|
Đội Cảnh sát giao thông số 5, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, kiểm soát xe ba bánh tự chế, xe chở hàng cồng kềnh trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. |
Quyết liệt xử lý vi phạm
Mặc dù cơ quan chức năng đă nhiều lần vào cuộc nhằm dẹp bỏ xe ba bánh, xe ba gác tự chế chở hàng cồng kềnh, thế nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để. Những chiếc xe tự chế, thồ hàng cồng kềnh vẫn xuất hiện nhan nhản trên các đường phố cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người khác khiến người dân bức xúc.
Ghi nhận trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh của những chiếc xe tự chế ba bánh, bốn bánh, xe điện ba gác… chở hàng cồng kềnh đang lưu thông trên đường. Đặc biệt, tại những tuyến phố chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, các khu chợ đầu mối… các loại xe tự chế này lại càng hoạt động tấp nập.
Đã từng va chạm giao thông với với xe tự chế, anh Đinh Văn Cường (30 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Ra đường cứ nhìn thấy xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh, nhất là chở vật liệu xây dựng là tôi sợ, phải di chuyển chậm lại hoặc né gấp. Lần trước cũng vì đi sau một chiếc xe tự chế chở sắt thép không xi nhan khiến tôi gặp nạn. Cũng may, thanh sắt chỉ quệt vào xe chứ không đâm vào người”.
Cũng ám ảnh về những chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh di chuyển trên đường, chị Phạm Anh Ngọc (28 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi đi làm qua đoạn đường Đê La Thành (Cầu Giấy, Hà Nội), tôi đều phải hết sức chú ý với những chiếc xe tự chế chở vật liệu xây dựng. Lần nào đi qua đây cũng thấy có xe tự chế chở sắt thép, tủ gỗ, đồ đạc… cồng kềnh chạy qua. Những chiếc xe này còn không có xi nhan, đèn cảnh báo nên rất dễ gây tai nạn. Nhiều người còn chạy ẩu, lạng lách, vi phạm luật giao thông”.
|
Một chiếc xe máy tự chế trở hàng cồng kềnh trên đường Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
|
Cần chế tài mạnh tay hơn
Trước thực trạng nêu trên, thực hiện Kế hoạch số 51/KH-CAHN về tổng điều tra cơ bản, tuyên truyền, vận động và kiểm tra xử lý người điều khiển, chủ phương tiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn TP, Phòng CSGT TP Hà Nội đã tăng cường lực lượng, phương tiện, thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm. Việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp này trở thành một trong những nội dung chính, hàng ngày, hàng giờ của các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ ngoài đường phố.
Thượng úy Lương Văn Mạnh, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 5, CATP Hà Nội cho biết, sau nhiều tháng tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng các phương tiện xe ba bánh, xe chở hàng cồng kềnh vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm mạnh. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa nhận thức rõ được mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, bất chấp nguy hiểm, lén lút chở hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, tránh né các chốt trực, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, xe tự chế vẫn “lộng hành” cũng do mức phạt đối với phương tiện này còn quá thấp.
Theo đó, tại mục b khoản 3 Điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
“Tôi nghĩ, chế tài xử phạt tiền đối với những hành vi vi phạm này hiện nay còn khá nhẹ, chưa tương xứng với thiệt hại thực tế mà những hành vi vi phạm này có thể gây ra. Chính vì vậy, vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân cố tình vi phạm luật, chấp nhận bị cơ quan chức năng xử phạt để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển đồ”, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên nêu quan điểm.
Do đó, theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, để hạn chế, giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định. Từ đó có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với các trường hợp xe tự chế.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 1 CATP Hà Nội thông tin, mức xử phạt không cao khiến các chủ phương tiện rất “linh hoạt” trong xử lý tình huống. Khi bị lực lượng CSGT xử phạt những chủ xe tự chế có giá trị cao sẵn sàng nộp phạt để lấy phương tiện ra, tiếp tục “hành nghề”; còn với những phương tiện tự chế cũ nát, chủ xe sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.
Còn theo Trung tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội, để xử lý triệt để tình trạng xe tự chế chở hàng cồng kềnh, lộng hành trên đường phố, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, các cơ quan quản lý cần tiến hành kiểm tra, xử phạt ngay từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại hình phương tiện này.
Việc xử lý triệt để từ “gốc” sẽ khiến nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông từ loại hình phương tiện này bị giảm đáng kể. Đồng thời, đẩy mạnh vận động người dân sử dụng các phương tiện vận tải khác trong vận chuyển hàng hóa để đảm bảo an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật thay cho các loại xe ba gác, xe tự chế.
Theo thống kê của Phòng CSGT, CATP Hà Nội, trong tháng 9/2024, lực lượng này đã xử lý 466 trường hợp, trong đó có 55 xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp; 259 xe mô tô vi phạm chở hàng cồng kềnh, 152 xe kéo theo xe khác, vật khác. Lực lượng chức năng tạm giữ 68 phương tiện. Để chấm dứt tình trạng xe ba bánh tự chế, tự lắp ráp chở hàng cồng kềnh, vi phạm luật giao thông trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian tới, Phòng CSGT, CATP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. |
Thái An