|
Khách hàng sử dụng dịch vụ Vato Bike tại TP HCM |
Dù được đánh giá là một cuộc đua đốt tiền những tưởng các doanh nghiệp nội đuối sức, nhưng thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp (DN) nội đang dần khẳng định mình trong cuộc đua giành thị phần gọi xe công nghệ...
Cạnh tranh khốc liệt
Cuộc đua giành thị phần giữa các ứng dụng ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi có thêm một số ứng dụng của DN trong nước tham gia. Đầu tháng 7/2019, “ông lớn” trong lĩnh vực bưu chính, giao hàng Viettel Post tuyên bố gia nhập thị trường gọi xe công nghệ với ứng dụng MyGo và sẽ bắt đầu với dịch vụ gọi xe và tận dụng nền tảng sẵn có để phát triển thêm vận chuyển hàng hóa, thậm chí gọi xe tải.
Từ khi Uber rút khỏi Việt Nam cũng như toàn bộ hoạt động tại khu vực Đông Nam Á vào giữa năm 2018, những tưởng thị trường xe công nghệ Grab sẽ một mình một ngựa. Thế nhưng, nhiều hãng xe công nghệ mới đã xuất hiện như: Vato, Aber, Go-Viet, Be, Xelo…
|
“
Theo báo cáo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm đầu các nước có thị trường gọi xe trực tuyến hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2015, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đạt 200 triệu USD, hiện đã đạt hơn 500 triệu USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 41%. Dự báo của e-Conomy SEA cho biết đến năm 2025, thị trường gọi xe trực tuyến của Việt Nam tăng gấp 4 lần, cán mốc 2 tỉ USD. Đây có thể được xem là nguyên nhân khiến các các tay chơi nội lẫn ngoại đang cạnh tranh khốc liệt, đua nhau đốt tiền để giành lấy miếng bánh hấp dẫn này.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
” |
Nhanh chân nhất có lẽ phải kể đến Công ty CP Xe khách Phương Trang (FUTA) đã đầu tư 100 triệu USD, tương đương khoảng hơn 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng Vato để phát triển dịch vụ gọi xe công nghệ. Cùng ứng dụng Vato, Phương Trang có các dịch vụ VatoCar (taxi), Vato bike (xe ôm), Vato ship (giao chuyển). Vato là ứng dụng Việt đầu tiên tham gia thị trường gọi xe công nghệ sau khi Uber rút đi. Tính đến tháng giữa năm 2018, Vato có 24.000 tài xế đăng ký sử dụng.
Anh Nguyễn Ngọc Vũ, tài xế Vato chia sẻ, thay vì chỉ hiển thị tên và địa chỉ điểm đón, khi có một “cuốc” mới được phát đến app tài xế, Vato sẽ chỉ dẫn rõ đường đi đón khách cho tài xế. “Vato cũng có cách tính cước linh hoạt bằng đồng hồ tính tiền điện tử. Khi lái xe đón khách vẫy dọc đường, không đặt qua ứng dụng hoặc sau khi đã đến điểm kết thúc, nhưng khách cần di chuyển thêm một lộ trình khác, tài xế dùng tính năng này để ứng dụng tự tính tiền cho khách theo cung đường và thời gian di chuyển thực tế”, anh Vũ nói.
Cũng theo anh Vũ, Vato cho phép chặn những vị khách có hành vi khiếm nhã nếu tài xế không muốn gặp lại lần sau. Điểm cộng nữa cho Vato là một tài xế được khai báo nhiều xe, miễn là các xe đó đều phải hợp lệ (có đăng kiểm và bảo hiểm loại kinh doanh, có phù hiệu xe hợp đồng). Như vậy, trong tình huống xe này gặp sự cố thì có thể chuyển đổi sang ngay xe khác.
Ngay sau đó, một ứng dụng Việt khác cũng tuyên bố gia nhập thị trường là FastGo trực thuộc Tập đoàn NextTech. Sau gần 3 tháng chính thức hoạt động, ứng dụng này còn công bố khoản đầu tư của Vinacapital và con số gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại Hà Nội và TP HCM.
Thị trường gọi xe sôi động hơn khi “gã khổng lồ” Go-Jek của Indonesia chính thức có mặt vào cuối năm 2018. Từng gây xôn xao giữa năm ngoái vì có đối tác chiến lược (vốn là đối thủ lớn của Grab tại Đông Nam Á) đứng sau và tuyên bố sẽ là ứng dụng đa dịch vụ, gắn liền với đời sống người Việt nhưng Go-Viet giậm chân tại chỗ gần nửa năm nay với 3 dịch vụ là gọi xe hai bánh, gọi thức ăn và giao hàng mà chưa phát triển được dịch vụ gọi xe bốn bánh.
Cuối năm 2018, thêm một ứng dụng Việt khác có tiềm lực về tài chính, hệ sinh thái tốt là Be chính thức tuyên chiến. Đối thủ mạnh nhất mà Be xác định lúc bấy giờ chính là Grab và Go-Viet.
Trong cuộc đua này, đã có ứng dụng gọi xe phải rời bỏ cuộc chơi. Ứng dụng của Aber chào sân hồi giữa năm 2018 với điểm mới không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ôtô, giao hàng, xe doanh nghiệp... Chỉ ít tháng, ứng dụng này phải thông báo ngừng hoạt động.
Ai là người được lợi?
|
Cuộc chiến giành thị phần của các ứng dụng gọi xe công nghệ dự báo khá khốc liệt (Chụp trước cổng Đại học Y Hà Nội). Ảnh: Tạ Tôn |
Tâm điểm của sự chú ý đều đổ dồn vào cuộc đua giảm giá cước trên mỗi chuyến đi của các hãng và chính sách thưởng để thu hút tài xế, khách hàng. PV Báo Giao thông đặt một “cuốc” xe của ứng dụng Be cho quãng đường hơn 5 km, ứng dụng báo hết 76.000 đồng, nhưng được khuyến mại 25% nên chỉ phải trả 57.000 đồng.
Trong khi đó, cùng quãng đường này, PV đặt thử ứng dụng Grab, ứng dụng báo 79.000 đồng. Cũng với quãng trường nêu trên nhưng chiều về, mặc dù vào giờ cao điểm nhưng Be lại hạ giá xuống 44.000 đồng, trong khi đó, Grab tăng giá chóng mặt với dịch vụ GrabCar Plus là 170.000 đồng, GrabCar là hơn 150.000 đồng, JustGrab là 140.000 đồng.
Chị Phương Loan, nhà ở Q.1 cho hay, vào giờ cao điểm đi từ Q.1 ra sân bay nếu sử dụng xe Grab giá có thể lên tới 200-300 ngàn đồng. Thế nhưng đi Vato chỉ có khoảng hơn 100 ngàn đồng. Nhiều khách hàng vì thế khi có nhu cầu đi xa hay đi trong giờ cao điểm đều chọn Vato.
Tài xế Lương Văn Khoa cho hay, mỗi ngày anh chạy khoảng 15 “cuốc” Vato car và đạt doanh thu khoảng 1,7 triệu đồng, trừ chiết khấu 15% (khoảng 300 ngàn đồng) và 400 ngàn đồng tiền xăng thì còn dư hơn 1 triệu đồng. Trước đó khi mới xuất hiện, Vato có lượng khách ít nên mỗi ngày chỉ khoảng 8-12 “cuốc”, tương đương với mức thu nhập sau khi trừ chiết khấu khoảng 700 ngàn, mỗi tháng cũng cho thu nhập 20 triệu đồng. “Một người quen của tôi chạy Vato bike chỉ bị trừ 5% mỗi tháng, nếu chỉ chạy 5 “cuốc”, tài xế cũng đã được thưởng 90 ngàn đồng, thu nhập 1 tháng khoảng 15-17 triệu đồng. Nếu cắt thưởng, thì với mức chiết khấu này tài xế Vato vẫn có thu nhập tốt hơn các app khác”, tài xế Khoa cho hay.
Anh Thành Trung (huyện Củ Chi, TP HCM) tiết lộ, GrabCar trừ 20% doanh thu, chưa bao gồm 4,5% thuế. Tài xế chạy một ngày thu về khoảng 420 ngàn đồng (28 cuốc xe), trừ đi 60 ngàn đồng xăng xe, 90 ngàn đồng chiết khấu, số tiền còn lại thực nhận khoảng 270 ngàn đồng, tương đương khoảng 8,1 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, để chạy được 28 “cuốc” không dễ và nếu tài xế không có thưởng thì thu nhập coi như thấp hơn lương công nhân.
Tương tự, với GrabCar trung bình chạy khoảng 12 tiếng liên tục sẽ có doanh thu khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Trừ 300 ngàn đồng thuê xe, tiền xăng khoảng 300 - 400 ngàn đồng, app thu chiết khấu khoảng 450 ngàn đồng, như vậy số tiền thực nhận còn lại 400 ngàn đồng/ngày, tương đương 12 triệu đồng/tháng.
Các ứng dụng gọi xe dường như đang vào cuộc đua. Tất cả cùng tung khuyến mại, cùng giảm giá, cho tới khi nào không thể chịu được áp lực tài chính nữa, thì sẽ phải tăng giá, cắt thưởng. Điển hình như Grab, công ty này cho biết đầu tư khoảng 100 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng vào thị trường Việt Nam. Nhưng tính đến cuối năm 2018, DN này đã báo lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc FastGo nhìn nhận, vẫn biết chính sách giá tốt là yếu tố quan trọng để các ứng dụng gọi xe thu hút khách hàng và chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần gọi xe. Nhưng giá tốt chưa đủ, bởi ngoài ra, các ứng dụng như FastGo còn cần phải có thêm yếu tố dịch vụ và tiện lợi.
“Cần phải có chiến lược và hướng đi rõ ràng, phù hợp với điều kiện kinh doanh và pháp luật. Để tham gia vào cuộc chơi, DN phải xác định tiêu tốn vài ngàn tỷ đồng để đầu tư phát triển”, ông Tuất nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, với con số gần 200.000 tài xế như Grab đã công bố, Grab hiện đang chiếm khoảng 70% thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam, các ứng dụng khác sở hữu thị phần ít ỏi còn lại.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong thị trường gọi xe công nghệ, ai có giá tốt, dịch vụ tốt sẽ giành phần thắng. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển tràn lan các ứng dụng gọi xe như hiện nay cần phải kiểm soát để có sự cạnh tranh lành mạnh.
Cuộc đua giành thị phần giữa các ứng dụng ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi có thêm một số ứng dụng của DN trong nước tham gia. Đầu tháng 7/2019, “ông lớn” trong lĩnh vực bưu chính, giao hàng Viettel Post tuyên bố gia nhập thị trường gọi xe công nghệ với ứng dụng MyGo và sẽ bắt đầu với dịch vụ gọi xe và tận dụng nền tảng sẵn có để phát triển thêm vận chuyển hàng hóa, thậm chí gọi xe tải.
Từ khi Uber rút khỏi Việt Nam cũng như toàn bộ hoạt động tại khu vực Đông Nam Á vào giữa năm 2018, những tưởng thị trường xe công nghệ Grab sẽ một mình một ngựa. Thế nhưng, nhiều hãng xe công nghệ mới đã xuất hiện như: Vato, Aber, Go-Viet, Be, Xelo…
Theo báo cáo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm đầu các nước có thị trường gọi xe trực tuyến hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2015, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đạt 200 triệu USD, hiện đã đạt hơn 500 triệu USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 41%. Dự báo của e-Conomy SEA cho biết đến năm 2025, thị trường gọi xe trực tuyến của Việt Nam tăng gấp 4 lần, cán mốc 2 tỉ USD. Đây có thể được xem là nguyên nhân khiến các các tay chơi nội lẫn ngoại đang cạnh tranh khốc liệt, đua nhau đốt tiền để giành lấy miếng bánh hấp dẫn này.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long