Cấm hay không cấm?
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Dự án có chiều dài 98,35km, điểm đầu ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và điểm cuối ở huyện La Sơn (Thừa Thiên - Huế).
Giai đoạn đầu, dự án có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m.
Tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế lo ngại QL1 ách tắc, tai nạn giao thông tăng cao khi không cho xe trọng tải lớn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Nguyễn Do
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, khởi đầu cho việc hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, góp phần tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng chiến lược phát triển giao thông vận tải và kinh tế - xã hội của cả nước.
Như vậy, việc có thêm tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá, hành khách nhanh hơn, thuận tiện hơn, góp phần giải tỏa lưu lượng giao thông của QL1A, tạo động lực phát triển cho miền Trung và cả nước.
Thế nhưng, việc từ ngày 4/4 tới, các xe khách từ 30 chỗ, xe giường nằm và xe tải từ 6 trục trở lên bị cấm lưu thông vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn do mất ATGT đã đặt ra nhiều ý kiến trái chiều về mục đích đầu tư và hiệu quả của dự án.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, xét dưới góc độ an toàn giao thông, việc cấm xe khách, xe tải đi vào tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là cần thiết.
Nhưng, cao tốc là những tuyến đường để vận tải hàng hóa, hành khách, lưu thông nhanh hơn, thuận tiện hơn. Có một số mặt hàng cần giao ngay, đi trên cao tốc mới đảm bảo thời gian. Nếu cấm các phương tiện tải trọng lớn ở cao tốc nhưng nhu cầu vận chuyển vẫn có, sẽ khiến việc lưu thông chậm trễ. Nếu hạn chế những xe này thì rõ ràng là đang hạn chế hiệu quả đầu tư.
Thêm vào đó, việc hầu hết xe tải nặng từ phía Bắc theo QL1 và đường Hồ Chí Minh khi đến huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) sẽ rẽ vào đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn để tiếp tục vào các tỉnh thành phía Nam, nếu bị cấm lưu thông, các xe này buộc phải lựa chọn đi qua các tuyến quốc lộ song hành. Như vậy, áp lực về mất an toàn giao thông sẽ không biến mất mà chỉ chuyển từ tuyến đường này sang tuyến đường khác.
Lo ngại vấn đề này, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi Cục đường bộ Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc cấm xe khách trên 30 chỗ, xe tải trên 30 tấn đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuyến đường tránh Huế với hai làn xe không có dải phân cách cứng, đã khai thác nhiều năm nên chất lượng xuống cấp. Nếu ôtô đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ lưu thông trở lại trên tuyến này sẽ gây nguy cơ tai nạn cao hơn cao tốc.
Ban ATGT tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác đã giảm rất lớn lưu lượng ô tô qua TP Đông Hà và QL1 phía nam của tỉnh. Năm 2023, tỉnh đã giảm cả ba tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông. Việc phân luồng xe tải nặng và xe khách trên 30 chỗ sang QL1, xuyên qua TP Đông Hà sẽ khiến ách tắc, tai nạn giao thông tăng cao.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là ở giai đoạn 1, cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa có trạm BOT, tuy nhiên, khi xây dựng hoàn chỉnh, các trạm BOT sẽ đi vào hoạt động, việc chỉ thu phí từ phương tiện cá nhân mà không thu từ xe vận tải hàng hoá, hành khách thì chắc chắn sẽ lỗ, thu không đủ bù chi.
Cân nhắc đến bài toán chi phí, các doanh nghiệp chưa chắc đã dám đầu tư vào cao tốc. Đây cũng là một vấn đề mà cơ quan quản lý Nhà nước cần lưu tâm.
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan, hiện tại, việc đầu tư xây dựng cao tốc tại Việt Nam đang được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy hoạch chứ chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc. Điều này dẫn đến việc xây dựng hạ tầng thiếu hoàn chỉnh.
Về việc hạ tốc tại một số đoạn trên tuyến cao tốc, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, khi đã đầu tư cho tuyến đường tương ứng với cấp đường, quy mô kỹ thuật và tốc độ thì phải cho xe chạy với đúng tốc độ thiết kế, không thể tùy tiện giảm tốc xuống 50 - 60km/h thấp hơn tốc độ thiết kế.
Như vậy, xét về tổng thể có thể thấy, việc cấm một số loại xe chắc chắn sẽ giúp giảm lưu lượng giao thông, nhưng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề hiệu quả như mong đợi.
Tìm phương án hài hoà
Về kiến nghị của hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đề xuất không cấm xe trọng tải lớn lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ngày 2/4, Cục đường bộ Việt Nam đã có văn bản trả lời là vẫn giữ nguyên quan điểm phân luồng điều tiết giao thông với các xe nói trên.
Cục Đường bộ Việt Nam mong hai tỉnh ủng hộ, chia sẻ, đồng hành cùng Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo đảm ATGT trên mạng lưới đường bộ nói chung, nâng cao ATGT của hệ thống quốc lộ nói riêng, nhất là tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân kỳ đầu tư.
Điều này đối với cả hai tỉnh trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi tuyến cao tốc thật là một bài toán khó.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 xe khách và xe ô tô trọng tải lớn không phải là các phương tiện bị cấm đi vào đường cao tốc. Nhưng không cấm thì phải có giải pháp hợp lý bởi trong hoạt động giao thông hai mục tiêu an toàn và hiệu quả kinh tế đều phải giải quyết hài hòa.
Hiện tại không có điều luật và quy định nào cấm các xe tải nặng đi vào đường cao tốc. Ảnh: Nguyễn Quốc
Thực tế, nếu chỉ hạn chế ở một số đoạn trên tuyến, trong một vài thời điểm nhất định thì có thể tính đến. Nhưng áp dụng cho toàn tuyến và trong suốt thời gian 24/24h thì cần cân nhắc. Theo đó, chỉ nên cấm ở một số đoạn, khung giờ nhất định. Xe giường nằm liên quan tính mạng nhiều người nên cũng cần hạn chế chạy ban đêm.
Để hạn chế tai nạn giao thông trên cao tốc, cần tuyên truyền kiến thức và ý thức tham gia giao thông cho người điều khiển phương tiện; đẩy mạnh hơn nữa việc giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, tăng phạt nguội; bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông tại các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn, bổ sung hệ thống chiếu sáng, thông tin liên lạc…
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, việc xây dựng chủ yếu dựa vào luật xây dựng và quy hoạch. Điều này dẫn đến việc đâu tư cao tốc không đồng bộ. Do đó, việc sớm hoàn thành, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc là rất cần thiết và cấp bách.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các dự án đường bộ cao tốc mới, cũng như sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị Trần Ngọc Sơn cũng từng nêu trong văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam phân luồng giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần dựa trên quy định hiện hành và các cơ sở pháp lý liên quan, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như vùng.
Hiện tại không có điều luật và quy định nào cấm các xe tải nặng đi vào đường cao tốc. Vì vậy, cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị đầu tư, đơn vị thi công trong việc xây dựng tuyến đường. Khi nào có kết luận tai nạn giao thông do lỗi thiết kế cao tốc, đường không phù hợp xe tải nặng thì lúc đó cấm mới hợp lý.
Đầu tư cao tốc sử dụng nguồn kinh phí lớn nhưng nếu không được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng về lâu dài sẽ rất lãng phí và bất cập. Việc khai thác cao tốc và tổ chức phương tiện cũng như vậy, cần hài hoà và giải quyết vấn đề từ căn cơ, gốc rễ mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Huyền Sâm