Nhiều người bỏ cọc biển số
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trang web của công ty tổ chức đấu giá biển số xe đã cập nhật thêm danh sách biển số đưa ra đấu giá trong thời gian tới.
Đáng chú ý, danh sách này xuất hiện thêm các biển 30K - 568.68 (Hà Nội), 15K - 166.88 (Hải Phòng), 37K - 222.22 (Nghệ An), 43A - 777.79 (TP Đà Nẵng) và 51K - 868.68 (TP Hồ Chí Minh). Những tài sản này đều từng trúng đấu giá với số tiền khá cao trước đó, nhưng đã bị khách hàng bỏ cọc.
|
Nhiều trường hợp người dân trả giá khủng xong bỏ cọc.
|
Cụ thể, sáng 21/9, biển số 37K - 222.22 trúng đấu giá với mức tiền 810 triệu đồng. Chiều cùng ngày, biển số 30K - 568.68 trúng đấu giá 1,31 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 22/9, biển 43A - 777.79 được người mua chốt giá cao nhất là 605 triệu đồng và 15K - 166.88 chốt giá 920 triệu đồng.
Còn biển số 51K - 868.68 có mức giá trúng cao nhất với 4,86 tỷ đồng trong phiên đấu sáng 22/9. Sau đó không lâu, khách hàng trúng đấu giá ở TP Hồ Chí Minh đã rao bán tài sản này, với giá mong muốn là 5,16 tỷ.
Trước đó, biển số siêu đẹp 51K - 888.88 cũng bị người trúng đấu giá 32,34 tỷ đồng bỏ cọc được đưa ra đấu giá lại vào sáng ngày 21/10. Tại phiên đấu giá lại, biển số này được chốt giá 15, 26 tỷ đồng.
Có thể thấy, tình trạng bỏ cọc sau khi đấu giá biển số xe diễn ra khá phổ biến. Một số tình huống khách hàng đấu giá trả rất cao, song không nộp tiền và chịu mất khoản phí đã đóng cọc (trường hợp đấu giá biển số xe ô tô là 40 triệu đồng). Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có chế tài nào khác ngoài việc thu giữ tiền cọc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, biển số xe ô tô là một loại tài sản đặc thù, mới được đưa ra đấu giá trong thời gian gần đây. Biển số đấu giá là một dạng tài sản được phép đưa ra đấu giá, nhưng lại không được phép chuyển nhượng mỗi biển mà phải đi kèm với chiếc xe đã đăng ký gắn biển số đó. Đây cũng là lý do nhiều người từ chối kết quả đấu giá, chấp nhận mất tiền cọc.
Chứng minh năng lực tài chính
Theo chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.
“Do đó, cần có chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi bỏ cọc. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác...” - ông Đỗ Cao Phan chia sẻ.
Để ngăn tình trạng bỏ cọc trong đấu giá biển số xe, đặc biệt với biển số xe, ông Đỗ Cao Phan đề xuất, những khách hàng tham gia đấu giá cần mở một tài khoản hoặc ví điện tử trên trang web của đơn vị tổ chức đấu giá. Mỗi lần trả giá, người chơi phải nộp tiền vào tài khoản đó mới có thể đấu giá.
Trường hợp tài khoản không đủ tiền, khách hàng sẽ không thể trả mức giá cao hơn số tiền đang có trong ví. Sau khi kết thúc cuộc đấu, số tiền trong ví sẽ được khấu trừ vào mức tiền đã trúng đấu giá cho biển số đó, còn người đấu không trúng được bảo lưu tiền cho lần sau hoặc rút về.
Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành người trúng đấu giá từ chối kết quả đấu giá chỉ mất tiền cọc. Cụ thể là 40 triệu đồng đối với biển số xe. Thực tế cho thấy, không ít người đã bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số.
“Nên có những chế tài mạnh tay hơn đối với người tham gia đấu giá bỏ cọc. Ví dụ như, trong trường hợp khách hàng trúng đấu giá nhưng không hoàn tất nghĩa vụ tài chính trong thời hạn cho phép để nhận biển số, cơ quan chức năng ra quyết định cấm cá nhân đó tham gia đấu giá mọi tài sản liên tục 5 năm” – Luật sư Phạm Thanh Hải chia sẻ.
Theo luật sư Hải, nhiều người sẵn sàng trả giá thật cao rồi bỏ cọc và chịu mất hàng chục triệu đồng tiền đặt trước, mục đích có thể để đánh bóng bản thân. Hành vi này làm mất uy tín của các cơ quan liên quan, mất nhiều thời gian, công sức của tổ chức, đơn vị khiến họ phải tổ chức đấu giá lại. Thậm chí, còn tước đi cơ hội của những khách hàng khác. Do vậy việc bỏ cọc biển số xe cần những chế tài mạnh tay hơn.
Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Trong đó sẽ tập trung giải quyết vấn đề tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh những tác động tiêu cực trong hoạt động đấu giá. Một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng bỏ cọc khi đấu giá tài sản trong đó có biển số xe là sẽ bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đã trúng đấu giá nhưng không làm tròn nghĩa vụ tài chính. |