Dán decal, logo hội nhóm vô tội vạ
Trên đường phố hiện nay, không khó để bắt gặp những chiếc ô tô dán lên mình rất nhiều những tấm decal với những mục đích khác nhau. Đây có thể là những poster quảng cáo tiếp thị, dòng khẩu hiệu với nội dung tích cực kiểu như “đã uống rượu bia, không lái xe”, “suy nghĩ trước khi bấm còi”, “cấm vượt phải”,… hoặc đơn giản là những logo của hội nhóm, câu lạc bộ chơi xe nào đó mà chủ xe tham gia.
Tuy vậy, không ít người đã quá lạm dụng việc này và biến chiếc xe của mình thành một “rừng” decal di động. Một số hình ảnh xe ô tô chi chít những decal và logo hội nhóm trên thân xe, kính sau, thậm chí cả lên kính lái phía trước xuất hiện trên mạng xã hội gần đây khiến chính cánh lái xe phải “lắc đầu”.
|
Những chiếc xe dán chi chít decal, logo trên xe có thể bị từ chối đăng kiểm. |
Là thành viên tích cực của rất nhiều cộng đồng lớn như Hội lái xe, Otofun, OFFB, Giao thông văn minh, Bạn hữu đường xa,… anh Hoàng Linh ở Hà Nội cho hay, hầu hết các nhóm chơi xe đều có logo riêng và in decal cho các thành viên của mình dán lên xe như một cách nhận biết thành viên, qua đó chia sẻ kinh nghiệm và tương trợ, giúp đỡ nhau khi cần. Tuy nhiên, anh Linh phản đối việc chủ xe lạm dụng, dán chi chít các loại decal, logo hội nhóm hay khẩu hiệu lên xe.
“Dán hàng chục loại logo khác nhau dày đặc lên xe là không đúng với mục tiêu đề ra của các hội nhóm, đó là sự phô trương không cần thiết. Thực tế là dán như vậy, các anh em lái xe cũng không thể nhận ra logo của hội nhóm nào vì quá rối mắt”, anh Linh chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Lê Minh Lực ở Bắc Ninh cũng cho rằng, ngoài tính thẩm mĩ thì nhiều chủ xe dán chi chít decal, logo như vậy như một cách khoe mẽ xấu xí.
“Nhiều tài xế hiện nay cố tham gia thật nhiều hội nhóm rồi xin thêm nhiều decal dán lên xe cho “oách”, thể hiện rằng mình có quan hệ rộng với anh em khắp mọi miền. Khi gặp các lực lượng chức năng, nhiều tài xế dù ‘sai lè’ nhưng vẫn có thái độ chống đối, thể hiện tham gia nhiều diễn đàn, hội nhóm nên hiểu biết luật rồi sẵn sàng chụp ảnh, quay video CSGT làm nhiệm vụ và doạ "bóc phốt" đưa lên các nhóm lái xe. Đó là điều rất không nên”, anh Lực nói.
Lợi bất cập hại
Trao đổi với PV Giaothonghanoi, luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, dù việc dán decal, logo lên xe không bị cấm, tuy nhiên, nếu dán kín xe gây cản trở tầm nhìn và gây mất an toàn người lái như một số hình ảnh trên mạng xã hội gần đây có thể bị phạt “kép” bởi vi phạm cả Luật Giao thông đường bộ và Luật Quảng cáo.
Cụ thể, điều 55 Luật Giao thông đường bộ có nêu rõ: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Còn hành vi tự ý dán logo, decal làm thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng đối với cá nhân và 600-800 nghìn đồng đối với tổ chức là chủ xe theo điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
|
Ngoài tính thẩm mĩ thì nhiều chủ xe dán decal, logo như vậy như một cách khoe mẽ xấu xí.
|
Đồng thời, vị luật sư này cũng viện dẫn, Điều 32 Luật Quảng cáo nêu: “Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông,…”.
“Nếu vi phạm quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng theo điều 43, Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo”, luật sư Thắng nói.
Ngoài bị phạt khá nặng theo Luật Giao thông đường bộ và Luật Quảng cáo như đã nêu ở trên, những chiếc xe dán chi chít decal, logo trên xe có thể bị từ chối đăng kiểm. Bên cạnh đó, chủ xe sẽ phải khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại màu sơn cũ đã ghi trong giấy đăng ký xe.
Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung tâm kiểm định xe cơ giới 29-03S (Hà Nội) cho hay, việc dán logo, decal quá nhiều lên xe sẽ gây khó khăn trong quá trình đăng kiểm bởi lúc đó màu sơn sẽ không còn giống như ghi trong đăng ký xe nữa.
“Đây là lỗi nằm trong danh mục hư hỏng không quan trọng nên tuỳ mức độ có thể vẫn được kiểm định. Nhưng còn trường hợp dán decal, logo lên các bộ phận là kính bao gồm cả kính lái và kính sau thì không được đăng kiểm bởi đã làm thay đổi kết cấu của nhà sản xuất”, ông Hải nhận định.
Ông Hải cũng chia sẻ, trên thực tế tại đơn vị này đã gặp nhiều trường hợp lái xe dán chi chít các loại logo lên xe, thậm chí cả trên kính lái, kính sau. Những trường hợp này, các đăng kiểm viên sẽ yêu cầu chủ xe bóc bỏ mới tiếp nhận để đăng kiểm.