia sẻ

Mặc dù cấm cửa máy bay với khách say xỉn có hiệu lực từ ngày 1/6. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ phục vụ ngành hàng không lại không có thẩm quyền, không được cung cấp trang thiết bị để phát hiện và ngăn chặn những hành khách có nồng độ cồn lên máy bay...

Quy định của Bộ Giao thông về việc ngành hàng không không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu bia, chất kích thích được nhiều hành khách đồng tình.

Nhiều ý kiến cho rằng, người say rượu sẽ dễ mất bình tĩnh, không ý thức được hành động cá nhân và làm phiền đến các hành khách khác trên máy bay. 

“Những người say rượu có thể gây ra nhiều vấn đề trên chuyến tàu, ví dụ như họ có thể không kiểm soát được hành vi được, mở cửa khẩn cấp khi máy bay đang ở độ cao thì rất nguy hiểm”

“Mình rất lo ngại bởi người say rượu khó kiểm soát hành vi, ví dụ như vụ sàm sỡ trên máy bay được thông tin trên mạng vừa rồi. Thứ 2 là người say rượu có một mùi gây khó chịu với người xung quanh”.

“Những người say rượu có thể khiến người khác bất an trên máy bay. Đã đi trên máy bay thì không nên uống rượu bia và phải cương quyết không cho người sử dụng rượu bia lên máy bay”.  

Cam cua may bay voi khach say xin: Quy dinh da co nhung thuc thi the nao?  - Hinh anh 1
Hình ảnh vụ hành khách thương gia say xỉn sàm sỡ cô gái trên chuyến bay Vietnam Airlines hôm 27/07

Tuy nhiên, sau khi Thông tư số 13 được ban hành, đại diện một số cảng hàng không cho biết, họ chưa nhận được những hướng dẫn cụ thể để triển khai. Bản thân Thông tư này cũng chưa đưa ra những quy định cụ thể về mức độ nồng độ cồn sẽ bị hạn chế lên máy bay nên gây ra một số khó khăn khi các nhân viên hàng không thực thi nhiệm vụ. 

Thực tế hiện nay, các nhân viên hàng không đều sử dụng mắt thường và thông qua giao tiếp để phát hiện và hạn chế những hành khách sử dụng rượu bia lên máy bay. Tuy nhiên, việc xác định một hành khách có say xỉn đến mức mất tự chủ hành vi haykhông là rất khó. Ông Đỗ Chí Thành, Giám đốc Cảng hàng không Phú Bài bày tỏ: "Không quy định nồng độ cồn bao nhiêu giống như đường bộ, cái này rất khó cho việc xác định người này có uống rượu bia quá quy định. Bởi vì người tham gia giao thông là ngồi trên máy bay, họ chỉ đi thôi, tham gia trên chuyến bay chứ không phải bay”.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận, việc Thông tư này không quy định chính xác nồng độ cồn bị cấm lên máy bay đã tạo thành "lỗ hổng", gây khó khăn cho cả bộ phận kiểm soát an ninh cũng như các hãng hàng không.

Luật sư Trương Anh Tú, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, trên thực tế rất khó để áp dụng việc đo nồng độ cồn của người đi máy bay tại sân bay vì Thông tư 13 chỉ quy định từ chối chuyên chở đối với các hành khách mất tự chủ do rượu, bia và chất kích thích mà không giải thích rõ thế nào là mất khả năng tự chủ. Luật sư Trương Anh Tú phân tích một số điểm bất hợp lý khi triển khai quy định này: "Khi đi vào áp dụng thì không dễ dàng bởi lực lượng nhân viên an ninh và nhân viên các hãng bay không có nghiệp vụ để đánh giá hành khách về mức độ say xỉn hay sử dụng chất kích thích. Họ cũng thiếu các phương tiện cần thiết để có thể đo lường, đánh giá và đưa ra quyết định trong các tình huống này”. 

Thực tế không chỉ tại Việt Nam, tình trạng say rượu của hành khách khi đi máy bay diễn ra tại nhiễu hãng bay quốc tế. Theo đó, nhân viên hàng không và nhân viên an ninh sân bay sẽ có trách nhiệm đối với các trường hợp khách say rượu. Trong trường hợp làm thủ tục để vào phòng chờ, nhân viên của hãng phát hiện hành khách say rượu có quyền từ chối vận chuyển.  

Đối với trường hợp hành khách làm thủ tục xong vào phòng chờ, nhân viên an ninh phát hiện hành khách bị say rượu, nhân viên đó sẽ phối hợp với hãng bay để từ chối vận chuyển hành khách.  

Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc phát hiện ra hành khách say rượu rất khó trừ khi hành khách uống quá nhiều dẫn đến đi đứng không vững hay có những  biểu hiện không ý thức được hành động của mình. 

Thường là chỉ sau khi hành khách có những hành động gây rối, quấy rối, làm phiền người khác thì bộ phận an ninh và nhân viên hãng bay mới có thể can thiệp. Việc phát hiện và xử lý hành khách ở thời điểm này có thể gây ra nhiều hệ lụy, đe dọa đến an toàn chuyến bay.

Theo TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hành khách đi máy bay uống bia, rượu không trực tiếp tham gia điều khiển phương tiện nhưng có nguy cơ mất kiểm soát, gây những hành vi ảnh hưởng tới các hành khách xung quanh nên cần thiết phải có kiểm tra nồng độ cồn. 

“Cái quan trọng là chúng ta phải xác định ra những yêu cầu và ranh giới mà khách đi máy bay phải tuân thủ. Trong lĩnh vực hàng không đã có quy định chặt chẽ nhưng thấy còn thiếu, còn vướng trong thực hiện thì cần tiếp tục hoàn thiện. Trong đó có việc mô tả kỹ hơn những hành vi, ranh giới mà hành khách phải tuân thủ”.


Theo ông Trần Quang Châu – Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, khi cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra quy định thì cũng cần phải đưa ra các biện pháp cụ thể để triểnkhai được quy định.

Cụ thể đối với quy định cấm lên máy bay với hành khách sử dụng rượu bia thì cần trang bị cho lực lượng an ninh sân bay thiết bị đo nồng độ cồn trong máu, giống như lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ.

Đồng thời, quy định rõ hành khách có nồng độ cồn trong máu bao nhiêu thì sẽ bị từ chối phục vụ. Bất cứ bộ phận nào tại sân bay phát hiện hành khách có dùng rượu, bia đều có quyền thông báo với bộ phận an ninh yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Ông Trần Quang Châu nêu ý kiến: "Đã có quy định  như thế thì phải có những tiêu chuẩn cụ thể, đồng thời phải có thông báo tới hành khách. Mục tiêu cuối cùng là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hành khách, đảm bảo an toàn".

Cam cua may bay voi khach say xin: Quy dinh da co nhung thuc thi the nao?  - Hinh anh 2
Kiểm soát chặt các hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu an toàn ở những nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông và nhất là ở các loại hình giao thông vận tải đặc thù đòi hỏi yêu cầu rất cao về an toàn như hàng không, là cần thiết

Việc kiểm soát các hành vi có nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh an toàn và ảnh hưởng đến văn minh hàng không là hết sức cần thiết. Song dưới góc nhìn của VOVGT, để các quy định có tính thực thi, thì trước tiên và trên hết, cơ quan ban hành phải xác định rõ mục đích của nó, từ trước khi ban hành, thay vì sốt sắng một cách vội vàng.

“Đi đâu chưa biết, hàng đầu cứ đi”

Có hiệu lực từ tháng cách đây 2 tháng, thông tư 13 của Bộ GTVT được đánh giá cao bởi lần đầu tiên có quy định đích danh đối với hành khách sử dụng bia rượu. Cụ thể, khoản 2 điều 58 Thông tư này quy định: “Không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích”. Song, các tranh luận trái chiều cũng nổi lên từ chính điểm được coi là mới này, bởi sự trừu tượng của nó. 

Nếu so sánh quy định nồng độ cồn ở người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông với người ngồi trên máy bay, sẽ là khập khiễng. Một bên là người trực tiếp điều khiển phương tiện, còn một bên là hành khách được vận chuyển, mức độ ảnh hưởng từ hành vi của họ đến an toàn của hành trình là khác nhau. Cũng rất khó đánh giá, hành vi nào uy hiếp an toàn nhiều hơn.  

Bởi tài xế say xỉn trên đường bộ có thể gây ra tai nạn làm hàng chục người thương vong, nhưng một hành khách say xỉn không được “để mắt” trên máy bay, sẽ có thể uy hiếp an toàn của hàng trăm hành khách cùng nhân viên phi hành đoàn, chứ không chỉ dừng lại ở sự phiền toái bởi mùi rượu bia, hay hành vi quấy rối, lạm dụng.

Mặt khác, với mức độ quốc tế hóa dẫn đầu trong các loại hình giao thông vận tải, hàng không không chỉ đơn thuần là một loại hình vận chuyển, mà còn là một phần rất quan trọng làm nên hình ảnh đại diện văn hóa của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trong mắt bạn bè thế giới. 

Do vậy, Bộ GTVT hoàn toàn có lý khi bổ sung quy định “cấm cửa” tàu bay đối với hành khách say xỉn đến mức mất tự chủ hành vi do bia rượu. Nhưng mục đích quy định này là để “cảnh báo”, “răn đe”, hay để “ngăn chặn”, thì có vẻ chưa được xác định rõ ràng trong quá trình xây dựng quy định này.

Nếu chỉ để cảnh báo, khuyến cáo, Bộ GTVT không nhất thiết phải đưa vào một văn bản mang tính pháp quy, mà chỉ cần niêm yết trong quy định của các hãng hàng không, hay các khu vực công cộng ở càng hàng không, nhà ga, sảnh chờ.

Còn nếu coi nó là một công cụ để “ngăn chặn” các hành vi có nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn và văn minh hàng không, thì những quy định chung chung như trên sẽ không thể giải quyết vấn đề, mà thậm chí còn có thể là nguyên nhân gây ra  các tranh luận không có hồi kết, làm khó chính nhân viên an ninh và các hãng hàng không. 

Cũng với mục đích “ngăn chặn”, thì việc ban hành chi tiết quy định về nồng độ cồn sẽ không có nhiều ý nghĩa. Vì không ai đảm bảo rằng, một người có nồng độ cồn thấp sẽ kiểm soát hành vi ứng xử tốt hơn một người có nồng độ cồn cao hơn, và ngược lại.

Kiểm soát chặt các hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu an toàn ở những nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông và nhất là ở các loại hình giao thông vận tải đặc thù đòi hỏi yêu cầu rất cao về an toàn như hàng không là cần thiết.

Song, điều đó chỉ thực hiện được khi các nhà quản lý biết rõ mình ban hành quy định nhằm mục đích gì, đạt mục tiêu gì, từ đó mới tìm kiếm công cụ, cách thức phù hợp, thay vì thể hiện sự sốt sắng có phần vội vàng. Thay vì cứ khởi hành cho kịp mà chưa biết mình định đi đâu, đi đâu chưa biết hàng đầu cứ đi.

Theo VOV Giao Thông

Tin liên quan