Người dân không có chỗ đỗ xe
Những năm vừa qua, Hà Nội đã dành nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Nhờ đó, bộ mặt phố phường Hà Nội đã trở nên khang trang, gọn gàng, ngăn nắp hơn… Song, bên cạnh những khu nhà cao tầng, căn hộ chung cư cao cấp, Hà Nội vẫn còn các khu tập thể cũ – nơi đó, hạ tầng giao thông yếu kém, nên cần có bài toán riêng cho những khu vực này để vừa đảm bảo cuộc sống người dân cũng như mục tiêu “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.
|
Lực lượng chức năng phường Thịnh Quang tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự đô thị trên phố Vĩnh Hồ. |
Được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, sau gần nửa thế kỷ đi vào hoạt động, khu tập thể Vĩnh Hồ đã ngày càng bộc lộ dấu hiệu của “tuổi tác”, “xuống cấp theo thời gian”… và dần không đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân. Ngoài sự xuống cấp, việc các khu tập thể thời điểm đó được thiết kế không có tầng hầm, không có chợ… đã làm phát sinh không ít hệ lụy trong công tác quản lý Nhà nước tại những khu vực này trong giai đoạn hiện nay.
Đầu tiên phải khẳng định, trong những năm qua, công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn nói chung và khu tập thế Vĩnh Hồ nói riêng là một trong những nhiệm vụ được Đảng ủy, UBND, Công an phường và cả hệ thống chính trị phường Thịnh Quang ưu tiên thực hiện, thực hiện một cách nghiêm túc. Thế nhưng, chỉ cần “đụng” đến khu tập thể Vĩnh Hồ hàng loạt những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Bởi, tất cả tòa nhà trong khu tập thể Vĩnh Hồ đều được xây dựng không có tầng hầm, không được thiết kế chỗ để xe máy, xe ô tô… nên phần lớn người dân đều phải để, gửi xe trong nhà dân tầng 1 hoặc để… ngoài đường. Hơn nữa, hầu hết hộ dân tầng 1 tại các khu tập thể đều hoạt động hoặc cho thuê kinh doanh. Thế nên, nếu lực lượng chức năng làm căng, làm mạnh người dân Vĩnh Hồ sẽ chẳng biết để xe nơi nào, lúc đó, áp lực giao thông cho khu vực sẽ là rất lớn.
Linh hoạt trong việc sắp xếp phương tiện
Như đã biết, nhằm đảm bảo trật tự đô thị, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về việc sắp xếp phương tiện trên vỉa hè. Theo đó, xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng (chỉ sắp xếp một hàng), quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m. Đồng thời, phải để lại tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ.
|
Các tổ chức đoàn thể phường Thịnh Quang tham gia công tác đảm bảo trật tự đô thị tại khu tập thể Vĩnh Hồ. |
Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, các phường, xã, quận, huyện trên địa bàn TP nói chung và phường Thịnh Quang nói riêng đều hết lòng ủng hộ và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương này. Song, đối với phường Thịnh Quang, đặc biệt là khu tập thể Vĩnh Hồ, quy định này chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bởi, trên địa bàn phường, đặc biệt là khu tập thể Vĩnh Hồ, diện tích vỉa hè nhiều đoạn rất bé, một chiếc xe máy để đúng hướng, đúng vị trí theo yêu cầu của TP vốn đã là rất khó nói gì đến việc để lại 1,5m cho người đi bộ cũng như việc kinh doanh buôn bán kiếm kế sinh nhai của người dân.
Trước thực trạng trên, thông qua các kỳ họp tổ dân phố, người dân trên địa bàn phường Thịnh Quang, đặc biệt là khu tập thể Vĩnh Hồ đã nhiều lần đề nghị Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và Công an phường… kiến nghị các đơn vị có liên quan xem xét tổ chức sắp xếp lại phương tiện trên vỉa hè.
Theo đó, người dân kiến nghị tiếp tục xem xét dự án mở rộng đường Vĩnh Hồ (Thái Thịnh), tạo vỉa hè đảm bảo việc để phương tiện và lối đi cho người đi bộ. Trước mắt đối với những tuyến vỉa hè hẹp, không đáp ứng được các quy định trong việc sắp xếp phương tiện nhưng lòng đường rộng, cần xem xét cho phép sử dụng một phần lòng đường để bố trí, sắp xếp cho việc đỗ xe tĩnh cho cho người dân sử dụng.
Vũ Mai Khanh – Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang, quận Đống Đa