Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng chất lượng bảo trì đối với các tuyến đường đang khai thác, thì một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo hạ tầng giao thông đường bộ là cần nâng cao công tác dự báo, có chiến lược lâu dài đối với vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và các công trình đang xây dựng, có kế hoạch xây dựng trong tương lai.
Hậu quả nặng nề
Đến nay, cơn bão số 3 Yagi đã trôi qua hơn 3 tháng, nhưng tỉnh Cao Bằng vẫn đang chịu những ảnh hưởng lớn về hạ tầng đường bộ. Thông tin từ Công ty Cổ phần Đường bộ Cao Bằng cho biết, mưa bão đã khiến quốc lộ 34 qua địa bàn tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng với hàng trăm m3 đất đá tràn xuống từ 359 vị trí ta luy dương, 54 vị trí ta luy âm, cùng đó là hơn 29 vị trí nền mặt đường hư hỏng.
Suốt thời gian trước, trong và sau mưa bão, đơn vị đã huy động cán bộ, kỹ sư công nhân giao thông không quản khó khăn để thông đường. Đến nay, các vị trí sạt lở tắc đường đã được xử lý triệt để, tuy nhiên, nhiều đoạn mặt đường qua các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm vẫn đang bị bong tróc, nứt. Thậm chí, các mái ta luy dương và ta luy âm liên tục sạt lở cùng loạt vết lún gồ ghề gây cản trở và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Để khôi phục hoàn toàn hệ thống giao thông trên tuyến, hiện nay, Sở GTVT Cao Bằng đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án đề nghị Bộ GTVT ban hành lệnh xây dựng, làm cơ sở tiến hành sửa chữa đối với các vị trí hư hỏng có tính chất phức tạp.
Hồi tháng 11 vừa qua, Bộ GTVT đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để khắc phục hư hỏng hạ tầng giao thông trên 4 tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hà Giang gồm: Quốc lộ 4, 4C, 279, 280 và đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và các đợt mưa lũ liên tiếp từ ngày 1/9 - 31/10 có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người tham gia giao thông.
Mới đây, ngày 15/12, tại đèo Khánh Lê nối TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, mưa bão kéo dài nhiều ngày đã khiến hàng nghìn m3 đất đá từ trên sườn núi tràn xuống vùi lấp lòng đường gây tê liệt giao thông.
Sau 4 ngày nỗ lực khắc phục, đèo Khánh Lê tạm thời thông 1 làn đường vào ngày 19/12, sau đó một số vị trí lại tiếp tục sạt trượt khiến lực lượng chức năng phải phong tỏa giao thông qua khu vực để xử lý. Đến sáng ngày 24/12 mới cho phép lưu thông trở lại 2 làn đường. Tuy nhiên, ở các vị trí nguy hiểm, lực lượng chức năng vẫn phải túc trực, cấm đường vào ban đêm để hỗ trợ người dân lưu thông an toàn.
Khu Quản lý đường bộ III đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục báo cáo Bộ GTVT công bố quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai trên đèo Khánh Lê. Đồng thời, đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông sau khi Bộ GTVT ban hành quyết định tình huống khẩn cấp.
Nhìn từ thực tế bão số 3 và các trận mưa lớn liên tiếp của mùa mưa bão ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông nhiều tuyến đường tại các địa phương, các chuyên gia cho rằng, giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu, thiên tai phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực khắc phục hậu quả, cần phải có tầm nhìn xa với những giải pháp để ứng phó trong nhiều tình huống nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Cần chiến lược lâu dài
Theo thống kê, nước ta hiện có 25.000km đường quốc lộ và hơn 6.700 cây cầu với giá trị ước tính khoảng 3 triệu tỷ đồng. Đại diện Cục đường bộ Việt Nam cho biết, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn những bất cập như quy mô, chất lượng các tuyến quốc lộ chưa đều, nhiều tuyến quốc lộ chất lượng tốt nhưng cũng có một số đoạn quốc lộ chất lượng quản lý, bảo trì vẫn còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng đường bộ, thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị từng bước tăng tổng vốn dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ; siết chặt trách nhiệm đối với các đơn vị chậm duy tu sửa chữa các tuyến đường; đồng thời bổ sung thêm vốn để duy trì hoạt động các hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng dữ liệu cầu, đường, kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm ứng phó với các tình huống thiên tai.
Ủng hộ việc tăng cường công tác bảo trì đường bộ hàng năm đối với các tuyến đường đang khai thác, chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan góp ý thêm rằng, về lâu dài, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo hạ tầng đường bộ là cần có chiến lược đối với vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và các công trình đang xây dựng, có kế hoạch xây dựng trong tương lai. Cùng với đó, phân cấp quản lý quốc lộ triệt để cho địa phương để chủ động trong quản lý, duy tu tuyến đường bao gồm cả duy tu thường xuyên, định kỳ và đột xuất khi phát hiện các sự cố gây mất an toàn.
Luật Đường bộ năm 2024 đã cho phép các công trình đường bộ đang khai thác chưa đảm bảo các điều kiện sẽ được xem xét điều chỉnh các hạng mục đảm bảo cho phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho công trình và người tham gia giao thông.
Đồng thời, bổ sung quy định đối với các trận mưa bão gây thiệt hại lớn, không chỉ lực lượng của ngành đường bộ mà sẽ huy động thêm sự vào cuộc của nhiều lực lượng cùng tham gia vào công tác phòng chống thiên tai lĩnh vực đường bộ, từ đó sẽ nhanh chóng, kịp thời hơn trong việc xử lý các sự cố.
Các quy định này giúp phát huy tối đa hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống bão lũ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các địa phương. Qua đó, kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp phòng chống thiên tai đối với quốc lộ được giao quản lý và chủ động khắc phục.
Triển khai Luật Đường bộ, mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 40/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. Trong đó nêu rõ việc phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo; phòng ngừa thiên tai đối với công trình đang thi công xây dựng; phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng; chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Điểm mới đáng chú ý là Bộ GTVT chú trọng yếu tố phòng ngừa bằng việc yêu cầu các chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ mới hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo phải đảm bảo việc phòng chống thiên tai cho công trình ngay từ khâu thiết kế. Theo quy trình, mỗi cấp công trình được thiết kế với tần suất bão lũ nhất định nhằm đảm bảo tính an toàn cao hơn, giảm chi phí cho việc theo dõi bão lũ về sau.
Điều này cũng đặt ra vấn đề, đã đến lúc ngành GTVT phải bắt đầu thu thập cơ sở dữ liệu về thiên tai, từ đó xác định được tọa độ, vị trí hay xảy ra sạt lở, nhất là khu vực miền núi. Từ đây có khảo sát kỹ hơn về địa chất, thủy văn, các nguy cơ để có giải pháp phòng chống, khắc phục hiệu quả, tăng tính bền vững cho hạ tầng đường bộ.
Huyền Sâm